Về thành phố Bắc Ninh, hỏi thăm cơ quan nào thì có thể khó tìm, nhưng hỏi đoàn Quan họ thì đa số người được hỏi sẽ chỉ đúng về đường Nguyễn Trãi. Không chỉ thế, người Việt ở khắp nơi biết về quan họ là do các nghệ sĩ (Thúy Cải, Quý Tráng, Xuân Mùi, Thúy Hường, Nguyễn Nghiêm, Minh Phúc...) từ đoàn quan họ giới thiệu tới công chúng bằng tài ca hát của họ.
Vậy là cái tính phổ cập của quan họ đoàn đã rõ. Nhưng giờ đây, khi quan họ trở thành di sản đại diện nhân loại, nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng phản cảm nhất chính là thứ quan họ biểu diễn của đoàn. Từ phục trang cải biên cho đến lời ca tiếng hát không còn nguyên điệu cổ... đã khiến quan họ trở nên... mất gốc.
Đem những dư luận, thắc mắc này về gặp nghệ sĩ Quý Tráng - người đã gắn giọng hát với sân khấu hơn 40 năm và hiện đang là trưởng đoàn - thấy anh không những không nổi nóng mà còn trầm ngâm, điềm đạm giãi bày.
Các nhà nghiên cứu không nên câu nệ hoặc quá khích. Không có gốc thì sao có ngọn, nhà nghiên cứu ít ăn cùng ở cùng với người quan họ, chưa hiểu hết về quan họ liệu có bị ngộ nhận không? Nằng nặc đòi phải phục dựng quan họ gốc, bảo tồn quan họ gốc, nhưng nhà nghiên cứu chỉ đi điền dã dăm ba bận, nghe mấy đêm hát, do một số lượng hạn chế các nghệ nhân trình bày. Liệu họ có hiểu rằng các "nghệ nhân" đó phần nhiều đã học hát từ chính các nghệ sĩ trong đoàn?
Hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, đất nước còn trong chiến tranh, các sinh hoạt văn hóa dân gian trong đó có phong trào hát quan họ đã lắng xuống tới mức gần như không còn gì. Thỉnh thoảng đây đó mới thấy các cụ hát quan họ, và hầu như chỉ hát trong những dịp lễ đầu năm, khi lên chùa... Hồi đó, công lớn nhất là ở vị trưởng ty Văn hóa Hà Bắc (cũ) Lê Hồng Dương, với lòng yêu nét văn hóa đặc sắc của quê hương, đã chẳng quản tiếng tăm lẫn miếng cơm manh áo, làm hồ sơ xin phép, đi vận động nghệ sĩ... để thành lập đoàn Quan họ.
Bốn việc lớn trong chương trình hành động của Sở VH-TT-DL Bắc Ninh để bảo tồn và phát huy giá trị quan họ:
- Phổ biến truyền dạy trong cộng đồng để bà con thấy được cái hay, cái đẹp, lối chơi tinh túy của người quan họ.
- Không có công chúng thì không môn nghệ thuật nào có thể sống được, vì thế, phải thúc đẩy chính người dân góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa của quê hương, gắn kết với các lễ hội, không gian đình chùa...
- Chấp nhận yếu tố hiện đại để làm phong phú di sản nhưng kiên quyết bảo tồn các yếu tố cổ.
- Thúc đẩy vai trò quan trọng giới thiệu tới công chúng khắp nơi của đoàn Quan họ Bắc Ninh.
|
Nhiệm vụ của đoàn là phải bằng mọi cách sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu vốn văn hóa cổ của cha ông. Vì thế, lứa nghệ sĩ đầu tiên, ngoài việc học hát với ông trùm Nguyễn Đức Sôi còn chia nhau tỏa về tất cả 49 làng quan họ, ăn cùng ở cùng với tất cả các nghệ nhân, làm ruộng cùng với họ để đến tối về, họ nhớ ra câu nào thì dạy lại câu đó.
Quan họ vốn là nghệ thuật truyền miệng, hơn nữa hồi đó chưa có phương tiện gì để có thể ký âm. Cho tới năm 1975, đoàn mới chính thức nhận nhiệm vụ giới thiệu quan họ tới công chúng. Tạo được người nghe không đơn giản. Nếu đứng trên sân khấu (có nhạc cụ hỗ trợ và đèn rọi sáng choang hay dù chỉ là chiếc chiếu trải bình dị nơi sân đình...) suốt mấy tiếng liền hoặc cả đêm tròn canh hát, nếu cứ mặc áo nâu sồng chân chất, không trang điểm và hát toàn lối cổ, liệu người nghe có "chịu đựng" nổi không?
Thêm nữa, suy lý mà ra, 70% ca từ quan họ là thể hiện tình cảm nam nữ, là lời đối đáp trong các cuộc giao duyên, vậy nên nếu người hát không trẻ trung phơi phới mà toàn các cụ bảy tám mươi, gần đất xa trời, liệu có khán thính giả bỏ thời gian ngồi nghe hay không?
