Mở đĩa nhạc Ngày hôm qua là thế vừa phát hành của chàng ca sĩ xuất thân từ cuộc thi Vietnam Idol - Ngọc Ánh, có thể đọc thấy art direction: XYZ, make up: ABC. Còn nội dung? Xuyên suốt album là những ca khúc của một thời xưa cũ như Buồn ơi chào mi, Dấu tình sầu, Lá đổ muôn chiều, Mắt lệ cho người...
Vỏ Tây, ruột ta
Album thứ 7 của ca sĩ Lâm Vũ mang lên bìa cả một dòng tiếng Pháp - Aie confiance à mon amour (Hãy tin vào tình yêu của anh) dù bên trong chẳng có bài nhạc Pháp nào và cũng chẳng có bài nhạc ngoại nào. “Cái sự Tây” của đĩa nằm trên đúng chiếc logo
LV
mà khi nhìn vào ai cũng phải nhớ đến hãng thời trang Pháp Louis Vuitton. Đĩa nhạc Miss you (Nhớ em) của Quang Hà chỉ có duy nhất Miss you là cụm từ tiếng Anh được dùng làm tên album, còn ca khúc bên trong thì chỉ Tây mỗi cái tựa khi toàn bộ phần lời đều bằng tiếng Việt.
Trên hằng hà sa số đĩa khác là những chức danh chói lóa như arranger, stylist, designer... chứ hiếm khi người ta chịu ghi là thiết kế, hòa âm... dù “arranger” hay “nhạc sĩ hòa âm” cũng chỉ là một.
Bên cạnh cái tên, những dòng chữ được in trên bìa, album nhạc ta còn được Tây hóa bằng một vài câu hoặc đôi khi chỉ là một cụm từ tiếng nước ngoài trong các tác phẩm. Ca khúc Yêu không hối tiếc của Hamlet Trương có đoạn “vì khi đã yêu là không cần phải nói I’am sorry” - ý tưởng đã từng được Eric Segal nói từ 40 năm trước trong tiểu thuyết Love story. Không kém cạnh, nữ ca sĩ Đông Nhi cũng chèn “Baby don’t let me alone” vào bài Bối rối - một sản phẩm VN. Một số trường hợp ca sĩ trình diễn trên sân khấu được hỗ trợ bởi một rapper đọc vài câu tiếng Anh mà nội dung có khi chẳng ăn nhập gì với lời ca khúc Việt.
Nói về tình trạng trên, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận lý giải: “Có thể các tác giả ấy chỉ muốn có một chút phong vị lạ để tác phẩm được chú ý hơn mà thôi. Nhưng cá nhân tôi không ủng hộ chuyện nửa nạc nửa mỡ trong sáng tác. Mỗi khi nghe một bài tiếng Việt mà có chèn sorry, miss you, need you tôi đều rất khó chịu”.
Phong trào Tây một nửa của làng ca nhạc còn tiến xa hơn một bước với những hình ảnh na ná sao ngoại. Này thì cũng quần áo kiểu dáng ấy. Kia thì cũng cách xõa tóc, dáng ngồi. Điểm khác biệt nằm ở chỗ nếu những tấm ảnh của sao ngoạin được hiếp ảnh gia chụp theo vóc dáng và tính cách của nhân vật thì ở ta những tấm ảnh được yêu cầu chụp sao cho giống ngoại. Những người thiết kế đĩa thì được yêu cầu phải trình bày sản phẩm sao cho thật giống Tây để làm sang.
Con lai hay Việt kiều?
Sự thật thì trong số các nghệ sĩ mang tên ngoại hiếm có người nào mang hai dòng máu hoặc từ nước ngoài về. Ca sĩ Nenita L. Feria, như tên khai sinh của cô, là một trong những trường hợp đặc biệt, còn lại chỉ là những cái tên được chủ nhân gắn vào cho thêm phần “kêu vang”. Nào là Hamlet, Akira, nào là Kiwi, Noo, Bambi, Jinni, Baby, Takej...
Khi những cái tên được xướng lên, khán giả cứ ngỡ mình đang dự một đại nhạc hội của những nghệ sĩ quốc tế Còn những cái tên của nhóm hát, những Quả Dưa Hấu, Phù Sa, Lọ Lem, Mây Trắng, Mắt Ngọc... đã là “đồ cổ” bởi những nhóm mới ra đời đều có tên Tây lạ hoắc, chẳng liên quan gì đến chủ nhân trừ việc họ... thích thế.
Đã có một thời những nghệ danh ca sĩ Việt mang màu sắc Trung Hoa với những Chấn, Đàm, Ưng, Nhất, Vân, Thiên... Và khi những ca sĩ ấy hát vài bài nhạc Hoa thì khán giả hẳn phải ngỡ rằng họ có bà con hay liên quan gì đấy đến xứ
Hong Kong
, Đài Loan hay Trung Quốc đại lục. Song khi truyền hình Hàn Quốc lên ngôi với những ngôi sao mới, khi điện ảnh, âm nhạc phương Tây trở nên thân thuộc như bánh hamburger, papa roti bán lẻ lề đường thì làn sóng nghệ danh lại chuyển sang Hàn, sang Tây. Lần này khán giả không còn bị nhầm lẫn bởi trước mắt họ là những gương mặt da vàng dù đôi khi tóc đã được nhuộm màu, tẩy sáng.
Sự khác biệt ở đâu?
Sự khác biệt trong âm nhạc không nằm ở nghệ danh mà ở cái riêng trong giọng hát, những sáng tạo mới, lạ trong hình ảnh, xử lý tác phẩm để những tác phẩm khi vang lên là một lần thu hút công chúng. Những danh xưng như designer, stylist không giúp cho đĩa nhạc tốt hơn nếu những người ấy không có sáng tạo mới, không làm ra được những sản phẩm chất lượng.
Thiếu nội lực tự thân, lại mô phỏng theo vũ đạo của các nghệ sĩ, nhóm nhạc nước ngoài. Thiếu khả năng sáng tác những tác phẩm thuần túy tiếng nước ngoài, lại chêm vài từ vào ca khúc Việt để thấy rằng mình cũng lóng lánh như ai. Không tự xây dựng được hình tượng cho riêng mình thì sao chép lại từ những người đi trước, những mẫu có sẵn. Lối làm việc ấy dần dà đẩy nghệ sĩ ta đến thói quen “học hỏi”, “chịu ảnh hưởng” mà quên mất rằng chính mình là những người thực hiện công việc sáng tạo.
Bà Ngọc Hạnh (Trung tâm băng đĩa nhạc Lạc Hồng): Đa số các sản phẩm bìa đĩa đều do ca sĩ thuê người thiết kế sẵn, chúng tôi chỉ in ấn. Trường hợp ca sĩ giao cho chúng tôi thiết kế họ cũng yêu cầu phải ghi designer, stylist... dù những chữ như thế không hề làm cho sản phẩm có giá trị hơn.
Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt: Chuyện những ca khúc có kèm một vài câu tiếng nước ngoài hay nghệ danh Tây không phải bây giờ mới có. Trước đây chúng ta cũng có Elvis Phương, Tony Hội hay như trong bài hát Koibito Yo chuyển soạn thành bài Người yêu dấu ơi cũng có câu Sayonara. Có điều tình trạng đó bây giờ quá nhiều đến mức nhàm chán.
Tôi nghĩ đó chỉ là một hội chứng, một xu hướng thời trang, rồi cũng sẽ đến lúc phải chấm dứt bởi dù anh có đặt nghệ danh gì mà hát không hay cũng thua, có chèn lời ngoại mà tác phẩm dở vẫn hỏng.
|
Theo TTO |