Tạp chí Sông Hương -
Kết thúc Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2009: Sân khấu kịch đã "chuyển vùng"
10:05 | 07/10/2009
Toàn cảnh hội diễn năm nay (26.9 - 7.10) thể hiện khá rõ sự hoán đổi vùng miền của chính kịch và những xu hướng mới. Đã có những cái mới được điểm xuyến làm sáng lên khung cảnh vốn tẻ nhạt lâu nay.
Kết thúc Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2009: Sân khấu kịch đã
Mẹ và người tình" của Kịch Phú Nhuận.

Kịch phía nam soán ngôi

Một thành viên BGK cho biết: Điều mà ông bất ngờ nhất chính là chính kịch - vốn là thế mạnh của các nhà hát ở Hà Nội - đã "chuyển vùng" vào . Có thể thấy, các đoàn kịch bắc ưa dựng cảnh salon, nhà biệt thự, chọn mảng đề tài (từ lịch sử đến hiện trạng chống tham nhũng hôm nay) xẻ lát khá lớn, mở đầu hùng hồn, tuy nhiên càng về sau lại đuối dần. Ngược lại, những vở tiêu biểu và khá của kịch Sài Gòn thường có điểm nhấn ở phần kết, càng về sau càng xử lý nhuần nhuyễn và có tình.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng đã có sự giao hòa giữa kịch chính sử và đương đại, giữa kịch dân gian và hiện đại, giữa việc cố gắng tìm khán giả và tạo ra tính hấp dẫn từ đầu cho người xem. Thay vì sự độc chiếm lâu nay của các "cây đa cây đề", năm nay, sân khấu được trả lại cho những gương mặt mới: Đức Thịnh, Vũ Minh, Minh Nhí, Anh Tú, Thành Lộc, Minh Nguyệt...

Ba nhà hát phía bắc đều có vở đinh chống tham nhũng, trong đó, khá nhất là của Nhà hát Kịch Hà Nội với "Điện thoại di động" (Nguyễn Quang Lập - Hoàng Dũng). "Trên cả trời xanh" (Nguyễn Mạnh Tuần - Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Kịch VN có phần kết mở đáng chú ý: Không phải cứ cái ác, cái gian dối là bị tiêu diệt, mà đôi khi, nó vẫn sinh sôi nảy nở tinh vi hơn. Tuy nhiên, cái nhìn về quyền lực, về quan tham, ô dù vẫn chỉ dừng ở "đủ độ" chứ chưa nặng đô đúng với thực tế.

Còn sân khấu kịch phía nam lại đi sâu vào chuyện đời thường, từ sự hóa giải mối xung đột hận thù trong quá khứ giữa hai chiến tuyến, giữa trong nước và hải ngoại như vở "Biển" (Lê Duy Hạnh - Trần Ngọc Giàu), hóa giải thù hận giữa con người bằng thương yêu như "Cánh đồng bất tận" (Minh Nguyệt), xung đột giữa hai thế hệ như "Mẹ và người tình" (Lê Chí Trung - Minh Nhí).

Ngay với đề tài lịch sử, cách tiếp cận của kịch Sài Gòn cũng khác với kịch Bắc: Giải thiêng hình tượng vĩ nhân bằng câu chuyện đời thường như "Ngàn năm tình sử" (Nguyễn Quang Lập - Thành Lộc), hay bi kịch mất nước vì thiếu cảnh giác ở "Nỏ thần" (Lê Duy Hạnh - Đỗ Đức Thịnh). Tuy không nói rõ là "anh hùng" hay "mỹ nhân", nhưng chính những nhân vật biết gác lại chuyện riêng để lo việc lớn, hy sinh âm thầm để mang lại niềm an ủi cho người khác lại nghiễm nhiên trở thành "tượng đài" anh hùng.

3 gương mặt mới làm nên chuyện

Nếu phải bình chọn, thì hầu như giới chuyên môn đều thống nhất ở tính triết lý sâu sắc trong "Mẹ và người tình" của Kịch Phú Nhuận. Một vở diễn tiếp cận vấn đề ở góc độ gia đình, có sức khái quát lớn: Người mẹ tin rằng mình đặt từng đứa con ngồi ở chỗ nào, thì cũng có thể đạp từng đứa ra.

Thứ tình yêu áp đặt thì không thể được đáp lại bằng một tình yêu chân thành - những đứa con trong gia đình từ từ lật mặt nạ của nhau và phủ nhận quyền yêu của mẹ. Đây là vở kịch mà chính đạo diễn Minh Nhí khiến người xem phải suy nghĩ, phải tự tìm ra cách lý giải riêng.

Vở thứ hai đáng nói là "Cánh đồng bất tận" của Nhà hát Sân khấu nhỏ. Những phác thảo về cái ác, về sự thù hận của con người khi bị ruồng bỏ và cưỡng hiếp, đôi khi gần như hoàn chỉnh thành bức tranh u ám sống động. Tuy nhiên, còn đó những nét cọ khiến bức tranh không quá u tối, nhờ sự lay động của lòng nhân hậu ở những phụ nữ "dưới đáy". Đạo diễn Minh Nguyệt sau 10 năm vắng bóng đã có cú "quẫy" mạnh mẽ để câu chuyện chan chứa tình người và nỗi đau.

Đứng riêng một dòng ở tính chất và quy mô là vở ca kịch "Ngàn năm tình sử" của Idecaf. Tưởng đâu là chuyện tình éo le của bậc anh hùng Lý Thường Kiệt, nhưng lại là chuyện lớn hơn - vận nước và trách nhiệm của người nắm quyền, tình yêu lớn lao với giang sơn lồng trong tình yêu với con người cụ thể và phủ bàng bạc khắp vở diễn chính là lòng yêu nước được khơi dậy trong muôn dân trước mối đe dọa ngoại xâm.

Và cho đến nay, tính thời sự vẫn còn đó. Sự kết hợp với âm nhạc hiện đại khá lạ, công phu, tuy hơi bị sa đà trong phần kết cấu, nếu giản lược thêm thì mức độ cô đọng sẽ làm bật lên tinh thần sáng tạo của vở.

                                                                                                                     Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng