Vừa qua, trên một trang web, nhà văn Nguyễn Bản đã có thư ngỏ gửi ông Trần Huy Thuận, tác giả bài viết "Nhà văn Nguyễn Bản và cái vạ văn chương" - một bài viết được nhà văn Nguyễn Bản cho là có "những sai sót quả là không chịu nổi", rằng tác giả bài viết "có biết gì về tôi đâu". Cũng theo nhà văn Nguyễn Bản cho hay, ông Trần Huy Thuận đã dựa vào bài viết về ông của tác giả Nguyễn Khôi, và "hoa lá" thêm, trong khi bản thân bài viết của tác giả Nguyễn Khôi cũng có nhiều sai sót cần phải đính chính.
Có thể nói, hiện tượng có ít xuýt ra nhiều, hoặc không biết mà vẫn cứ viết… bừa, như trường hợp nhà văn Nguyễn Bản chỉ ra trong bài viết nói trên hiện không còn là hiện tượng cá biệt trong làng văn Việt
.
1. Ví dụ tức cười nhất mà nhà văn Nguyễn Bản đưa ra để minh chứng cho cái sự "ăn ốc nói mò" của tác giả Trần Huy Thuận là tình tiết liên quan đến "nhan sắc" của bà vợ cũ của ông. Dựa trên cái ý Nguyễn Bản thời trẻ từng "lọt mắt xanh" của bà này (theo như ông Nguyễn Khôi viết), ông Trần Huy Thuận đã vẽ vời thêm vào một câu, khiến bà thành ra "một người con gái kiều diễm". Điều này không đúng thực tế và bởi vậy, khi Nguyễn Bản "đưa cho một người quen xem đoạn này, người ấy biết rõ nhan sắc bà ta thời con gái và cả bây giờ, xem xong ôm bụng cười đến chảy nước mắt"…
Như vậy, ông Trần Huy Thuận đã chủ động chỉnh sửa (dùng chữ của nhà văn Nguyễn Bản là "hoa lá thêm vào") khiến cho bài viết của mình khác đi so với bài viết của tác giả Nguyễn Khôi và vì thế, đã vô tình làm cho sự thật bị… biến dạng.
Trường hợp trên khiến tôi không thể không nhớ tới việc làm của một ông tiến sĩ công tác tại nhà xuất bản nọ. Trong cuốn sách có tên gọi "Truyện vui danh nhân thi nhân" xuất bản cách đây gần chục năm, có lẽ cảm thấy không ổn khi bê nguyên xi những bài viết của người khác vào cuốn sách "của mình", ông tiến sĩ này đã chỉnh sửa một số chữ cho nó khác đi so với bản gốc. Ví dụ, chữ "đàn bà" (ở bản gốc) được ông đổi ra thành "phụ nữ"; chữ "thổ huyết" ông đổi ra thành "thổ máu"; chữ "thuở bé" ông thay bằng chữ "thuở thiếu thời". Đặc biệt, có bài, ông cắt cúp một đôi đoạn, thêm vào một đôi câu. Kết cục là làm cho những bài vốn đã hoàn chỉnh trở nên khập khiễng, giảm giá trị.
Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là việc ông này "luộc lại" bài của cụ Nguyễn Tuân. Đó là bài "Đi tắm biển" mà nhân vật được đề cập tới là thi sĩ Tản Đà. Bài này vốn là một lát cắt từ bài "Tản Đà, một kiếm khách"- một bài chân dung thuộc loại đặc sắc được nhà văn Nguyễn Tuân chấp bút cách nay đã hơn 70 năm. Sau khi lấy dễ đến hơn 90% câu chữ của cụ Nguyễn, ông tiến sĩ nọ giở bài thêm bớt một số chữ.
Ví dụ, câu "Ăn no tắm mát rồi, lúc đặt chân lên dải cát vàng, thi sĩ của chúng ta nhìn cái mây nước vô hạn cảm, và muốn át cả tiếng bể Đông, nói rất to:" (của Nguyễn Tuân), ông nọ đã chữa thành: "Ăn no, tắm mát, nhắm rượu với hầu, nhìn cảnh mây nước, thi sĩ Tản Đà nói to át cả tiếng sóng bể Đông". Cái dở của câu này là nó vừa thiếu, vừa thừa. Thiếu mấy chữ "lúc đặt chân lên dải cát vàng" là làm cho độc giả không biết ông Tản Đà đã lên bờ mà vẫn ngỡ ông còn ở mũi Cổ Rùa ngoài biển. Như vậy là vô hình trung làm sai lạc thực tế đã xảy ra. Còn thừa là vì đọc cả bài, ai cũng biết Nguyễn Tuân nói Tản Đà "ăn no" (trong cụm từ ăn no tắm mát) là ăn con hầu (và chỉ có vậy thôi). Ông tiến sĩ nọ thêm mấy chữ "nhắm rượu với hầu", vậy thì hai chữ "ăn no" trước đấy là ăn cái gì?
Một trường hợp khác: Trong cuốn "Xuân Diệu, thơ và đời" (do NXB Văn học tái bản năm 2005) có bài "Thế mà lâu nay mình cứ tưởng ông ấy… đánh mình" của nhà lý luận phê bình văn học Hà Xuân Trường. Bài viết đề cập tới xuất xứ bài thơ "Là thi sĩ" của đồng chí Trường Chinh - một bài thơ có nội dung "nhại" lại bài thơ "Cảm xúc" của thi sĩ Xuân Diệu.
Với cái tít "Cứ tưởng ông ấy đánh mình", ông PV đã cóp và gửi đăng báo gần như y nguyên cốt truyện, nhiều đoạn văn, đoạn đối thoại trong bài viết này của đồng chí Hà Xuân Trường. Tuy nhiên, để cho khác đi, ra dáng có "công" biên soạn, ông PV đã cắt cúp đi một chút. Và vì cắt cúp như thế, để cho khỏi hẫng, ông đã thêm một số "lời dẫn". Rất đáng chê trách, đa phần các lời dẫn này đều có những chi tiết sai lạc.
Chẳng hạn, trong bài viết của đồng chí Hà Xuân Trường, có đoạn nói về hai nữ đồng chí được tổ chức ta giao nhiệm vụ vận động anh Nguyễn Văn Vịnh (còn gọi là đội Vịnh) đứng về hàng ngũ của ta. Công việc gặp khó khăn: "Anh Trường Chinh biết chuyện liền bảo: Thế thì tôi làm cho hai chị một bài thơ để đi vận động. Tuần này các chị cứ về thăm dò tiếp. Tuần sau đến đây, có gì thay đổi chúng tôi sẽ báo lại. Và rồi một tuần sau đó, khi hai chị quay lại, anh Trường Chinh đem bài thơ của mình ra đọc cho hai chị nghe".
Sự thể là vậy, nhưng ông PV đã "cô" lại thành: "Hoàng Văn Thụ kể lại chuyện này với đồng chí Trường Chinh. Đồng chí Trường Chinh làm ngay một bài thơ cho hai nữ đồng chí học". Thật là nhanh ẩu đoảng, rất không hợp với thái độ làm việc nghiêm túc, cẩn trọng của đồng chí Trường Chinh như trong đoạn văn mà nhà lý luận phê bình Hà Xuân Trường nêu ra.
