Tạp chí Sông Hương -
Nhạc "rác" - ai ngăn?
09:23 | 09/10/2009
Hỗn độn, bát nháo, thị trường ca khúc Việt đang đứng trước ngưỡng báo động về tính lai căng, bắt chước và bị nhân bản kiểu công nghệ số.
Nhạc
Nhiều tác giả kiêm ca sĩ trước đó chưa ai biết tới, nhưng nổi lên nhờ đưa bài hát lên mạng

Đặc biệt, dòng nhạc này phát triển ồ ạt trên Internet, được phát tán rất nhanh và hiện nay, các trang web âm nhạc tràn đầy thứ nhạc rác mà không ai buồn ngăn chặn.

Trước thực trạng trên, ngày 7.10, Hội Âm nhạc và Nhạc viện TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo "Tính dân tộc và hiện đại trong ca khúc trước yêu cầu hội nhập và toàn cầu hoá". Điều mà các nhạc sĩ trăn trở chính là công chúng yêu âm nhạc hiện nay đòi hỏi gì ở ca khúc mới và diện mạo ca khúc Việt sẽ ra sao.

Hội nhập là "bê nguyên xi"?

Khi được hỏi, vì sao không nghe nhạc Việt, mà chỉ thích nghe nhạc nước ngoài, một học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trả lời: "Cháu thà nghe nhạc chính gốc còn hơn là nghe nhạc nhái. Trên mạng, các nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ toàn cóp các bài hit của các ban nhạc Hàn rồi đổi sang lời Việt, giai điệu thì y nguyên, nhưng ca từ thô tục, trần trụi, ngây ngô. Nghe nhạc ngoại cũng là cách bảo vệ tai nghe của mình".

Khi một bộ phận giới trẻ quay lưng với nhạc "chế" trên mạng, có thể hiểu, dòng nhạc này hạ cấp thế nào. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm nhìn nhận: Phải chăng để cho kịp "hội nhập" và mang tính hiện đại, đã có những bài hát Việt bê nguyên xi giai điệu của ca khúc Hàn, Thái, Đài Loan; hoặc được thể hiện bằng những kiểu nửa rock, nửa rap, hay pha trộn hết thảy những gì gọi là hi-tech (công nghệ ca khúc số trên máy tính)?

Trong "công nghệ" này, người sáng tác chỉ cần lên máy tính, cho giọng chủ, nhịp, tempo, máy tính sẽ... lập trình hàng loạt bản nhạc theo dữ liệu pha trộn. Phần hòa âm phối khí cũng vậy. Không ít những bài hát nội dung hết sức dung tục, nhưng lại được gia công bằng kỹ thuật hiện đại và đánh lừa được người nghe.
 
Hiện nay, người ta còn nhầm lẫn giữa yêu cầu phải chứa đựng những giá trị, tư tưởng của thời đại trong ca khúc với những lời ca khẩu khí thông tục thường ngày, những tình cảm nam nữ khiếm nhã khiến người nghe phải đỏ mặt.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nhìn nhận: "Bên cạnh những công trình nghiên cứu lý luận và sáng tạo một cách nghiêm túc của các nhạc sĩ đầy tâm huyết với nghề, còn có không ít những "nhạc sĩ tự nhận" đang sáng tác một cách cẩu thả, vô trách nhiệm, thiếu lòng tự trọng và đang xem thường công chúng yêu âm nhạc; thậm chí còn tiếp tay xuyên tạc nền âm nhạc nước nhà, cổ xúy cho quan điểm phi dân tộc, phá hủy mọi giá trị nghệ thuật".

Đứng ở ngoài rìa với "vốn cổ"

Theo nhạc sĩ Hữu Trịnh, nếu chúng ta đem một loại âm nhạc quá dị biệt với loại âm nhạc mà cộng đồng thế giới đang lưu hành, nó sẽ không có cái chung để mọi người hiểu được "cái riêng". Nhưng ngược lại, không có "cái riêng" thì rõ ràng là thiếu bản sắc dân tộc.

Âm nhạc VN giàu bản sắc, nhưng không ít giai điệu còn khá xa lạ với khán giả ngoại quốc, đến mức họ chủ yếu xem vì hiếu kỳ. Tuy nhiên, cũng những giai điệu đó, các nhạc sĩ Nguyên Lê hay Quốc Trung đã chuyên chở bằng giàn nhạc jazz hay giàn nhạc nhẹ với những tiết tấu hiện đại mà khán giả ngoại quốc quen thuộc và khi cái chung, riêng kết hợp lại đã tạo nên một thứ "hương xa".

Nhìn chung, hiện ca khúc Việt vẫn chưa đạt được chuẩn quốc tế. Vẫn có nhiều ca khúc thể loại pop, rock, R&B, hip-hop, nhưng lại chưa tới. Nhiều tham luận cho rằng, tính dân tộc của ca khúc đôi khi bị hiểu như là sử dụng chất liệu của âm nhạc dân gian hoặc âm nhạc truyền thống, mà quên rằng đôi khi chỉ cần người Việt hát lên, thì đó đã là ca khúc mang tính dân tộc rồi.

"Phanh" lại dòng nhạc "rác"!

Tại sao đại bộ phận công chúng trẻ thích nghe nhạc "rác"? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên nhìn nhận: Nếu họ quay lưng, phản đối các ca khúc lai căng, có nội dung thấp kém, dung tục, thì thử hỏi có ca sĩ nào dám hát, nhạc sĩ nào dám làm? Tuy nhiên, bộ phận công chúng nào chiếm lĩnh thì bộ phận đó chi phối không gian nghệ thuật. Cho nên, bên cạnh việc giáo dục về âm nhạc và mỹ học trong nhà trường phổ thông, còn cần thiết có những ca sĩ uy tín trở thành người hướng công chúng đồng hành cùng với mình.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cảnh báo: Trên thực tế, những thứ chất thải độc hại thì bị cấm sản xuất và lưu hành, nhưng trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều sản phẩm rất độc hại lại được bày bán trên thị trường mà không có biện pháp quản lý thích đáng. Bản thân nhạc thị trường không có lỗi, nhưng nếu chúng ta mở rộng giao lưu quốc tế với những sản phẩm âm nhạc như hiện nay mà thiếu âm nhạc định hướng thì lỗi thuộc về chúng ta.

Để công chúng có thể miễn nhiễm, tự loại trừ thứ âm nhạc độc hại - theo nhạc sĩ Thế Bảo, cần nhất là phải có nội lực. Không thể để loại ca khúc bắt chước tràn lan như hiện nay, mà cần sắp xếp lại trong nghệ thuật, trong giáo dục xã hội.

Hội Nhạc sĩ vừa đề nghị Nhà nước phải thống nhất với các đài phát thanh truyền hình để có kênh âm nhạc 24/24h, trên đó có cả âm nhạc truyền thống dân tộc, nhạc giao hưởng, những tác phẩm nhạc trẻ thành công, có nội dung tốt. Ngoài việc đưa ra những giải thưởng đánh giá tác phẩm hay hằng năm, còn cần thiết có cả giải cho những tác phẩm tệ nhất.

                                                                                                       Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng