Trong số các tác gia tiền chiến, Nguyễn Tuân được biết đến như một nhà văn độc đáo cả về văn tài và tính cách. Trong đó tính "ngông" của ông là điểm được sách báo nói nhiều, đến độ đã thành giai thoại. Tuy nhiên, đối lập với đặc tính này, ở một số khía cạnh, Nguyễn Tuân lại được xem là người mực thước. Ví như chuyện quan hệ nam nữ.
Theo một nhà văn cùng thời kể lại thì Nguyễn Tuân là người coi trọng quan điểm "một vợ một chồng" và ông đặc biệt "rất ghét chuyện trai trên gái dưới". Ông đi nghe hát cô đầu chỉ để lấy không khí và thưởng thức nghệ thuật, tuyệt nhiên không "chuyện nọ xọ chuyện kia" như một số người khác.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng bị Nguyễn Tuân giận, "tẩy chay" một thời gian vì trong một bài viết, Hoàng Trung Thông đã kể lại chuyện nhà văn họ Nguyễn rớt nước mắt khi hay tin cô đào hát mà ông quen trước đây ở phố Khâm Thiên đã tự vẫn. Nguyễn Tuân giận không phải vì thi nhân họ Hoàng nhắc lại chuyện ấy, mà vì Hoàng Trung Thông đã gọi cô đào hát là "cố nhân" của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân thật thì đứng đắn trong chuyện quan hệ với người khác giới, nhưng tên mạo danh Nguyễn Tuân ở Sài Gòn lại không như vậy. Y là một tay sống bừa phứa, bạt tử. Không có danh, y chẳng ngần ngại gì khi cho in card bằng tiếng Pháp đề quý danh mình là "nhà văn Nguyễn Tuân".
Bấy giờ Nguyễn Tuân đã rất nổi tiếng. Và cũng nổi tiếng như vậy là máu "xê dịch", thích đi nhiều của ông. Thậm chí, trong một tác phẩm, ông còn đề từ bằng câu văn của một văn sĩ nước ngoài, đại ý "khi tôi chết, hãy thuộc da tôi làm chiếc vali" để nói cái chí thích phiêu lưu đây đó. Chính bởi đặc điểm ấy mà việc nhà văn Nguyễn Tuân vốn đang sống, cộng tác với một số tờ báo ở Hà Nội lại bất thần có mặt ở Sài Gòn là chuyện bình thường, không làm các "nạn nhân" của vụ lừa phải hiềm nghi.
Cũng cần phải nói thêm, bấy giờ em trai nhà văn Nguyễn Tuân là ông Nguyễn Khánh Đàm có mở một hiệu sách ở Sài Gòn. Và một ngày nọ, chuyện có kẻ mạo danh anh trai mình để đi lừa, chủ yếu là vay chằng vay bửa rồi xù nợ, đã lọt đến tai ông.
Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, không thể không lên tiếng với cơ quan pháp luật nên ông Đàm đã đâm đơn kiện. Đánh hơi thấy điều bất lợi, tên "Nguyễn Tuân dỏm" vội chuồn khỏi Sài Gòn rút về Sóc Trăng. Tại đây, chứng nào tật nấy, y lại tiếp tục mạo xưng là "nhà văn Nguyễn Tuân" và thực tế, y đã lừa và tằng tịu được với một cô giáo trẻ vốn rất mến mộ văn tài tác giả Vang bóng một thời.
Nhà văn Nguyễn Tuân chỉ thực sự biết chuyện này sau ngày giải phóng miền
, nhân chuyến ông vào thăm TP HCM. Qua nguồn tin báo chí, bà giáo nọ lần tìm được địa chỉ bác Nguyễn, bèn gửi thư kể lại chuyện buồn ngày xưa cũ và mời bác Nguyễn xuống nhà chơi. Nguyễn Tuân nghe chuyện không khỏi buồn vơ vẩn. Nhưng rồi ông tìm cách xua cảm giác đó đi bằng một câu nói hài hước với một bạn văn: "Chuyện ba, bốn mươi năm về trước, có thứ gì 'tốt nhất' nó lấy mất rồi. Giờ hai ông bà già gặp nhau, còn 'nước nôi' gì nữa…".
Theo VNCA |