Như đã biết, để có thể hát đúng, hát tới hay để có thể biểu diễn “ra” được chất Ca trù, đòi hỏi những người theo nghiệp này phải được đào tạo bài bản, chính quy trong một thời gian dài và hoạt động trong môi thường xuyên được luyện tập và trau dồi nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp. Tính đến hết tháng 10 năm 2008, cả nước có 63 CLB Ca trù trên địa bàn 14 tỉnh thành có Ca trù là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều người cho rằng hình thức Câu lạc bộ có thể thay thế hình thức như giáo phường Ca trù trước đây. Nhưng trên thực tế chúng ta không thể so sánh như vậy được. Bởi lẽ, các Giáo phường Ca trù xưa kia vốn dĩ đã hoạt động rất chuyên nghiệp, đề ra được những quy chuẩn rất chặt chẽ. Người đào nương trước khi bước vào nghiệp hát phải được đào tạo bài bản, tinh thông nghề nghiệp và khả năng ứng tác rất tốt mới được Mở Xiêm áo - và từ đó mới được các giáo phường cho đi hát. Trong khi nhiều CLB Ca trù hiện giờ hoạt động chưa rõ quy chuẩn nghề nghiệp; việc phong danh hiệu “nghệ nhân”, “đào nương” không có tổ chức nào đứng ra kiểm định, công nhận; nhiều người chỉ học và hát được một vài bài cũng đã gọi là đào nương và tự “Mở xiêm áo” hành nghề.
Vì vậy, theo tôi, việc thành lập một Nhà hát hay Trung tâm nghệ thuật Ca trù lúc này là rất cần thiết, và chỉ như thế mới giúp Ca trù đi đúng hướng, giúp phát huy, bảo tồn được những tinh hoa của nghệ thuật Ca trù, làm Ca trù sống lại, đi vào đời sống văn hóa của dân tộc.
Có một thuận lợi là hiện nay cả nước còn 769 người biết đàn hát và múa Ca trù, trong đó 513 đào nương, 256 kép đàn và người đánh trống chầu. Nguồn lực đó là điều kiện thuận lợi cho chúng ta trên cơ sở đó, tinh lọc những người có đủ khả năng, thành thạo nghề nghiệp đưa về đào tạo để trở thành những đào nương, kép đàn Ca trù chuyên nghiệp.
Cho tới thời điểm này, Ca trù của chúng ta chưa được đưa vào đào tạo chính quy trong trường Đại học nghệ thuật thì chính Nhà hát này đồng thời là trường chuyên nghiệp đầu tiên vừa có chức năng biểu diễn đồng thời kiêm luôn chức năng đào tạo và bảo tồn vốn di sản Ca trù. Chúng ta có thể tiến hành tuyển chọn ra những hạt nhân có khả năng để đưa vào đào tạo, trau dồi, đặt tiêu chí sao cho sau thời gian tu tập họ có thể đảm nhiệm được hai chức năng là biểu diễn và đào tạo.
Bên cạnh số lượng đào nương hiện có, một thuận lợi nữa là trong 99 thể cách, bài bản (làn điệu) Ca trù được ghi nhận trong thư tịch cổ, thì hiện còn khoảng 42 bài bản và 7 điệu múa còn tồn tại trong “kho di sản sống” là các nghệ nhân có thể tiếp tục duy trì (theo thống kê tại Hội nghị kiểm kê Ca trù toàn quốc tại Viện Âm nhạc, có 427 băng đĩa tiếng và hình đã được điền dã, thu thập từ các nghệ nhân cao tuổi và những người theo đuổi nghệ thuật Ca trù ở khắp các địa phương trong cả nước). Đó là điều kiện cần và đủ để chúng ta tuyển chọn và tiến hành đào tạo ra thế hệ những người thầy, người đào nương thực thụ, làm sống lại nền Ca trù tinh hoa của dân tộc.
Ngoài việc bảo tồn các yếu tố phi vật thể của Ca trù, thì “Nhà hát - Nhà trường - Trung tâm nghệ thuật Ca trù” còn có thể làm chức năng bảo tồn các di tích, thư tịch và tư liệu khảo cổ học liên quan. Hiện nay, chúng ta đã phát hiện 99 di tích liên quan tới Ca trù, trong đó một số di tích bị hoang phế chưa được trùng tu. Việc thành lập một Nhà hát Ca trù tầm cỡ Trung ương lúc này là vô cùng cần thiết. Có như vậy, nghệ thuật Ca trù mới được bảo tồn và thực sự sống lại trong đời sống đương đại.
Theo TT&VH |