Tạp chí Sông Hương -
Biên kịch, đạo diễn Quan Lelan: “Hãy lao vào nơi khắc nghiệt nhất”
09:24 | 12/10/2009
Kịch bản Ái Cơ công chúa (The Princess Concubine) của đạo diễn, biên kịch Quan Lelan đã thắng hai giải thưởng Kịch bản phim truyện xuất sắc nhất và giải Hoà bình (Moondance Columbine Award) tại liên hoan phim (LHP) quốc tế Moondance.
Biên kịch, đạo diễn Quan Lelan: “Hãy lao vào nơi khắc nghiệt nhất”
Quan Lelan tại phim trường Đại chiến Xích Bích

Tại giải kịch bản uy tín nhất Hollywood PAGE International Screenwriting Awards, Ái Cơ công chúa cũng đã thuyết phục bốn ban giám khảo khác nhau, vượt qua 4.294 kịch bản, lọt vào top 10 kịch bản phim lịch sử hay nhất. Giải thưởng này đã thực sự đưa đề tài Việt, sử Việt, bởi người Việt sáng tạo, bước ra thế giới.

Quan Lelan được biết đến từ năm 2001 khi kịch bản Hill 66 của anh vào tứ kết giải kịch bản Nicholl Fellowships của viện Hàn lâm nghệ thuật và khoa học điện ảnh Mỹ. Là người Việt đầu tiên tốt nghiệp trường cao học Điện ảnh – truyền hình USC, đã tham gia sản xuất các phim Mỹ đầu tiên quay tại Việt Nam như Ba mùa, Người Mỹ trầm lặng, năm 2007 anh trở thành người gốc Việt đầu tiên đoạt giải nhất kịch bản điện ảnh tại Hollywood với Lời nguyền của quý phi (Curse of the Precious Consort).

Từ sức hấp dẫn của kịch bản này, Quan Lelan đã làm việc với nhiều hãng phim của Hollywood và qua sự giới thiệu của họ (trong đó có Warner Brothers), anh đã mở đường làm việc với các hãng phim lớn của Trung Quốc và tham gia đoàn phim Đại chiến Xích Bích của Ngô Vũ Sâm.

Tại Việt , anh đã thực hiện hệ thống bay bằng cần cẩu chuyên nghiệp, nay đã trở thành hệ thống bay thường xuyên sử dụng trong các phim và sân khấu Việt . Cách đây ba tháng, anh khai phá thành công lĩnh vực giáp trụ chuyên dụng cho phim cổ trang tại Việt . Tạp chí Asia Life đã gọi anh là “Người Mỹ gốc Việt làm nên lịch sử biên kịch”.

Anh có thể cho biết sơ về liên hoan phim quốc tế Moondance? Đánh giá của ban giám khảo về kịch bản Ái cơ công chúa?

Liên hoan phim quốc tế Moondance tổ chức tại thành phố Boulder, bang Colorado (Mỹ) được xem là “ Cannes của Mỹ”. Mục đích của LHP là tôn vinh “những bộ phim và kịch bản điện ảnh xuất sắc nhất thế giới”. LHP sàng lọc khắt khe và chỉ nhận những kịch bản xuất sắc nhất vào cạnh tranh tại giải.

Mỗi kịch bản không chỉ phải điêu luyện về nghệ thuật biên kịch điện ảnh, lôi cuốn người xem mà còn phải thể hiện ý nghĩa “vượt lên trên các ranh giới xã hội và văn hoá để làm rung động tất cả các khán giả cộng đồng chung thế giới”. Moondance Columbine Award là giải dành cho người có tác phẩm điện ảnh mang ý nghĩa “hoà giải xung đột chiến tranh bằng những giải pháp không bạo lực”.

Giám đốc LHP Elizabeth English nói: “Sự kiện Ái Cơ công chúa, một kịch bản về một cuộc đại chiến huỷ diệt đẫm máu, lại thắng giải Hoà bình Moondance Columbine Award tưởng chừng nghịch lý, nhưng cho thấy đẳng cấp của kịch bản, một câu chuyện dữ dội, cuốn hút, hàm chứa nhiều chiều sâu nhân loại”.

Anh hy vọng gì sau những giải thưởng này, nhất là giải PAGE International Screenwriting Awards?

Các nhà sản xuất Hollywood luôn săn đuổi những nhà biên kịch thắng Moondance. Ngoài tiền thưởng 50.000 USD cho giải kịch bản PAGE International Screenwriting Awards, người thắng giải còn được hưởng nhiều dịch vụ tư vấn và hỗ trợ sự nghiệp. Nhưng phần thưởng quan trọng nhất với tôi là sự trông chờ của Hollywood .

Tại giải năm ngoái (2008), kịch bản giải vàng Control Alt Delete và giải bạc Fireworks đều đã được mua. Ban tổ chức giải cho biết các hãng phim và nhà sản xuất Hollywood đã yêu cầu liên lạc với những nhà biên kịch đã vào vòng bán kết trở lên.

Câu chuyện Ái cơ công chúa được anh thai nghén từ khi nào, đụng chạm đến những điều gì mà anh theo đuổi, như một giá trị sống của chính mình và của nhân loại?

Ái Cơ công chúa nói về một cô gái muốn thay đổi mệnh trời. Khi vận mệnh đất nước sắp tận và vương quốc của mình đứng trước thảm hoạ diệt vong, nàng không cam chịu số phận mà dùng mưu lược và sắc đẹp mê hoặc để mong lật ngược vận mệnh cuộc đại chiến đẫm máu.

Sau khi Lời nguyền của quý phi thắng giải biên kịch tại Hollywood , tôi đã có dịp làm việc với nhiều nhà sản xuất Mỹ và Trung Quốc. Từ quá trình làm việc với các nền điện ảnh khác nhau, mổ xẻ nhu cầu các thị trường khác nhau, tôi bật ra ý tưởng cho Ái Cơ công chúa.

Sẵn đang làm việc với những nhà sản xuất lớn của điện ảnh Hollywood và Trung Quốc, tôi trình bày luôn với họ ý tưởng mới của tôi trong buổi họp vì họ là những người nhiều chuyên môn nhất về khả năng bắt mạch các thị trường. Khi mắt họ sáng lên lúc tôi đang trình bày, tôi biết đây là ý tưởng hay. Từ đó tôi viết ra Ái Cơ công chúa.

Vì sao anh có đam mê đặc biệt với thể loại phim dã sử?

Lời nguyền của quý phi và Ái Cơ công chúa là hai kịch bản thể loại dã sử đầu tiên tôi viết. Những kịch bản trước đó đều là kịch bản hiện đại. Cá tính của tôi là đam mê với tất cả những công việc tôi làm. Và tôi làm những gì tôi đam mê. Đam mê là cần thiết nhưng chữ quan trọng trong câu này là “làm”, nghĩa là đam mê chỉ có ý nghĩa khi chuyển thành hành động.

Anh viết những kịch bản này trong tâm trạng thế nào?

Cá tính của tôi là đam mê với tất cả những công việc tôi làm. Và tôi làm những gì tôi đam mê. Đam mê là cần thiết nhưng chữ quan trọng trong câu này là “làm”, nghĩa là đam mê chỉ có ý nghĩa khi chuyển thành hành động.
Mỗi lần mở laptop ra viết là rực lửa. Người viết phải có lửa thì người đọc, và sau đó người xem phim, mới cảm thấy lửa. Nhưng có lẽ có vài người bạn giận vì tôi không có nhiều thời gian cho họ với lý do… muốn viết.

Từng làm việc với những đạo diễn, biên kịch nổi tiếng thế giới, anh ấn tượng với phong cách của ai? Anh học được điều gì từ những bậc thầy điện ảnh này?

Michael Caine là người rất cởi mở, lịch thiệp, pha chút khôi hài kiểu Anh. Harvey Keitel nghiêm túc đến mức khắt khe đối với mọi người và chính ông trong quy trình chuẩn bị cho những cảnh then chốt của phim Ba mùa, nhưng cá nhân ông rất rộng lượng. Làm việc với Philip Noyce trong công việc tổ chức hiện trường Người Mỹ trầm lặng giúp xác định bản năng tự nhiên của tôi trong lĩnh vực này…

Là người Việt Nam, thuận lợi và khó khăn của anh là gì khi bước chân vào Hollywood ?

Nhà biên kịch Salerno – tác giả phim bom tấn Armageddon – từng nói ở Mỹ có nhiều người học ngành điện ảnh hơn bất cứ ngành nghề nào, nên số người muốn chen vào Hollywood là cực kỳ lớn. Nhà biên kịch David Hwang, tác giả phim Madam Butterfly thì nhận định rằng cơ hội cho những nhà làm phim châu Á tại Mỹ là cực kỳ nhỏ vì đề tài châu Á khó thu hút thị trường Mỹ. Vậy thì không có thuận lợi mà chỉ có khó khăn.

Đã biết vậy nhưng anh vẫn quyết liệt đi vào con đường này?

Tôi lao theo nhiệt huyết. Lúc lao vào rồi nhìn xung quanh mới thấy không có người Việt nào khác.

Vậy để có thành công hôm nay, anh đã vượt qua những thử thách như thế nào về nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân?

Khi tôi muốn vào đại học Nghệ thuật điện ảnh, gia đình và bạn bè đều cản. Kết quả là tôi dọn ra ở riêng từ năm 17 tuổi để thực hiện ý chí của mình. Lúc đậu cả hai trường cao học Điện ảnh truyền hình USC và cao học Điện ảnh nghệ thuật CalArts, bạn bè và nhiều giáo sư đều khuyên tôi nên học CalArts vì thoải mái hơn và chắc chắn có bằng tốt nghiệp và có phim, còn USC tuy là trường điện ảnh uy tín lớn nhất Mỹ nhưng sàng lọc khắc nghiệt, loại bỏ những ai không theo kịp, chưa kể học phí rất cao.

Kết cục tôi chọn vào USC, vay mượn ngân hàng để học, ngủ trong xe hơi hoặc ngủ nhờ và làm thêm bồi bàn để dành dụm tiền làm bài tập. Tôi dần có tiếng là làm những phim hay mà tốn rất ít tiền. Đến năm thứ nhì tôi thắng được học bổng duy nhất của trường và trở thành người châu Á đầu tiên vừa được chọn làm đạo diễn, vừa được chọn là biên kịch cho phim truyện USC sản xuất.

Từ đó phương châm của tôi là “Hãy lao vào nơi khắc nghiệt nhất”.

Con đường nào đã đưa anh đến Hollywood ? Những kinh nghiệm bản thân để đạt tới thành công?

Mục đích, ý chí, tự tin. Tập trung vào sự tích cực, cắt bỏ những gì tiêu cực. Tiếp tục tiến tới, không bao giờ nản chí.

Walt Disney bị từ chối 302 lần trước khi có người đầu tư cho Disneyland . George Lucas không tìm được ai tin vào kịch bản phim Chiến tranh các vì sao (Stars War) của mình nên phải tự bỏ tiền ra làm, xong phim thì phá sản, sau khi phim ra mắt thì ông trở nên quá giàu có… Phải tin tuyệt đối vào chính mình và tiếp tục tiến đến mục tiêu dù khó khăn đến đâu.

Anh có thể kể đôi chút về thời thơ ấu? Điều gì thôi thúc anh trở thành nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh?

Khi còn bé tôi đã có một óc tưởng tượng rất phong phú. Tôi không ham chơi mà thích ngồi vẽ những mẩu truyện tranh đang tưởng tượng trong đầu. Một ngày kia trong nhà hết giấy, tôi cứ vô tư vẽ tiếp truyện lên tường nhà! Khi ba mẹ đi làm về thì họ sửng sốt vì phòng khách đã biến thành nơi triển lãm truyện tranh và tôi lãnh một trận đòn nên thân.

