"Muốn rước lộc vua phải chịu chi"
Qua nhiều mối lái, chúng tôi gặp Sãi, một tay chơi cổ vật nghiệp dư vừa tậu được cặp sắc phong của triều Tây Sơn với giá 2.500 USD. Sãi khoe đây là cái giá hời vì "hàng Tây Sơn vô cùng hiếm". Gã giải thích, lập nên vương triều trong thời gian ngắn thì triều đại của ba anh em nhà họ Nguyễn lụn bại bởi nạn tranh tiếm quyền lực để rồi bị khai tử bởi Nguyễn Ánh (vua Gia Long).
Để trừ khử hậu họa, những người từng theo ba anh em nhà họ Nguyễn dấy binh và những gì liên quan đến triều đại Tây Sơn đều bị vua Gia Long ra lệnh hủy diệt. Do vậy sự tồn tại của cặp sắc phong hiện trong tay gã vô cùng có giá trị. "Nếu rơi đúng vào tay người biết thưởng lãm thì cái giá của nó phải nhân gấp vài chục lần (?!). Đưa ra nước ngoài thì giá trị đến vô biên".
Chịu trận gần 1 giờ đồng hồ, rồi chúng tôi mới được Sãi "bắn" cho số điện thoại của một tay chơi đang có nhu cầu bán sắc phong. Tiễn khách ra khỏi cửa, Sãi tiếc rẻ: "Tại tui kẹt đạn chứ không cũng liên lạc với tay này. Nghe nói ngoài sắc phong bằng giấy gấm, hắn còn có sắc phong bằng tơ lụa nữa đấy".
Sáng 14-10, chúng tôi liên lạc số điện thoại 0903.5978… do Sãi cung cấp. Đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông, tự giới thiệu tên Phong, người Đà Nẵng. Chúng tôi vào cuộc bằng câu hỏi "khêu gợi": "Nghe các tay chơi đồ cổ miền Nam giới thiệu huynh có mấy cái sắc phong rất độc nên tui muốn làm quen, nếu có duyên thì mong huynh nhượng lại?". Vừa đề cập đến đây thì Phong làm một tràng: "Gọi đúng địa chỉ rồi đó. Tôi có nhiều lắm, đang kẹt nên cần bán".
Phong quả quyết anh ta hiện có 7 sắc phong bằng lụa, còn số sắc phong bằng giấy dó thì không đếm xuể. Gã ra giá: "Giấy thì một em một ngàn (1.000 USD), lụa thì cứ thế nhân năm (5.000 USD)". Khách chê đắt, đề nghị giảm giá thì Phong bĩu giọng: "Một xu cũng không. Ngày trước ai nhận sắc phong là nhận được tin vui, là được thăng quan tiến chức. Muốn rước lộc vua phải chịu chi mới mong được quân vương ghé thăm tệ xá chớ".
Cần tiếp tục cứu nguy!
Lúc chúng tôi đề nghị được xem "hàng" bằng ảnh chụp gửi qua Internet để dễ đi đến quyết định cuối cùng thì Phong thẳng thắn khước từ: "Muốn gì thì ra đây mà xem, còn gửi qua meo (mail) phức tạp, nguy hiểm lắm!". Gã đọc địa chỉ: "Tui ở Ba Đình, Đà Nẵng. Nhà ở khu trung tâm rất dễ tìm. Ông bay ra đây đi, đến đó alô tui sẽ ra đón".
Thể hiện vai trò tối thượng của "thiên tử" trong việc cai quản thế giới thần linh và trị vì muôn dân, sắc phong ghi lại tên tuổi, công lao, quê quán, trạng tích, chức tước của các vị công thần và những vị thần được thờ ở các đình, đền, chùa, miếu.
Từ câu chuyện rao bán sắc phong như chúng tôi phản ánh, vấn đề đáng lo ngại là giữa lúc các nhà khoa học Hội Sử học Việt Nam và Hiệp hội UNESCO Hà Nội nỗ lực cho dự án "Sưu tập và hoàn trả sắc phong" cho các làng xã thì người ta vẫn bán di sản quốc gia như một món hàng dân sinh.
Tiến sĩ Bá Trung Phụ (Trưởng phòng trưng bày và tuyên truyền Bảo tàng lịch sử Việt
tại TP Hồ Chí Minh), băn khoăn: "Luật pháp hiện nay vẫn chưa có điều luật nào nghiêm cấm việc mua bán sắc phong. Nếu được trao đổi trong nước thì không đáng lo ngại lắm nhưng tôi lo những tấm sắc phong ấy có nguy cơ bị đưa ra nước ngoài. Nếu đã như thế thì chúng ta sẽ gần như mất đi vĩnh viễn tinh hoa văn hóa dân tộc bằng xương bằng thịt".
Trong một trả lời gần đây, Giáo sư sử học - Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam) cũng nhấn mạnh điều mà chúng tôi cùng Tiến sĩ Phụ, trăn trở: "Tuy số lượng các sắc phong trong cả nước còn khá đồ sộ nhưng nhìn chung đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng". Ngoài các dạng biến cố lịch sử, thời gian, khí hậu, sự bất cẩn của con người, Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, sắc phong còn bị hủy hoại bởi những kẻ trộm và những kẻ hay lùng mua sắc phong đem bán.
Thiết nghĩ, việc cứu nguy cho sắc phong - di sản văn hóa của cha ông không chỉ phụ thuộc vào nhiệt tâm của các nhà sử học mà còn có sự góp sức của các cấp chính quyền, các cơ quan ngôn luận, các cơ quan ngôn luận, các tổ chức đoàn thể… trong việc khơi dậy phong trào toàn dân có ý thức đóng góp, sưu tầm, hoàn trả sắc phong về những đình làng nơi nó được "khai sinh".
Để làm được điều đó, việc tạo nên chuyển biến trong nếp nghĩ của những người đang nắm giữ sắc phong rằng những cổ vật đó không phải là tài sản của cá nhân họ mới là điều quan trọng
Theo CAND Online |