Nhân kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, 55 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và "Năm Ngoại giao văn hoá", lễ hội "Ký ức cầu Long Biên" đã chính thức khai mạc sáng nay 10/10 với hàng loạt sự kiện đặc sắc. Đây là lễ hội cộng đồng đầu tiên dành cho người Hà Nội và đông đảo những người yêu Hà Nội trước thềm Thủ đô 1000 năm tuổi.
7h sáng ngày 10/10, dòng người đổ về hướng cầu Long Biên để tham dự lễ hội càng lúc càng đông, ai nấy đều háo hức được tham dự một lễ hội đường phố lần đầu tiên ở Hà Nội và được đắm mình trong không gian văn hóa của Hà Nội xưa. Đúng 9h, Lễ hội được khởi động bằng một đoàn tàu cổ đón khách từ ga Gia Lâm, chạy qua cầu và dừng tại ga Long Biên để dự lễ khai mạc. Suốt dọc chiều dài 1.682m của cây cầu được chia thành 12 thập kỷ (1890-2009) và mỗi thập niên được tái hiện bằng hình ảnh tư liệu của thời kỳ đó. Lần đầu tiên, cây cầu lịch sử sẽ được khoác một chiếc áo lộng lẫy, bằng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đầy tâm huyết của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Trên đoạn cầu mất nhịp bởi chiến tranh, sẽ tung bay cờ của các quốc gia được xếp thành 2 chữ "Hòa bình", như tiếng nói khát vọng về tình yêu cuộc sống của dân tộc Việt Nam. 100 tác phẩm hội họa mang đề tài "Ký ức cầu Long Biên" của các nghệ sĩ Việt
và nước ngoài sẽ được trưng bày trên cây cầu.
Cầu Long Biên với 12 m ngang và 19 nhịp dầm thép, cây cầu từng được coi là tượng trưng cho vẻ đẹp của các công trình kiến trúc Gustave Eiffel, là tháp Eiffel ngả mình trên sông Hồng được trang hoàng thật sự lộng lẫy với sự tham gia của rất nhiều nghệ sỹ thủ đô Hà Nội và quốc tế. Bác Nguyễn Văn Quý, cán bộ hưu trí ở Hàng Than phấn khởi: “Ở tuổi 80, cả đời sống ở Hà Nội vậy mà lần đầu tiên tôi được tham dự một lễ hội văn hóa độc đáo ngay giữa Thủ đô như thế này. Tôi đánh giá cao ý tưởng về lễ hội ký ức cầu Long Biên, tái hiện lại không chỉ ký ức một thời của Hà Nội, trong đó tôi rất ấn tượng với khu trưng bày 99 con diều sáo đặc trưng cho văn hoá đồng bằng Bắc Bộ, sân khấu biểu diễn các tiết mục ca nhạc dân tộc như ca trù, chầu văn, chèo tuồng, xẩm, quan họ… Ngay từ khi biết có lễ hội, tôi đã chủ động theo dõi thông tin trên báo chí, đến tận BTC đăng ký, xin vé cho cả gia đình tham dự lễ hội. Tôi tin rằng không chỉ tôi, các con các cháu của tôi mà tất cả những người yêu mến Hà Nội đều muốn tham dự lễ hội này, nó là lễ hội để chúng tôi ôn lại ký ức về Thủ đô yêu dấu, hiểu về lịch sử, văn hóa của mảnh đất này và sống có trách nhiệm hơn...”.
Tất cả khách tham gia lễ hội đều được miễn phí vé ra vào, tuy nhiên du khách phải đi theo sự hướng dẫn và điều phối của các tình nguyện viên tránh ùn tắc, quá tải trên cầu. Để an toàn cho những người tham gia vào sự kiện này, BTC lễ hội khẳng định họ đã tính lưu lượng người đi trên cầu để đảm bảo chỉ đạt nửa tải trọng của cây cầu. Toàn bộ phần tiếp giáp giữa đường sắt và đường bộ được dùng tranh, ảnh trong triển lãm bít chặt các thành cầu để đảm bảo an toàn, tránh sơ xuất xảy ra khi mọi người không lưu ý. Sinh ra và lớn lên gắn với mảnh đất sông Hồng, nhạc sĩ Hoàng Bình, người đảm nhiệm toàn bộ phần âm nhạc trong lễ hội, chia sẻ: “Cầu Long Biên là cây cầu gắn với thời gian, gắn với chiến tranh. Vì thế, âm nhạc của chương trình được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là toàn bộ là những ca khúc đi cùng với lịch sử dân tộc tái hiện ngày giải phóng thủ đô 1954 và ngày thống nhất đất nước. Mở đầu chương trình là âm hưởng hùng tráng của ca khúc “Vì nhân dân quên mình” do dàn nhạc quân khu thủ đô biểu diễn. Tiếp sau đó là những ca khúc “Tiến về thủ đô”, “Giải phóng Điện Biên”… Sau giai đoạn chiến đấu vì Hà Nội hoà bình, âm nhạc sẽ nổi lên với những ca khúc về Hà Nội”.
Tình yêu Hà Nội của một Việt kiều Pháp
Bà Nguyễn Nga, tác giả của ý tưởng tổ chức Lễ hội “Ký ức cầu Long Biên” là một Việt kiều Pháp, tuy được sinh ra ở Hải Phòng nhưng khi 8 tuổi, bà đã rời Việt Nam theo cha ra nước ngoài sinh sống. Đến năm 1972, bà sang Pháp học khoa Quy hoạch đô thị Đại học kiến trúc rồi định cư luôn. 35 năm sống trên nước Pháp hoa lệ, chưa bao giờ bà Nga nguôi nỗi nhớ quê hương. Bà tìm đọc rất nhiều sách về lịch sử, văn hóa Việt . Đọc, hiểu và càng thêm yêu mến văn hóa đất nước mình. Bà muốn cống hiến tiền bạc và công sức vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy. Bà luôn bảo: “Quê hương luôn trong tâm trí và hành động của tôi. Đi đâu, làm gì tôi cũng luôn khẳng định mình là người Việt
".
Sau một thời gian nghiên cứu, được sự giúp đỡ của Hội người Việt Nam tại Pháp, bà Nga xây dựng thành công Trung tâm văn hoá Việt Nam đầu tiên ở đất nước này. Không dừng lại ở đó, bà quyết định cùng chồng là đạo diễn Pháp Danile Roussel, người nổi tiếng với những bộ phim về Việt Nam về Việt Nam xây dựng Maison des Arts (Ngôi nhà nghệ thuật) giữa lòng Hà Nội. Và cũng từ đây, ý tưởng tổ chức Lễ hội cầu Long Biên được nhen nhóm, thế nhưng bà lại quyết định sẽ tổ chức với số tiền hoàn toàn từ nguồn xã hội hoá. Tuy nhiên, tình hình suy thoái kinh tế đã khiến quá trình triển khai gặp phải nhiều vướng mắc. Bà Nga khẳng định, nguồn kinh phí để tổ chức lễ hội khá eo hẹp, một số hạng mục của dự án đã công bố buộc phải gỡ bỏ như chiếu ánh sáng laze lên thành cầu, đội kèn 100 người ngồi dọc hai bên thành cầu...
Bà Nga vui vẻ cho biết: “Kinh phí hạn hẹp nhưng toàn bộ các thành viên tham gia vào dự án đều đến với tâm huyết ủng hộ hết mình mà không đòi hỏi đồng công sức nào. Ngoài sự tham gia nhiệt tình của các nghệ sỹ thủ đô, sáng tác tranh trưng bày trên thành cầu thì lễ hội sẽ có sự góp công sức của nhiều sinh viên tình nguyện, nhiều các bạn sinh viên là dân tộc tham gia triển lãm, tham gia vào hành trình Đi bộ vì hoà bình... Tôi mong muốn Long Biên không chỉ là cây cầu nối hai bờ sông Hồng mà sẽ là cây cầu nối Việt Nam với thế giới, trở thành một biểu tượng không thể thiếu của Hà Nội trong tương lai, như tháp Effel của Pháp, tượng Nữ thần tự do của Mỹ… nơi mà bất cứ khách du lịch nào cũng không thể bỏ qua khi đến thăm Thủ đô”.
Theo bà Nguyễn Nga, “Ký ức cầu Long Biên” là lễ hội đường phố đầu tiên và cũng là “tập dượt” cho lễ hội lớn sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Bà Nga khẳng định: “Nếu có cái gì gắn bó và tiêu biểu cho Hà Nội nhất trong những năm tháng chiến tranh thì đó chính là cầu Long Biên. Đó là biểu tượng của tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của người Hà Nội. Nó như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến vô vàn đổi thay, biến cố thăng trầm của Hà Nội trong hơn một thế kỷ qua, cũng là một trong những nơi chịu nhiều bom đạn nhất thủ đô trong suốt thời kỳ chống Mỹ. Tôi muốn khi lịch sử sống lại, các thế hệ đi trước sẽ cảm nhận đó như lời tri ân, còn với thế hệ sau, họ cũng sẽ hiểu hơn về năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, về những hy sinh xương máu của cha ông và hướng đến tương lai.”
Theo Toquoc |