Tạp chí Sông Hương -
Diễn viên kịch nói:Tre già nhưng măng chưa lớn
09:27 | 12/10/2009
Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 vừa kết thúc tại TP Hồ Chí Minh với 42 diễn viên được trao huy chương vàng. Ngoài cuộc "ganh đua" giữa các nhà hát, các đơn vị trong và ngoài công lập..., đây còn là dịp để nghệ sỹ đua tài với nhau.
Diễn viên kịch nói:Tre già nhưng măng chưa lớn
Một cảnh trong vở kịch “Ai sợ ai”.

Đối với những diễn viên trẻ, giành được tấm huy chương coi như bước phát triển nghề nghiệp của họ sau nhiều năm theo nghề đã được ghi nhận. Trong nhiều trường hợp, giải thưởng giúp các đạo diễn yên tâm hơn khi giao vai "nặng ký" cho diễn viên trẻ. Và, theo quy chế phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì huy chương ở hội diễn là một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu để xét duyệt. Nhưng nhìn vào những vở diễn của sân khấu phía Bắc năm nay, thấy thiếu hụt những gương mặt sáng giá mà đáng ra họ phải là đội ngũ kế cận thế hệ những Lê Khanh, Hoàng Cúc, Chí Trung, Hoàng Dũng…
 
Nhắc tới đội ngũ diễn viên trẻ trên sân khấu kịch phía Bắc, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi những gương mặt vừa gây dựng được tên tuổi (chủ yếu bằng phim truyền hình) đã vội chia tay nghiệp diễn. Đó là trường hợp của Mai Huê, tốt nghiệp Khoa Diễn viên, ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đầu quân về Nhà hát Tuổi trẻ và gây được chú ý với vai diễn trong bộ phim "Người không cầu may", tên tuổi đang lên thì cô rẽ sang học nghề tiếp viên hàng không.
 
Đồng môn với Mai Huê là Kim Oanh và Cát Trần Tùng đều đã rời nhà hát này. Kim Oanh trở thành biên tập viên chương trình sân khấu của Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam, dù thi thoảng vẫn tham gia các vở diễn của đạo diễn Anh Tú. Cát Trần Tùng ra nước ngoài… Thu Hường và Việt Chung đi làm báo. 12 người tốt nghiệp khóa diễn viên chính quy, hệ đại học của ĐH Sân khấu - Điện ảnh ngày ấy giờ chẳng còn ai trụ lại với sàn diễn.
 
Diễn viên Tạ Ngọc Bảo nổi tiếng với hàng loạt vai chính trong các bộ phim: "Thương nhớ đồng quê", "Chiếc chìa khóa vàng", "Tôi vào đời...", sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã có thời gian khá dài đầu quân cho một nhà hát ở Hà Nội. Rồi thấy cuộc sống bấp bênh, thu nhập không đủ trang trải... nên anh đã quyết định chia tay nghề diễn và giờ là nhân viên của ngành điện lực.
 
Nhà hát Tuổi trẻ hoạt động hiệu quả hơn cả so với các nhà hát trên địa bàn Thủ đô. Vậy mà diễn viên còn bỏ nhà hát, nói gì tới các đơn vị khác mỗi năm chỉ đỏ đèn thưa thớt. Vì sao diễn viên chia tay nghề diễn hay rời bỏ nhà hát sau khi họ đã cất công ăn học và theo đuổi nghề? Với những người đã vào biên chế, đồng lương theo bảng lương nhà nước thấp, thù lao tập vở hay biểu diễn đều chưa đến 100.000 đồng/buổi cho diễn viên chính. Vì vậy, sau khi chờ chực làm chân "chạy cờ", nhiều diễn viên trẻ được đảm nhận những vai có tên tuổi, xuất hiện từ đầu đến cuối vở vẫn không mấy hào hứng...
 
