Tạp chí Sông Hương -
Quan họ và ca trù được công nhận là di sản nhân loại
08:53 | 02/10/2009
Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đã long trọng công bố: Quan họ của VN là "Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại" và ca trù của VN là "Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp".
Quan họ và ca trù được công nhận là di sản nhân loại
Quan họ thời hội nhập. Ảnh: Hoàng Hà

Trước tin vui liên tiếp trong hai ngày (30.9 và 1.10) từ Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) bay về, nhà văn Nguyên Ngọc và GS-TS Tô Ngọc Thanh - Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN có những chia sẻ cảm nghĩ nhân sự kiện này.

Lúc 19h55 (giờ VN, tức 16h55 - giờ Abu Dhabi ngày 30.9, quan họ đã được Uỷ ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể công bố là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ ngày 28.9 - 2.10.2009, tại Abu Dhabi - thủ đô của các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất đã diễn ra kỳ họp lần thứ tư của Uỷ ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Là thành viên Uỷ ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003, Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) cùng với Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã cử đại diện tham dự kỳ họp.

Đợt công nhận di sản năm nay có 111 hồ sơ đề cử từ 34 quốc gia. Sau 3 vòng thẩm định khoa học nghiêm ngặt, uỷ ban công bố chỉ có 76 di sản được ghi nhận là di sản đại diện của nhân loại.

Quan họ của VN được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hoá đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hoá, bài bản, ngôn từ và cả về trang phục. Hồ sơ đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để quan họ trở thành di sản đại diện của nhân loại, với các kết luận sau:

- Quan họ luôn được thực hành trong các hoạt động văn hoá, xã hội của cộng đồng, được cộng đồng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trao truyền từ nhiều thế hệ và trở thành bản sắc của địa phương và lan toả trở thành không gian văn hoá đặc thù.

- Việc quan họ được đăng ký vào danh sách đại diện sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội làm giàu thêm bức tranh văn hoá của VN và của nhân loại.
 
- Một số biện pháp bảo vệ được đề xuất với sự cam kết của quốc gia, chính quyền địa phương và cộng đồng cho thấy tính khả thi của các hoạt động bảo vệ di sản.

- Hồ sơ đã thể hiện rõ sự tham gia một cách tự nguyện của người dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong việc nhận dạng, kiểm kê giá trị di sản và xác lập các biện pháp bảo vệ.
Viện Văn hoá nghệ thuật và Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) được ghi nhận là các cơ quan nghiên cứu và quản lý có vai trò trực tiếp trong việc hướng dẫn cộng đồng thực hiện việc bảo vệ và phát huy di sản văn hoá quan họ theo đúng yêu cầu của Công ước UNESCO 2003.

Thay mặt nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, đại diện chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng đã có mặt tại Abu Dhabi để đón nhận danh hiệu vinh dự này. Lời phát biểu của đoàn đại biểu VN có đoạn: "Kế thừa những giá trị tinh thần hết sức quan trọng của Công ước 2003, VN vừa mới sửa đổi một số điều trong Luật Di sản văn hoá. Chính phủ VN cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo vệ quan họ - di sản của nhân loại và các di sản văn hoá của 54 dân tộc anh em ở VN để góp phần vào bức tranh văn hoá đa dạng của nhân loại và phát triển xã hội bền vững".  

Một canh hát quan họ.  ảnh: Hoàng Hà

Ca trù của VN được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp

Chiều 1.10, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá đang có mặt tại các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - cho biết: Lễ công bố diễn ra lúc 14h45 (giờ VN, tức 10h45 giờ địa phương) ngày 1.10, tại Abu Dhabi.

Theo Công ước UNESCO 2003, các di sản văn hoá phi vật thể đại diện của các quốc gia sau khi được đề cử, công nhận sẽ đăng ký vào hai danh sách di sản của nhân loại, đó là danh sách đại diện và danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế. Năm 2009, có tới 111 hồ sơ của 34 quốc gia là ứng viên của danh sách đại diện, nhưng chỉ có 15 hồ sơ của 9 quốc gia đăng ký vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. 12 ứng viên di sản phi vật thể đã lọt vào vòng chung kết, trong đó có ca trù của VN.

TS Minh Lý cũng cho biết, việc thẩm định di sản cần bảo vệ khẩn cấp khá khắt khe. Mỗi hồ sơ có một tổ chức chuyên môn phi chính phủ và một chuyên gia đánh giá độc lập được UNESCO mời thẩm định và "phản biện" kín. Hồ sơ ca trù nhận được báo cáo đánh giá từ Hội đồng Âm nhạc quốc tế - bà Gisa Janichen và ông Barley Norton - chuyên gia độc lập người Anh. Họ đã từng đến VN nghiên cứu ca trù trong nhiều năm. Như vậy là, sau 4 năm chờ đợi, kể từ khi Chính phủ quyết định đệ trình UNESCO công nhận di sản quan họ và ca trù, nay điều mong đợi đã trở thành hiện thực.  
T.Hoàng 


Nhà văn Nguyên Ngọc: "Mang di sản ra khỏi làng, di sản chỉ còn cái xác..."

"Di sản văn hoá  bao giờ cũng có không gian của nó. UNESCO đã rất giỏi khi công nhận Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, chứ không phải công nhận cồng chiêng hay công nhận âm nhạc của cồng chiêng. Bởi nếu tách di sản ra khỏi không gian đồng nghĩa với việc "giết" di sản.

Tương tự như vậy, với quan họ, dù đã có quan họ online, dù đã có nhiều biến thái quan họ như quan họ rock, quan họ rap, dù quan họ hiện đã phát triển thành quan họ đoàn, quan họ "âm nhạc"; nhưng những giá trị, những tinh hoa  của quan họ vẫn "sống", bởi chúng ta vẫn có thể tới làng ngồi nghe quan họ; nghe những liền anh, liền chị vừa đi cấy về, phủi phủi hai chân vào nhau cho hết bùn, thế là ngồi hát, hát chay luôn, không nhạc, không đàn.

Những nghệ nhân quan họ dân gian ấy không hề được đào luyện gì, nhưng chính họ mới là những người giữ gốc của quan họ và nhờ có họ mà  quan họ mới thật sự "sống"!  Như tôi đã nói, nếu tách di sản ra khỏi không gian nghĩa là mang xác ra ngoài chơi, là người Kinh chơi trò... dân tộc.

Gốc của di sản là làng, mang di sản ra khỏi làng di sản sẽ chỉ còn xác mà không có hồn! Một minh chứng là lễ bỏ mả của người Tây Nguyên, lễ bỏ mả chỉ có thể "sống" trong không gian làng rừng của Tây Nguyên, mang nó ra thị thành, phục dựng lại nó ở ngoài không gian làng- rừng Tây Nguyên thì không còn lễ bỏ mả nữa".

GS-TS Tô Ngọc Thanh - Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN: Quan họ như bông hoa, ngắt để vào lọ hoa sẽ héo

"Di sản nói chung và quan họ nói riêng cũng giống như một bông hoa trong vườn, ngắt ra cho vào lọ, chỉ hôm sau là hoa sẽ héo. Quan họ mà mất đi cái "gốc", mất đi "tính chất" liền anh, liền chị,  sẽ chỉ còn là diễn mà thôi, không thể hấp dẫn, không thể có giá trị được nữa. Hiện nay, đã bắt đầu có hiện tượng ấy, kể cả với quan họ làng cũng không còn giữ được "nguyên gốc" của mình.
 
Tất nhiên, sự "tiến hoá" này, chúng ta không thể chống lại được, nhưng phải giữ được cái "gene" của quan họ. Quan họ có thể tiến hoá, điều đó phải chấp nhận; nhưng không thể chấp nhận thứ quan họ với những liền anh, liền chị ngồi trong lều có 4 cọc tre phủ mái sặc sỡ, đặt chậu xin tiền ở trước cửa lều và hát. Cái đó thì phải chống!".  
Hải Anh ghi

Theo TS Lê Thị Minh Lý - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng