“Phố núi” Pleiku đã sẵn sàng Gần nửa tháng nữa Festival Cồng chiêng quốc tế lần thứ nhất mới khai cuộc, song đến Gia Lai trong những ngày này có thể cảm nhận được không khí náo nhiệt. Ông Măng Đung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, lễ hội cũng là dịp hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thể hiện truyền thống đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và con người Gia Lai với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp tôn vinh giá trị đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, một loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo của Việt đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vì thế, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã bắt đầu được khởi động từ năm 2008 và tới thời điểm này, công tác chuẩn bị đã bước vào giai đoạn hoàn tất. Khu vực trước Quảng trường 17-3 đang được san ủi, xây dựng sân khấu, triển lãm và phục vụ nhiều hoạt động khác. Bảo tàng Mỹ thuật và công ty du lịch của tỉnh chuẩn bị thêm lực lượng và các sản phẩm du lịch. Nhiều tour du lịch hấp dẫn đã được xây dựng… Dự kiến, số khách mời là nghệ nhân cồng chiêng tham dự lễ hội lên tới 3.000 người và số lượng du khách đến trong dịp này có thể lên tới 30.000 người. Ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Công ty Cảng hàng không Pleiku, cho biết để chuẩn bị cho Festival này, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đang chuẩn bị đưa đường bay thẳng Hà Nội - Pleiku vào hoạt động. Một hệ thống đèn tín hiệu cho đường bay được lắp mới với tổng kinh phí đầu tư lên tới 17 tỷ đồng và sẽ đưa vào hoạt động trước 15-10-2009. Theo đó, việc đón tiếp khách đến Gia Lai trong dịp này qua đường hàng không sẽ thuận lợi hơn trước. Kịch bản văn học đã hoàn tất Với tên gọi “Cồng chiêng Tây Nguyên và thông điệp đoàn kết các dân tộc”, Festival Cồng chiêng quốc tế 2009 được xây dựng kịch bản khá công phu nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng. Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai, cho biết lễ hội sẽ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với âm điệu chủ đạo là cồng chiêng Tây Nguyên, kết hợp với ca múa nhạc tái hiện những trang sử thi chứa đầy huyền thoại đáng tự hào về dựng nước và giữ nước của người Tây Nguyên. Mỗi tiết mục đều nhằm lột tả những mốc son của đất và người Tây Nguyên. Trong đó, điểm nhấn của lễ hội là chương trình khai mạc với sự tham gia chuẩn bị của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên đến từ nhiều đoàn cồng chiêng trong nước và quốc tế. Khán giả sẽ được thưởng thức những lễ hội cao nguyên đầy phóng khoáng như lễ hội đâm trâu, lễ hội đua voi, lễ mừng cơm mới, bên những ghè rượu lá, giữa âm thanh đặc sắc của các bản tấu chiêng. Kịch bản phục dựng một số lễ hội lớn của đồng bào Tây Nguyên như lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới… cũng đã được bà con tham gia nhiệt tình và đây cũng sẽ là màn trình diễn hứa hẹn đem tới nhiều màu sắc mới cho festival này. Theo SGGP Online |