Đó là thông tin do TS Lê Thị Minh Lý cung cấp sau khi trở về từ Abu Dhabi, thủ đô của các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất - nơi diễn ra kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.
Vì sao đề xuất lại được "cho điểm" là thông minh nhất, thưa bà?
- Đến với kỳ họp này, Tây Ban Nha chỉ mang đến duy nhất một đại diện và đó là một đại diện có tính độc đáo và bất ngờ mà rất ít quốc gia có thể nghĩ tới: Phiên toà xử theo luật tục - nơi các già làng được giao "cầm trịch" xét xử việc phân chia nguồn nước giữa các cộng đồng - một luật tục cổ xưa, nhưng vẫn nóng hổi tính thời sự và đậm tính nhân văn. Đề xuất góp phần mang lại một cách hiểu rộng hơn và sâu hơn về khái niệm "di sản văn hoá phi vật thể" (DSVHPVT). Tương tự, Trung Quốc cũng coi nghề dệt vải, nghề làm giấy, làm tranh khắc gỗ... của họ là di sản. Từ những đối sánh đó, thiết nghĩ, trong cuộc kiểm kê di sản để tìm ra những đại diện xứng đáng nhất đệ trình lên UNESCO tới đây, chúng ta cần mở rộng hơn cách hiểu về khái niệm DSVHPVT, khi nó không chỉ là các loại hình nghệ thuật, các sinh hoạt văn hoá... mà có thể còn là các tập quán sản xuất, những nét ứng xử văn hoá, nghề truyền thống...
"DSVH hiểu theo nghĩa rộng" - điều đó, theo bà liệu có phải là một trong những nguyên nhân khiến phong trào "ồ ạt đề cử di sản" như dư luận vừa qua có ý quan ngại?
- Lo ngại trên sở dĩ có, theo tôi, là vì thông tin không chuẩn xác, vì không ít trong số này là đến từ những ý kiến đánh giá riêng hay mới chỉ ở dạng gợi ý, mong muốn... của một nhà nghiên cứu hay một địa phương nào đó...
Trong khi đó, trên thực tế, cho đến giờ phút này, số DSPVT chính thức được chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO mới chỉ có 4 di sản, đó là: Sử thi Tây Nguyên, rối nước, hội Gióng và hát xoan. Trong đó, hồ sơ hội Gióng đã được gửi đến UNESCO hôm 31.8.2009, hồ sơ về hát xoan thì vẫn trong quá trình hoàn thiện để kịp trình UNESCO vào tháng 3.2010. Còn sử thi và rối nước thì vẫn chưa lập hồ sơ.
Như vậy là hy vọng của VN với 2010 là hội Gióng, 2011 là hát xoan. Trong khi đó, tại kỳ họp vừa qua, Trung Quốc mang tới 34 đề cử (và được công nhận 25), Nhật Bản được công nhận 13/14 đề cử... Bà có nghĩ, với một đất nước có bề dày văn hoá như VN, thì con số ta đưa ra là có phần khiêm tốn và dè dặt quá, khi mà biết đâu, sự chậm chân cũng là một bất lợi, ở những di sản có sự tương đồng?
- Tôi nghĩ, mỗi di sản dù có sự tương đồng về nguồn gốc thì trong những bối cảnh xã hội lịch sử, những cộng đồng dân cư nhất định, nó cũng sẽ có những nét đặc thù, độc đáo riêng vì vậy, không nên quá lo ngại về sự "chậm chân", "tranh giành". Một DSVH khi được UNESCO công nhận không có nghĩa là để "đặt lên bàn cân" các giá trị văn hoá giữa nước này hay nước khác, mà là nhằm vinh danh sự đa dạng văn hoá và đặt các di sản của mỗi nước trong phạm vi bảo vệ ở tầm quốc tế. Một hồ sơ muốn không bị loại thì cần phải xây dựng được một kế hoạch chiến lược và khả thi. Trong khi đó, lực lượng xây dựng hồ sơ di sản ở ta hiện vẫn thiếu (hiện mới có cơ quan chuyên trách là Viện Âm nhạc, Viện VHNTVN và họ cũng không chỉ đảm trách mỗi việc này), mà còn thiếu sự quan tâm của các trường ĐH, các trung tâm nghiên cứu... Hướng ưu tiên của ta vì vậy là các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, cũng như cần mở rộng hơn nữa các loại hình, các tộc người... để nhấn mạnh tính đa dạng.
Chỉ 15 trong số 126 hồ sơ được đề cử vừa qua là di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, còn nữa là đại diện. Vì sao ta lại chọn một hướng đi "khác người" như vậy, thưa bà?
-Không phải ngẫu nhiên UNESCO hiện khuyến khích các nước cần ưu tiên các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Còn thì tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể hiện tại của mỗi nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc thì hiện họ lại không còn những di sản cần bảo vệ khẩn cấp mà chỉ có di sản đại diện, hay như Mông Cổ thì lại ngược lại: Có di sản cần bảo vệ khẩn cấp chứ không có di sản đại diện.
Một di sản cần bảo vệ khẩn cấp, khi đã qua được ngưỡng "SOS!", thì có thể được chuyển qua danh sách di sản đại diện hay ngược lại. Đó là chuyện hết sức bình thường, chứ không phải là chuyện cái nào "oai" hơn cái nào ở đây - theo như cách hiểu và tâm lý thông thường.
Xin cảm ơn bà!
Theo LĐ |