Nửa năm trước, trong lễ khánh thành rộn ràng, Giám đốc Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long Nguyễn Lan Hương cùng Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, ca nương Bạch Vân, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Bích Câu - cũng là một trong những người tiên phong trong phong trào bảo vệ ca trù từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước - đã hào hứng tuyên bố ra mắt Nhà hát Ca trù đầu tiên. Theo lời người trong cuộc, nhà hát này hướng tới việc xây dựng một không gian sống cho ca trù, và thông qua việc bán vé thu tiền (3 buổi diễn/ngày, vé bán 35.000 đồng/buổi, thời lượng 45 phút) để bảo tồn “động”, để có kinh phí đào tạo, truyền dạy cho các thế hệ kế cận.
Nửa năm sau, mỗi tuần nhà hát chỉ lác đác vài suất diễn. Mỗi suất lác đác vài khán giả ngồi xem. Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật dứt áo ra đi sau khi “khóc ròng suốt 2 tháng trời vì thất vọng”. Giám đốc trung tâm bất bình gửi thư ngỏ đến cơ quan báo chí với lời lẽ không kém phần nặng nề.
Trong thư ngỏ giải thích về sự “đứt gánh” này, Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long nhấn mạnh: “Sau kế hoạch lôi kéo tất cả những người thân của mình về Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long để gây áp lực với Ban giám đốc trung tâm không thành, chị Bạch Vân bắt đầu bỏ mặc trung tâm. Hàng tháng trời chị Vân không đến trung tâm, không quan tâm công việc ở trung tâm diễn ra như thế nào, không có trách nhiệm với chương trình biểu diễn mà để mặc cho những nghệ sĩ khác thực hiện.
Tiếng là vì ca trù nhưng chị Vân chỉ khư khư giữ cho bản thân, không dạy cho lớp trẻ, chỉ muốn độc tôn cá nhân mình. Ban giám đốc muốn mời các chuyên gia, các câu lạc bộ khác đến giao lưu thì chị Vân gây sức ép không đồng thuận, gây ra nhiều mâu thuẫn nội bộ. Qua một quá trình 8 tháng như vậy, xét thấy chị Bạch Vân không những không có trách nhiệm cũng không đủ tư cách đạo đức để giữ chức Phó giám đốc trung tâm, Ban giám đốc đã họp và quyết định bãi miễn chức vụ của chị Vân”.
Bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc trung tâm, cho biết thêm trong thời gian làm Phó giám đốc trung tâm, bà Bạch Vân thậm chí không viết nổi bài tóm tắt lịch sử ca trù. “Chị ấy gửi cho tôi 2 trang giấy về lịch sử ca trù thì có đến 1,5 trang, chị ấy kể tiểu sử bản thân mình”. Kèm theo đó, ngày 13.10, Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long cũng gửi Báo Thanh Niên bản quyết định bãi miễn chức vụ của bà Bạch Vân (ký ngày 15.8.2009) với lý do “không đủ năng lực lãnh đạo, không đủ năng lực chuyên môn để dẫn dắt và hoàn thành công việc”.
Tuy nhiên, bà Bạch Vân lại cho biết bà đã rời trung tâm từ trước đó (ngày 13.8.2009), không phải vì bị bãi miễn mà vì quá bức xúc trước cách thức hoạt động và bảo tồn di sản của trung tâm này. Bà Vân kể: “Lan Hương nói “không thể mượn danh nhà hát để nổi danh Bạch Vân”, nhưng thực tế là có Bạch Vân thì người ta mới đến xem”. Sự thật, theo bà Bạch Vân, ngoài một vài đào nương của nhóm ca trù Lỗ Khê, Nhà hát Ca trù toàn tuyển những người mới tập tọng học nghề để lên sân khấu biểu diễn.
Thậm chí, Giám đốc Lan Hương còn tuyển cả diễn viên múa, không có chuyên môn, lên hát. Chưa kể, trong chương trình biểu diễn ca trù lại có cả màn múa văn, chả ăn nhập gì. “Như vậy, thực chất là để kiếm tiền chứ không phải vì bảo tồn nghệ thuật nữa. Còn tôi, tiếng là Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật nhưng cũng chỉ “làm vì” bởi người điều hành thực sự không có chuyên môn...”, bà Vân nói. Thế nhưng, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lan Hương cho rằng phần hát văn kèm theo buổi diễn sẽ làm chương trình “nhẹ nhàng”, chứ “cứ nhồi, ép khách quá thì sẽ nặng nề, khó hiểu”!
Về tài chính, bà Lan Hương cũng cho biết trung tâm đã trả lương tháng đều đặn 5 triệu đồng cho ca nương Bạch Vân, kể cả khi nhà hát vắng khách tới 2-3 ngày. Thậm chí, lương thấp nhất của diễn viên múa ở đây là 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, bà Bạch Vân cho biết theo bảng lương, bà phải được trả 5 triệu đồng/tháng cho chức vụ phó giám đốc và kèm theo 5 triệu đồng/tháng cho việc biểu diễn. Như vậy, tổng cộng mỗi tháng, bà Vân phải được trả 10 triệu đồng. “Thế mà cho đến nay, tôi mới được nhận 5 triệu đồng/tháng”, bà Vân nói. “Có hôm diễn, khách “bao” 500.000 đồng cho các nghệ sĩ, nhưng trung tâm cũng cầm luôn, không cho nghệ sĩ nào. Có lần, đoàn khách Bộ VH-TT-DL tặng một cái phong bì thì mẹ của Lan Hương cũng cầm ngay, không chia cho diễn viên nào...” - bà nói.
Chưa biết đúng sai thế nào, nhưng chắc chắn sự lục đục này sẽ làm buồn lòng những người yêu ca trù nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung. Nếu trong những người hoạt động ca trù còn bất hòa, thì làm sao có thể cùng nhau “bảo tồn khẩn cấp” ca trù?
Ca trù Thăng Long sắp có "nhà" mới
Sau khi Báo Thanh Niên số ra ngày 7.10.2009 đăng bài phản ánh về việc Câu lạc bộ ca trù Thăng Long mất chỗ diễn, chị Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm câu lạc bộ, đã nhận được sự quan tâm từ các độc giả và doanh nghiệp yêu mến cổ nhạc. Ngày 13.10, chị Huệ đã cho biết có một mạnh thường quân (xin giấu tên) đã hứa tài trợ cho hoạt động của câu lạc bộ cũng như xúc tiến việc tìm kiếm địa điểm biểu diễn mới. "Hiện chưa có quyết định lựa chọn chính thức về "nhà" mới, song chắc chắn ngày 7.11 tới, Ca trù Thăng Long sẽ lại có thể tiếp tục biểu diễn. Tất nhiên, điểm diễn lý tưởng nhất mà Ca trù Thăng Long mơ ước vẫn là cửa đình - không gian đặc trưng của ca trù", chị Huệ nói.
|
Theo TNO |