Tôi cũng rất thích đọc từ bé. Đọc từ sáng đến khi trời tối hẳn mà cứ dí mắt vào sách không biết ánh sáng đã tắt. Những đam mê thuở bé đó mài cho tôi một óc tưởng tượng phong phú và khả năng dẫn truyện mà sau này tôi phát triển vào điện ảnh.

Sống ở một đất nước cạnh tranh khắc nghiệt, làm thế nào anh thoát khỏi khó khăn của cuộc đời thường nhật, để theo đuổi những giấc mơ?

Tôi nhớ thời sinh viên ở Mỹ, ngủ trong xe giữa mùa đông để dành dụm tiền bám theo cao học điện ảnh, lâu lâu vì quá lạnh tôi sực tỉnh, bật máy xe để vặn sưởi cho đỡ lạnh rồi lại ngủ chập chờn. Lúc đó tôi vẫn biết chắc chắn mình sẽ chỉ theo một con đường này, đến khi thành công hoặc chết đói! May sao là... thành công.

Tính cách của anh có chịu ảnh hưởng nhiều từ giáo dục của gia đình?

Chắc chắn là có. Giáo dục gia đình càng quan trọng khi sống ở nước ngoài. Ví dụ như biết giữ và hãnh diện nói tiếng mẹ đẻ song song với sự phát triển trong xã hội mới, biết giữ văn hoá Việt ở nước ngoài, những thứ đó chỉ có thể có từ giáo dục gia đình.

Vẻ đẹp nào, người phụ nữ như thế nào dễ làm anh… xiêu lòng nhất?

Tôi chưa gặp được người đó… Hoặc có khi gặp rồi mà không nhận ra chăng?

Triết lý sống của anh là gì?

Hãy là chính mình.

Đánh giá của ban giám khảo PAGE International Screenwriting Awards về Ái Cơ công chúa:

“Kịch bản phô trương tài năng biên kịch điêu luyện... Anh đã tạo ra vai diễn rất hấp dẫn cho một nữ diễn viên châu Á. Đây là một vai diễn đầy màu sắc, từ thơ mộng, kịch tính đến hành động dữ dội. Kịch bản cần kinh phí cao để sản xuất.

Tuy nhiên, kịch bản này có thể khiến các hãng phim chấp nhận rủi ro vì hấp dẫn mọi giới khán giả và có khả năng đạt doanh thu to lớn

Bà Susannah Grant, biên kịch từng đoạt giải Oscar cho phim Erin Brockovich và là giám đốc Giải kịch bản Nicholl Fellowships của viện Hàn lâm nghệ thuật và khoa học điện ảnh Mỹ:

“Bất cứ nhà biên kịch nào thắng được những giải kịch bản điện ảnh mang tính cạnh tranh khốc liệt như Quan Lelan đã thắng thì có nghĩa là người đó đang làm việc với đẳng cấp rất cao. Việc Quan Lelan đã đạt thành quả bằng những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ thứ nhì của mình (tiếng Anh) càng tăng thêm tầm quan trọng và ý nghĩa những thành công của ông”

Ông Nguyễn Tiến Hưng, giám đốc chi nhánh hãng Phim truyện I tại TP.HCM:

“Quan Lelan đã liên tục mở nhiều cánh cửa mới, mà giải thưởng kịch bản điện ảnh Hollywood là một ví dụ đáng nể. Tôi hoàn toàn tin đỉnh cao của anh vẫn còn ở phía trước, đơn giản vì nếu đã biết con người và phong cách làm việc của anh thì không có gì khó để thấy rằng anh sẽ tiếp tục mở những cánh cửa nữa”.


                                                                                                       Theo SGTT

Các bài mới
Các bài đã đăng