Sai lạc không chỉ xảy đến với những trường hợp thêm mắm thêm muối, mà nó còn xuất hiện trong một số tình huống văn bản bị cắt cúp (dù với lý do cho… gọn hay cho…khác). Trong cuốn "Giai thoại văn học" (NXB Hà Nội ấn hành năm 2005), ông N.H.Đ., với vai trò người "biên soạn", đã trích dẫn một đoạn dài về nhà thơ Tú Mỡ (trong cuốn hồi ký "Cát bụi chân ai" của nhà văn Tô Hoài). Đó là chuyện nhà thơ Tú Mỡ bị đưa ra kiểm điểm (thời kỳ kháng chiến chống Pháp) vì đã thật thà khai báo với tổ chức: Trong một lần bị địch bắt, ông đã được chúng sử dụng làm thông ngôn vì "giỏi tiếng Tây". Và trong một lần tên quan ba Pháp tử trận, ông đã đọc một bài văn tế tên này bằng tiếng Pháp.
Chuyện xảy ra đã lâu, nhà văn Tô Hoài kể lại với giọng hài hài, cốt để ta nhớ lại một thời với những chuyện dích dắc khó tránh. Ông N.H.Đ., mặc dù trích dẫn khá sát nguyên bản câu chữ của nhà văn Tô Hoài, nhưng đến đoạn cuối bài, sau khi trích dẫn một đoạn: "Sau này về Hà Nội, chi bộ dự định kết nạp bác Tú Mỡ vào Đảng. Tú Mỡ cũng có nguyện vọng ấy. Ở trên nhận báo cáo và chỉ thị xuống: Anh Tú Mỡ chiến sĩ thi đua toàn quốc xứng đáng đảng viên, nhưng nên để anh Tú Mỡ ngoài Đảng. Như thế có lợi cho cuộc đấu tranh thống nhất hai miền", ngoài việc có một đôi chữ trích dẫn chưa thật chính xác (so với nguyên bản của nhà văn Tô Hoài), như "Ở trên nhận báo cáo và có ý kiến xuống" chứ không phải "chỉ thị xuống"; "đồng chí Tú Mỡ" chứ không phải "anh Tú Mỡ", ông N.H.Đ. đã cắt bỏ một đoạn liền kề ở trên, và liền kề ở dưới, khiến cho ai đọc cũng dễ có cảm giác nhà thơ Tú Mỡ không được kết nạp vào Đảng vì "tội" đã chịu làm thông ngôn cho địch, trong khi thực tế, theo như nhà văn Tô Hoài cho biết, như một số nhân sĩ, trí thức khác, Tú Mỡ được "để ngoài Đảng" vì trong hoàn cảnh lúc bấy giờ "như thế có lợi cho cuộc đấu tranh thống nhất hai miền". Đoạn văn tiếp sau (đã bị ông N.H.Đ. cắt cúp) cho thấy nhà thơ Tú Mỡ đã được cấp trên giải thích, đả thông cặn kẽ việc này và ông rất lấy làm "hể hả".
Trước đây, trong một bài báo, tôi từng đặt ra vấn đề: So với những người đạo văn theo phương thức "sưu tầm", thì thiệt hại chủ yếu mà họ gây ra là đối với tác giả đích thực của những tác phẩm đó, và thiệt hại chủ yếu là về danh dự và kinh tế. Còn với những người làm công việc biên soạn, bên cạnh những thao tác, mục đích đáng trân trọng, là từ những nguồn thông tin, sự kiện nhỏ, lẻ, họ tổng hợp, biên soạn lại, nâng cấp lến thành những công trình có tính phổ quát, thì cũng có những người làm công việc này thuần tuý chỉ vì mưu sinh, và phương thức của họ là từ văn bản gốc, họ chỉnh sửa lại cho khác đi một chút (cốt để các tác… thật không có cớ lên tiếng chỉ trích), hậu quả là làm cho nhiều vụ việc, sự kiện trở nên méo mó, độ phản ảnh thiếu hẳn sự trung thực.
Vụ việc mà nhà văn Nguyễn Bản đưa ra cùng một số trường hợp tôi nhắc tới trên là minh chứng cho hiện tượng này.
