Tạp chí Sông Hương -
Gần 100 làn điệu quan họ cổ lụi dần trong một "di sản sống"
14:13 | 08/10/2009
Rời nhà cụ nghệ nhân Nguyễn Thị Nguyên (xem TT&VH số vừa qua), chúng tôi tìm đến nhà cụ Ngô Thị Nhi (87 tuổi), báu vật nhân văn sống thứ hai sau cụ Nguyên còn sót lại của quan họ cổ truyền Bắc Ninh ở làng Diềm - làng Thủy tổ quan họ (xã Hòa Long, Yên Phong). Cụ là “trùm quan họ” duy nhất xứ Kinh Bắc cho đến giờ còn giữ được cả trăm làn điệu quan họ cổ, chưa “bung ra” bao giờ, không ai học được và ngay chính bản thân cụ cũng không học, không chơi chuẩn được những giọng quan họ vô giá này.
Gần 100 làn điệu quan họ cổ lụi dần trong một
Di sản nhân văn sống Ngô Thị Nhi (87 tuổi) người làng quan họ Viêm Xá (tức làng Diềm) Bắc Ninh

Còn 100 làn điệu nữa tôi đã “bung ra” đâu
 
Khi chúng tôi chạm cổng nhà cụ Nhi thì trời đã nhá nhem. Cũng giống cụ Nguyên, cụ Nhi ở nhà một mình, nhưng khác cụ Nguyên ở chỗ, để được cụ cho vào nhà, chúng tôi phải “thỉnh xin” năm lần bảy lượt và phải tuồn giấy giới thiệu của cơ quan qua một lỗ thủng trên cánh cổng gỗ cho cụ, sau đó chờ cụ “dịch” xong mới mở cổng cho vào. Cụ bảo: “Gần đây ở làng hay xảy ra hiện tượng người lạ đến nhà, dùng phép thôi miên lấy hết của cải nên phải đề phòng chứ. Nom chú như “thằng nghiện” thế kia lại càng... nghi. Nhưng mà dẫu chú có phép thôi miên thì cũng chả lấy được gì của tôi đâu, kể cả là... quan họ”.

Tôi thưa, quan họ cả thế giới biết rồi, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới rồi, cụ còn đâu quan họ mà bảo cháu “thôi miên” để ăn cắp Đùa cụ thế, ai ngờ cụ lại làm tôi bàng hoàng khi vừa lắc đầu vừa đủng đỉnh nói: “Hết đâu mà hết. Hẵng còn hơn 100 làn điệu nữa tôi đã “bung ra” đâu. Thế mới bảo, có thôi miên, bổ sọ tôi ra thì hơn 100 làn điệu quan họ chưa được công bố ấy cũng chả bao giờ mất khỏi đầu tôi đâu. Có chăng các chú mất thì mất, tiếc thì tiếc”.

Chỉ có hai cụ cháu ngồi giữa căn nhà 5 gian, cơ chừng tuổi thọ còn nhiều hơn cả tuổi cụ nên mọt ruỗng từ chân cột đến thượng lương, không gian tranh tối, tranh sáng, nghe cụ nói vậy tôi cứ thấy lạnh cả người. Cụ bấm đốt ngón tay, “mở kho di sản” bấy lâu cụ vẫn đóng chặt trong đầu: “Quan họ cổ truyền Bắc Ninh tính ra có đến 400 làn điệu, trong đó có khoảng hơn 200 làn điệu “vô cùng độc”. Trong hơn 200 làn điệu ấy tôi chỉ biết hơn trăm, nhưng càng về già càng thấy nó hụt đi, sống thêm được một tuổi thì mất khoảng bốn, năm làn điệu không nhớ được nữa, hoặc giả có nhớ thì phải có người chơi nhắc, đụng đến mạch thì có nhớ được câu nào mới nhớ...”.

Cụ Nhi không “hàn lâm” về lề lối quan họ, chỉ kể nôm: Từ xưa cho đến bây giờ, quan họ khó chơi nhất là điệu Hừ La và La Rằng. Hai điệu này nó lắm lối, nhiều đường, láy lắt liên tục... khó lắm. Thuở còn con gái, mỗi khi các cụ trong làng dạy đến Hừ La, La Rằng chúng tôi toàn trốn học Vì vậy, với Hừ La thế hệ chúng tôi đã đánh mất, không ai chơi được. Xưa kia, mỗi khi chơi quan họ theo đúng lề lối thường là phải chơi Hừ La trước, La Rằng sau, tiếp đến ca giọng gì thì ca. Bây giờ Hừ La mất rồi nên thành thử La Rằng lại được chơi trước, sau thì “nhảy” đến các giọng Cây gạo, Tình tang đường bạn... linh tinh hết cả”.

Tôi nhờ cụ định nghĩa cho tôi Hừ La là gì, La Rằng là gì? Còn ai ngoài cụ giữ “kho di sản” này không, thì cụ lắc đầu: Về lề lối Hừ La và La Rằng tôi mà nói được có họa là vua bà (tương truyền là người sáng tác ra quan họ làng Diềm - PV). Còn người giữ được tất cả Hừ La và La Rằng là cụ Thị, cũng người làng Diềm, nhưng chú đến chậm, cụ đi với các liền anh, liền chị... gần tròn giỗ đầu rồi. Tôi chỉ thuộc lời Hừ La, La Rằng và thẩm được hai lối chơi ấy chứ chưa chơi đúng giọng được...”.

Chưa ai luyện thành công Hừ La và La Rằng

Một thực tế cụ Nhi cho biết cũng làm tôi vô cùng hoang mang là Hừ La và La Rằng ngoài chính lớp nghệ nhân như cụ Nhi không thể học được ra, cho đến nay chưa một ai luyện thành công hai lối chơi quan họ độc nhất vô nhị này, chí ít là dưới sự thẩm định của cụ Nhi.

Cụ bảo: Bọn trẻ ở làng cũng giống như lớp chúng tôi ngày xưa, hễ nói đến học Hừ La, La Rằng nhé, là cấm có thấy đứa nào đến. Năm nào đó, tôi cũng không nhớ nữa, Thúy Cải cũng về học với tôi nhưng lối chơi Hừ La và La Rằng của Thúy Cải chưa đúng với lối chơi mà tôi được nghe, được thấm từ các cụ ngày xưa.

Thế nhưng Hừ La và La Rằng nó hay như thế nào, thưa cụ? Tôi hỏi. Cụ Nhi nôm na: Hừ La, La Rằng giọng nó khác với các giọng khác, thậm chí rất thô, khô không khốc. Hai điệu này khó chơi còn là bởi đọc văn bản thì dễ nhưng diễn xướng lại trúc trắc...

Tôi hỏi, rốt cuộc thì đã có những ai, còn những ai chơi được Hừ La và La Rằng thì cụ Nhi cho biết chưa ai cả, mà mới chỉ có cụ Sàng (65 tuổi), đã về hưu, người cùng làng thi thoảng vẫn tranh thủ mang đài cassette đến xin cụ cho thu lại những điệu quan họ độc để mang về tự học. Còn con trai cụ Nhi, theo như cụ cho biết, cũng đã được cụ truyền lại nhưng đến nay anh cũng chưa làm cho chính thầy mình, mẹ mình hài lòng bởi giọng vẫn chưa đúng với truyền thống. Những tài liệu, sách vở anh chép lại từ mẹ cũng bị “thó” mất, thành thử những bài cụ Nhi đã quên, giờ muốn “bắt mối” cho cụ hát cũng không có sách để nhắc cho cụ nữa.

Cụ Nhi bảo; thuộc lời là một chuyện, còn để đạt đến đỉnh cao của giọng Hừ La và La Rằng truyền thống thì chỉ những ông trùm, bà trùm quan họ mới có khả năng làm cho Hừ La và La Rằng sống lại được. Tuy nhiên, một thực tế đau lòng là hầu hết những người xứng danh là bà trùm, ông trùm quan họ, không chỉ ở làng Diềm mà hầu như ở Bắc Ninh, Bắc Giang nói chung hiện giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Hơn thế nữa, các cụ ở quá xa nhau, không có dịp gặp gỡ, giao lưu để qua đó gọi lại vốn di sản đang dần ẩn đi trong trí nhớ già nua của các cụ.

Hãy kiếm cho tôi một chiếu quan họ càng sớm càng tốt

Lẫm chẫm tiễn chúng tôi ra đến sân, khi đêm Trung Thu Giời xanh vằng vặc nguyệt dãi làu làu chợt thấy cụ Nhi đặt tay lên vai tôi, run run nói: “Quan họ Bắc Ninh được “cấp bằng chứng nhận” là vinh dự cho những người chơi quan họ chúng tôi lắm rồi. Nhưng mà, tôi muốn nhờ quý báo giúp tôi một việc; hãy kiếm cho tôi một chiếu, trong một dịp nào đó ở Hà Nội, càng sớm càng tốt, để tôi, cụ Nguyên, cụ Nguyễn Thị Bàn và một số cụ mà tôi biết sẽ tung ra tất cả những giọng quan họ cổ bấy lâu tôi đã giữ. Qua đó, cho những người sưu tầm và yêu quan họ biết là “loại văn nghệ” này còn nhiều bí ẩn lắm, còn tốn nhiều thời gian để gìn giữ và truyền dạy cho con cháu sau này lắm...”.

Sở nguyện của cụ làm tôi xúc động và thấy lo lắng. Tôi chợt nhớ đến nghệ nhân Điểu Kâu, “báu vật sống của Tây Nguyên”, cánh chim đại ngàn của sử thi đã ngừng bay hồi năm ngoái. Tôi linh cảm, nếu “sở cầu” của cụ không được toại nguyện thì gần 100 điệu quan họ độc sẽ mãi nằm lại trong đầu cụ

                                                                                                         Theo TTVH

Các bài mới
Các bài đã đăng