Dự lễ khai trương nhà lưu niệm có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng đại diện nhiều cơ quan, ban, ngành TW và địa phương cũng có mặt… Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gửi lẵng hoa và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư chúc mừng.
Tại buổi lễ, các nhà lãnh đạo, nhà văn, nhà nghiên cứu đều nhất trí đánh giá: Cuộc đời Tố Hữu là một sự hòa hợp kỳ diệu giữa cách mạng và thi ca. Luôn gắn bó trên mọi chặng đường của đất nước, mạnh mẽ nhưng vô cùng đằm thắm, reo vui nhưng không ngớt lo âu, thơ Tố Hữu là tâm tình và ý chí của một dân tộc đang vượt qua thác ghềnh. Ông xứng đáng là nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất của đất nước, nhà thơ lớn của thời đại. Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo chiến lược và nhà văn hóa tài năng, ông thực sự là nhà tư lệnh kiến trúc những giá trị văn hóa lâu bền, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần cho đất nước. Trước một sự nghiệp lớn và giá trị lớn như Tố Hữu, việc học tập, lưu truyền cho hậu thế là cần thiết, do đó, việc xây dựng Nhà lưu niệm Tố Hữu có một ý nghĩa lớn, vượt ra khỏi phạm vi của một gia tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: Là người đã nhiều năm phụ trách công tác văn hóa văn nghệ, người học trò gần gũi của Bác Hồ, trong suốt hơn 60 năm hoạt động của Tố Hữu, dù ở cương vị công tác nào, ông cũng nêu cao tấm gương tận tụy, quên mình và tài trí. Tố Hữu đã có cống hiện to lớn trên mặt trận quan trọng của cách mạng, đó là mặt trận chính trị, tư tưởng và văn hóa. Tố Hữu để lại cho đời nhiều hy vọng lớn lao. Chúng ta hứa sẽ lưu giữ mãi tinh thần cao đẹp, sáng tạo của ông.
Nhà lưu niệm có diện tích 120m2, trưng bày hàng trăm kỷ vật quí giá về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu, trong đó, nhiều kỷ vật lần đầu được công bố.
Nhà lưu niệm Tố Hữu sẽ không chỉ là nơi để gia đình ông tưởng nhớ đến một người thân yêu trong gia đình, mà còn là nơi để công chúng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp một nhà thơ - nhà cách mạng, hình dung được phần nào con đường cách mạng Việt Nam từ những di cảo, di vật của con người có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng và cao quí "sống là cho, chết cũng là cho" (Tố Hữu).
Tại buổi lễ, bà Vũ Thị Thanh, quả phụ của nhà thơ Tố Hữu, cũng thông báo: từ tháng 9/2008, học bổng Tố Hữu đã được thành lập, được trao hàng năm cho các học sinh giỏi, vượt khó vươn lên của 2 ngôi trường mang tên nhà thơ, ở Huế và huyện Quảng Điền, quê hương Tố Hữu
Theo CAND Online |