Diễn viên chính kịch sống được bằng nghề cũng chỉ có thể kể được một vài người: Trung Hiếu, Kiều Thanh... Nhưng thù lao của họ chủ yếu từ việc làm phim truyền hình, chứ nhà hát mỗi năm chỉ diễn một vài vở, mỗi vở sáng đèn dăm ba buổi, kể cả " du" có đắt khách thì thu nhập diễn viên vẫn chẳng bõ bèn gì. Diễn viên hài có vẻ sống khỏe hơn, tất nhiên là những người có tên tuổi. Những Xuân Bắc, Công Lý, Vân Dung... vẫn tham gia vở diễn của các nhà hát nhưng chắc hẳn phần lớn thu nhập của họ đều từ việc chạy sô hài. Tuy nhiên, hài ngoài Bắc không có nhiều tụ điểm biểu diễn như ở phía nên họ chủ yếu "đánh quả" ở các tỉnh. Vậy nên phần nhiều diễn viên trẻ được đào tạo hằng năm ở ĐH Sân khấu - Điện ảnh, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... đầu quân về các nhà hát nhưng lương và thù lao không đủ nuôi sống họ.
 
Diễn viên N.B. thổ lộ, các bạn nữ có thể có những nguồn thu nhập khác chứ với diễn viên nam, lại là người từ tỉnh lẻ ra Hà Nội, phải thuê nhà, nếu chỉ trông chờ vào thu nhập của nhà hát thì... chết đói. Không khó bắt gặp một vài gương mặt nữ xinh đẹp, là "đào chính" hẳn hoi ở các nhà hát nhưng vẫn cặp kè với các "đại gia". Với thu nhập ít ỏi, kể cả tích lũy cát-sê đóng phim (ngoài Bắc thấp hơn nhiều so với trong , khoảng 1-1,5 triệu đồng/tập) thì chẳng thể mua xe máy cả trăm triệu, rồi còn bộ đầm này, trang sức kia... Có người còn sắm được nhà lầu, xe hơi. Hỏi thăm thì họ bảo "trúng quả" vài thửa đất hay được lãi từ chuyển nhượng căn hộ. Có người còn khoe "thắng" chứng khoán. Chẳng ai nói sự thật họ được các "đại gia giúp đỡ". Khổ nỗi, diễn viên thì vẫn phải chưng diện. Dường như đã thành quan niệm, là người nổi tiếng mà đi xe máy số và những trang phục giản dị... thì rất kỳ.
 
Sự thiếu hụt những gương mặt tài sắc trên sân khấu Hà Nội để lại khoảng trống lớn trong các vở diễn. Những vở đòi hỏi khả năng biểu cảm tâm lý "nặng" thì diễn viên trẻ bộc lộ ngay điểm yếu. Do không được trau dồi nghề nghiệp thường xuyên cộng với tâm thế không mấy vui vẻ do cuộc sống áo cơm chật vật khiến người trẻ khó tỏa sáng, ngay cả khi có được vai nhiều đất diễn. Có thể kiểm chứng điều này khi xem các diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam đảm nhiệm vai Lý Chiêu Hoàng trong vở "Mỹ nhân và anh hùng" tham dự hội diễn lần này, dù biết rằng họ đã nhiều cố gắng.
 
Sự mỏi mòn của đội ngũ diễn viên trẻ ở các nhà hát kịch trên địa bàn Hà Nội là kết cục tất yếu của một bộ mặt sân khấu phía Bắc trì trệ và trông chờ. Thiếu khán giả, thiếu kịch bản hay, thiếu những đạo diễn tâm huyết với vở diễn và sáng tạo được cái mới…, cộng với cơ chế bao cấp ăn sâu vào các nhà hát và nghệ sỹ khiến kịch Bắc vẫn trong vòng luẩn quẩn. Sân khấu Thủ đô ngày càng bỏ xa quá khứ hào quang... Thật tiếc cho mảnh đất được coi là cái nôi của sân khấu kịch với những nhà hát có truyền thống cả nửa thế kỷ cùng những tên tuổi lẫy lừng, nhưng "tre già" mà... măng chưa lớn. Nói đúng hơn, đất cằn cỗi đến thế thì làm sao măng lớn được?
 
                                                                                                             Theo HNM

Các bài mới
Các bài đã đăng