2. Cách đây ít lâu, dư luận một phen ồn lên sau khi tờ báo nọ cho đăng bài viết có những tình tiết không được chính xác về nhà thơ Nguyễn Đỗ. Vụ việc đã được mổ xẻ, phân tích, những người biết rõ thực hư con người và năng lực thi ca (lẫn ngoại ngữ) của nhà thơ Nguyễn Đỗ cũng đã có ý kiến phản hồi. Tôi xin không nhắc lại cụ thể vụ việc mà chỉ muốn nói thêm rằng, đúng như comment của một độc giả đã nhận xét, việc viết sai tới 50% sự thật về cuộc đời, sự nghiệp của những nhân vật tên tuổi trong giới văn hóa văn nghệ là chuyện… thường ngày ở huyện.
Tất nhiên, không ai có thể có điều kiện thẩm định cho độ chính xác của số liệu mà độc giả nọ đưa ra, song, với những gì mà mình chứng kiến, trải nghiệm, tôi phải thừa nhận một sự thực: Có nhiều bài báo "an toàn" là vì không bị tác giả phản ứng do không viết… xấu về họ, chứ không phải vì nó… không sai. Đã có nhiều trường hợp, người được viết cảm thấy ngượng ngùng vì những điều viết về họ, dù là hay, là đẹp đấy, song không… chuẩn xác. Nhưng chuyện đã xảy ra rồi, báo đã phát hành tới tay độc giả rồi, chẳng lẽ họ lại làm mình làm mẩy, yêu cầu cải chính? Và với cách xử sự lịch thiệp như vậy, rốt cục, nhiều thông tin sai lạc cứ thế có cơ nhân rộng…
Để xảy ra điều này thường là lỗi của một số cây bút trẻ, nhất là với những người mà vốn liếng văn hóa còn mỏng mảnh. Ai đời, đi phỏng vấn một nhân vật được gọi là "nổi tiếng" mà trước đấy ít phút còn chưa biết họ có tác phẩm tiêu biểu nào, hiện họ đang làm gì, còn công tác hay đã nghỉ hưu, đặc điểm tính cách ra sao. Chỉ "nghe nói" họ là một người "nổi tiếng", thế là xin gặp, là hẹn viết. Mà gặp nào có lâu gì cho cam. Nhiều lắm là được nửa buổi, không thì tranh thủ ít phút giải lao, trò chuyện dăm câu ba điều. Những gì thiếu hụt thì "tham khảo" thêm những bài viết về họ của các đồng nghiệp được tải trên Internet.
Với cung cách làm việc như thế nên mới xảy chuyện, khi bài viết in ra, thay vì họ là nhà văn thì lại gọi họ là nhà thơ; họ là Phó ban thì bảo họ là Trưởng ban; họ mang họ Trần thì viết là họ Nguyễn. Thậm chí, có trường hợp, phóng viên năn nỉ một nữ tác giả trả lời phỏng vấn bằng được, với lý do: "Chị là một người rất nổi tiếng. Trong lĩnh vực truyện ngắn đương đại, không thể không nhắc tên chị", vậy mà cuối buổi trò chuyện, lại phải gãi đầu gãi tai: "Em xin lỗi, bút danh đầy đủ của chị là gì ạ".
Hiện tại, nhiều tờ báo được ấn hành với một tốc độ chóng mặt, thu hút một lượng lớn bài vở. Trong guồng quay ấy, các phóng viên cũng phải làm việc hết công suất. Chính vì thế mà có lúc họ không kịp thu nạp "năng lượng" phục vụ cho việc "tái sản xuất". Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới sự chính xác của thông tin. Nói một cách hình tượng: Khi tham gia giao thông, nếu xe của ta vận hành với một tốc độ lớn thì những hình ảnh bên đường mà ta nhìn thấy ắt sẽ bị nhòe đi. Vậy thì, khi viết chân dung một nhân vật nào đó, nếu thời gian tìm hiểu, tiếp xúc họ quá gấp gáp như vậy thì việc chân dung họ bị méo mó, sai lệch cũng là điều dễ hiểu…
Theo CAND Online |