Đã mang lấy nghiệp vào thân
Được coi là báu vật sống, các nghệ nhân đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Ở CLB Ca trù thôn Chanh, (Hà Nội), ca nương Nguyễn Thị Vượn đã 84 tuổi, Nguyễn Thị Khướu đã 82 tuổi, kép đàn Nguyễn Văn Khoái 84 tuổi, trống chầu Nguyễn Văn Vằng 75 tuổi… Nhưng tất cả như chìm đi với nhịp phách vừa đanh, trong trẻo, giọng hát vẫn còn rất vang, sang và đầy chất ca trù của các cụ. Ở tuổi các cụ, việc trình diễn liên tục trong 30 phút không đơn giản, thậm chí kép đàn Văn Khoái không thể đứng lên ngay sau buổi diễn mà phải có người dìu. Nhưng ít ai biết được, hàng tuần các cụ vẫn tham gia các lớp truyền dạy cho con cháu trong làng, với mong muốn lưu giữ vốn cổ. Không ham danh lợi, vật chất, việc tham dự ngày hội ca trù với các cụ cũng giống như một nghĩa cử để tôn vinh nghề, làm gương sáng cho con cháu học tập.
Chị Dương Thị Xanh, ca nương của CLB Ca trù xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh và chồng là kép đàn Trần Văn Đài lại bổ sung bộ sưu tập bằng khen, giấy khen thêm 2 HCV vừa được trao tặng từ Liên hoan CLB Ca trù toàn quốc 2009. Ít ai biết rằng, con đường theo đuổi ca trù của anh chị thật chông gai. Anh Đài tâm sự, mặc dù sống ở đất ca trù song chẳng còn mấy người theo đuổi ngón chơi khó tính này nên dần dần lớp thanh niên tuổi anh cũng chẳng còn biết rõ ca trù là thế nào. Năm 2000, vợ anh vô tình được nghe một cụ nghệ nhân lớn tuổi trong làng ca vài điệu cổ thế là mê, xin cụ theo học. Lúc đầu là vợ hát rồi chồng cũng mê theo, và anh thợ điện Đài đã quyết dứt khỏi búa, kìm, điện đóm tầm sư học đàn đáy và trở thành kép đàn của vợ.
Nghiệp ca trù từ đó đeo đẳng anh chị. Ngoài việc theo hầu các cụ nghệ nhân trong làng để các cụ thương truyền dạy lại các làn điệu cổ, cứ ở đâu có mở lớp là anh chị cố gắng sắp xếp theo học. Có dạo lớp học mở tận ngoài Hà Nội, sau nhiều đắn đo, cuối cùng ông bà hai bên tình nguyện trông cháu để hai vợ chồng theo học được khóa đào tạo ca trù đó. Giờ chị Xanh là Chủ tịch CLB Ca trù xã Cổ Đạm và hai người bắt tay vào việc truyền dạy cho lớp trẻ trong làng giữ lấy nghệ thuật cổ truyền của cha ông. Mỗi lần CLB Ca trù Cổ Đạm sinh hoạt, anh Đài lại trông con cho vợ nấu nước chè, tối đem ra ủy ban xã phục vụ cho cả ba bốn chục đào nương, quan viên.
“Tom”, “chát” bay đi, nỗi lo ở lại
Sau ánh đèn sân khấu, sau những phút đắm say với ca trù, ca nương - kép đàn lại trở về cuộc sống thường ngày với những lo toan vất vả chuyện cơm áo. Vợ chồng ca nương, kép đàn nức tiếng thôn Cổ Đạm cũng không thoát khỏi nỗi lo cơm áo ấy. Thu nhập chính của gia đình anh chị trước đây dựa vào lương thợ điện của anh và cây lúa của gia đình. Nhưng từ khi bén duyên ca trù, thu nhập lại dồn cả vào cây lúa, vì thế thỏa được ước ao theo đuổi nghề đàn hát thì cũng là việc tỷ lệ nghịch với thu nhập gia đình. Đó cũng là câu chuyện của mẹ con ca nương Bùi Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Lý đến từ CLB Ca trù Ý Yên,
Định.
Chị Lý buồn buồn tâm sự, ở quê chị người nghe ca trù chưa nhiều vì thế chị và mẹ cũng trông cậy hoàn toàn vào đồng ruộng. Chị đang hy vọng sẽ xin được làm giáo viên mẫu giáo ở trường làng, khi đó may chăng cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn.
Thế nhưng, ngay cả CLB Ca trù Thăng Long được coi là nổi danh ở Hà thành cũng lâm vào cảnh khốn đốn. Được thành lập năm 2006, từ đó đến nay CLB vẫn chưa tìm được một chốn bình yên. 3 năm hoạt động, CLB đã thu hút được hơn 10 ca nương, đã tạo ra được một sân chơi chuyên nghiệp cho người yêu nghệ thuật cổ của dân tộc, song cũng từng đấy thời gian họ phải long đong.
Ca nương Nguyễn Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long cho biết, đầu tiên CLB chỉ hát tại nhà riêng, tại ca quán theo kiểu hát chơi, sau đó CLB bắt tay vào phục dựng lối hát cửa đình và theo đuổi lối hát đó đến tận bây giờ. Nhưng cái khó là khi vừa bén chỗ, quen hơi tại một điểm nào đó thì lại gặp trở ngại và phải chuyển dịch đi tìm địa điểm khác. Đầu tiên là đình Ngọc Hà, nay là đình Cống Vị... Lý do bị từ chối cũng rất đơn giản, dân địa phương chưa hiểu và thích ca trù, họ chỉ thấy việc đình phải mở cửa thường xuyên là không được.
Liên hoan ca trù đã kết thúc với rất nhiều giải thưởng, nhiều lời ngợi khen, song chị Huệ, chị Xanh, anh Đài... cũng không giấu nổi tiếng thở dài khi nghĩ tới chặng đường đồng hành với ca trù sắp tới.
Theo SGGP Online |