Khó khăn mà "Bi, đừng sợ" phải đối mặt cho thấy cánh cửa quá hẹp mà dòng phim nghệ thuật tại VN đang phải đối mặt.
Phim nghệ thuật khó kiếm nhà đầu tư
- Vừa đóng máy "Bi, đừng sợ", anh có thể cho khán giả hình dung như thế nào về bộ phim?
- Phim vừa đóng máy hôm 9/10 sau 36 ngày quay với bối cảnh chủ yếu tại HN. Ngay cả tôi cũng không thể biết nó sẽ thế nào cho đến khi dựng xong. Cảm giác của tôi sau mỗi bộ phim luôn là trống rỗng và thất vọng bởi biết chắc là có những cảnh quay mình có thể làm tốt hơn.
- Anh nói hiện tại anh chỉ còn lại cảm giác trống rỗng và thất vọng. Vậy thì có thể kỳ vọng gì vào bộ phim?
- Tôi không có kỳ vọng gì cả. Tôi chỉ có cảm giác là mình đã cố gắng và làm được một việc mà mình biết là nó rất khó.
- Anh có sự khởi đầu tốt hơn nhiều đạo diễn làm phim đầu tay khác bởi kịch bản "Bi, đừng sợ" đã nhận được sự đỡ đầu của quỹ điện ảnh của nhiều liên hoan phim lớn như Berlin, Pusan cùng sự hậu thuẫn của hãng phim Chánh Phương nữa?
- Hãng phim Chánh Phương chỉ giúp đỡ về mặt thủ tục và rồi sau đó họ cũng đã rút lui. Lý do là thời điểm hiện tại họ muốn tập trung vào những dự án mang tính thương mại nhiều hơn. Phim nghệ thuật chưa phải là dòng phim họ có thể đầu tư ngay bây giờ.
- Lý do chính có phải do lo ngại dòng phim nghệ thuật, đặc biệt là những dự án phim độc lập mà anh và một số đạo diễn khác ở VN đang theo đuổi?
- Tôi không chắc lắm, nhưng thị trường Việt
vốn đã quá nhỏ và mỗi năm chúng ta đâu có làm được nhiều phim. Khó khăn với dòng phim nghệ thuật là khó khăn chung. Có lẽ điều sắp tới chúng ta cần phải làm là làm phim nhiều hơn, cho dù đó là phim thương mại, giải trí. Có như vậy mới làm cho diện mạo nền điện ảnh phong phú hơn.
- Các anh sẽ làm gì sau khi đóng máy?
- Chúng tôi đang tiếp tục chờ đợi những nhà đầu tư khác để tập trung làm phần hậu kỳ. Phải khẳng định đây vẫn là một bộ phim kinh phí thấp, khoảng 200.000USD (trên 3 tỉ VNĐ). Phần hậu kỳ của phim còn chờ vào các tài trợ tiếp theo.
Chưa nghĩ đến các LHP quốc tế
- Câu hỏi hơi cá nhân một chút, anh có bao giờ tiếc vì kịch bản Chơi vơi đã không thể trở thành bộ phim đầu tay của anh mà cuối cùng lại do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện?
- Trước đây tôi xác định mình là nhà biên kịch. Việc kịch bản mình viết nhưng lại do người khác đạo diễn cũng rất thú vị. Thực ra, không nên có tư duy "một mình một chiếu" trong nghề làm phim. Tính cộng đồng của công việc làm phim rất hay. Kinh nghiệm cho thấy, các nền điện ảnh độc đáo trong khu vực châu Á đều có sự nối kết cộng đồng rất tốt. Khi thực hiện bộ phim này cũng như các bộ phim sau, tôi muốn cùng với các người bạn của mình tiếp nối tinh thần đó.
- Anh có cho là mối liên kết rời rạc trong giới làm phim là một trong những nguyên nhân khiến cho điện ảnh VN chưa tạo nên được những làn sóng trên thế giới?
- Đúng vậy. Khi có chung một tình yêu thì những thứ khác đều là chuyện vặt vãnh. Ai cũng biết việc làm phim luôn đòi hỏi sự nỗ lực. Hiện tại cách mà tôi hay anh Chuyên và những bạn trẻ khác đang làm là sự cố gắng hết sức. Có lẽ không ai làm phim mà nghĩ tới một sự phục hưng nào đó cho nền điện ảnh vì điều đó thực sự quá sức. Vấn đề là cả một cộng đồng làm phim luôn cố gắng làm những gì mình có thể vì sự phát triển chung của nền điện ảnh. Lúc ấy thì may ra mới có một sự khởi sắc nào đó.
- Năm ngoái dự án phim "Bi, đừng sợ" của anh nhận được sự tài trợ của Quỹ World Cinema Fund của LHP Berlin, bộ phim ngắn "Khi tôi 20" của anh được mời tham dự LHP Venice. Năm nay. Chơi vơi do anh viết kịch bản có mặt tại hàng loạt các LHP lớn. Anh nhìn thấy gì ở dấu hiệu hội nhập này?
- Đó là một tín hiệu đáng mừng thôi. Bởi Việt có lẽ là nước cuối cùng trong khu vực chưa có phim lọt vào khu vực chính của các LHP lớn. Nếu nhìn trong khu vực thôi thì điện ảnh VN vẫn còn đang tụt lại khá xa. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, nếu không sẽ chỉ đứng sau mãi, đứng sau cả những nước mà chúng ta trước đây cứ nghĩ điện ảnh của họ chẳng-có-gì.
Bi, đừng sợ là dự án phim truyện dài đầu tiên do Phan Đăng Di viết kịch bản và đạo diễn. Bi, đừng sợ đã giành giải thưởng “Dự án nổi bật của Châu Á” tại LHP Pusan tháng 10/2007. Dự án cũng đã được chọn tham gia hoạt động L’Atelier tại LHP Cannes tháng 5/2008 và nhận được 50.000 euro hỗ trợ sản xuất của Quỹ World Cinema Fund của LHP Berlin năm 2008.
|
Theo VietNamNet |