Đoàn vẫn có một bộ phận chuyên hát bài bản cổ, nhưng chỉ có thể để phục vụ những chương trình đặc biệt và dành cho nghiên cứu mà thôi. Như các liền chị Nguyễn Thị Sang, Nguyễn Thị Thềm... chẳng hạn, sau nhiều năm đứng trên sân khấu lúc tuổi trẻ, giờ đây các chị lui về sau cánh gà, chuyên bảo tồn vốn cổ, và hàng đêm truyền dạy cho lớp trẻ yêu lời ca quan họ.
Quan họ đoàn đã làm khơi lại phong trào quan họ làng, và cùng với các nghệ nhân, đoàn quan họ tiếp tục truyền dạy lại cho các em các cháu muốn học hát. Cho đến những năm 1990 thì hầu như làng nào ở Bắc Ninh cũng có bọn quan họ. Nay, Bắc Ninh vẫn là nơi có tục kết chạ phát triển nhất, và người dân có thể chưa hiểu hết giá trị nhưng hầu như ai cũng yêu và cũng hát quan họ.
Các nghệ nhân theo tuổi trời lần lượt ra đi. Trong ký ức, nghệ sĩ Quý Tráng vẫn nhớ như in cái lần đoàn quan họ quay lại thăm cụ Thà ở làng Chọi. Ốm không dậy nổi, vậy mà cụ Thà nhất quyết bắt cô cháu sang gọi ông bạn tên Son bên cạnh sang chơi. Hai cụ hát đối đáp với đoàn không biết bao nhiêu lâu. Đoàn về được hai hôm thì nghe tin cụ Thà ra đi. Quý Tráng khóc, mọi người trong đoàn cũng khóc. Người quan họ là thế, sống trong câu hát giao duyên và tiễn đưa nhau cũng bằng câu hát nghĩa tình. Bây giờ, so sánh lại với số các nghệ nhân vào bậc nhất nhì Kinh Bắc, được ghi tên theo từng bài trong cuốn "300 bài dân ca Quan họ Bắc Ninh" (nhà nghiên cứu quá cố Hồng Thao - Viện Âm nhạc Việt
công bố) thì chỉ còn lại mấy cụ đang có mặt trên đời. Cho nên, người hát bây giờ ở các làng, rất nhiều là hát sau hoặc học lại từ chính các nghệ sĩ của đoàn quan họ.
Đó cũng là lẽ tất yếu và bình thường của cuộc sống, hơn nữa, muốn phục dựng quan họ cổ thì cảnh cũ người xưa đâu còn. Đồi Lim cách đây bốn mươi năm chỉ có một ngôi chùa thờ vua bà thủy tổ nghề hát quan họ, giờ đây trước mặt là nhà sau lưng là nhà, cây cối lưa thưa, người đi như trảy hội; chiếc ao đình vừa đục vừa bé tí, thuyền nào nổi trên đó mà còn có thể mang lại dư vị của thơ mộng trước kia?
"Việc phục dựng một làng quan họ nguyên gốc là không tưởng - Giám đốc Sở VH-TT-DL Bắc Ninh Nguyễn Đăng Túc khẳng định - Môi trường ngày nay khác hẳn ngày xưa, đường sá đã bê tông hóa, nhà cửa thì phần lớn là cao tầng, trong nhà không có điện cũng khó sống... Hơn nữa, việc dừng cả đời sống của một làng lại để "bảo tồn" nguyên trạng thái cổ xưa đã không thể thực hiện được rồi; mà chọn làng này bỏ làng kia trong số 49 làng cũng là điều... nực cười".
"Đoàn Quan họ đang trình lãnh đạo tỉnh đề án xây dựng Nhà hát Quan họ - Nghệ sĩ Quý Tráng cho biết - Khuôn viên của nhà hát phải rộng ít nhất là 5 ha. Ngay từ cổng vào đã được trang trí cho đúng là không gian của làng quê Kinh Bắc. Tất cả các nghệ sĩ và người phục vụ đều phải được đào tạo lối ứng xử nho nhã, cẩn trọng, khuôn thước, lịch sự theo truyền thống của Kinh Bắc. Bên trong khuôn viên, sẽ có từng không gian riêng biệt để hát đối giữa đình, hát thuyền trên sông, hát trong phòng dệt vải, trong lúc làm giấy...
Có đông đảo công chúng nghe hát, có lớp trẻ khắp nơi yêu ca hát quan họ rồi thì cần có không gian để quan họ được sống đúng, sống đủ và sống khỏe chứ. Nếu xây dựng được một nhà hát như thế thì danh tiếng của quan họ còn lại mãi mãi cho đời sau, góp phần đưa quan họ cao lên, trưởng thành hơn, như một cơ thể sống, đúng tầm và "mặc vừa chiếc áo" di sản đại diện nhân loại chứ không chỉ là những huy chương mỹ miều được treo rủng rẻng trên một cái cây khô".
Theo VietNamNet |