Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Vy, luật sư đại diện cho Mỹ Tâm, khẳng định: “Chúng tôi yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số phải thanh toán thù lao cho việc sử dụng quyền của người biểu diễn (ca sĩ Mỹ Tâm), còn chuyện RIAV thu tiền bản ghi là quyền của RIAV, không liên quan đến chúng tôi”.
Từ câu chuyện của Mỹ Tâm
Dẫn điều 33 và 35 Luật sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Vy nhấn mạnh ca sĩ Mỹ Tâm chưa từng có bất kỳ thỏa thuận nào chuyển giao quyền của người biểu diễn của mình cho bất kỳ cá nhân, đơn vị nào khác nên việc các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số sử dụng tác phẩm của Tâm cho mục đích kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ xin phép và/hoặc trả phí cho cô.
Về phía RIAV, bà Trương Thị Thu Dung - phó chủ tịch hiệp hội, dẫn điều 29, 30 và 44 cũng của Luật SHTT để cho rằng các hãng băng đĩa hội viên RIAV không làm gì trái pháp luật bởi: “Theo luật thì ca sĩ được trả thù lao biểu diễn và có quyền nhân thân, còn nhà sản xuất chúng tôi có quyền tài sản đối với các sản phẩm băng đĩa của mình. Quyền nhân thân của Mỹ Tâm vẫn được chúng tôi tôn trọng như giới thiệu tên trên bản ghi âm, ghi hình”.
Hôm nay (16-10) là thời hạn cuối cùng mà Công ty Mỹ Tâm đưa ra cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số để giải quyết sự việc hoặc các bên sẽ phải làm việc với nhau ở tòa án.
Cần lắm những bản hợp đồng
Xoay quanh câu chuyện quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật SHTT, nhiều người trong giới văn nghệ cho rằng luật vẫn chưa đầy đủ, đôi khi chỏi nhau mà trường hợp ca sĩ Mỹ Tâm chỉ là một ví dụ.
Trên thực tế nhiều khán giả quyết định chi tiền mua album, download một ca khúc về điện thoại làm nhạc chuông, nhạc chờ chỉ vì yêu tiếng hát của ca sĩ, vì ủng hộ thần tượng. Thế nhưng ngoài chuyện được trả thù lao khi biểu diễn, ca sĩ chẳng nhận được gì hơn, trong khi các tác giả nhận được tiền tác quyền qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN và hãng đĩa thu được tiền cho bản ghi âm. Đại diện ca sĩ Đan Trường, ông Lê Hoàng Tuấn, nói: “Khi anh mời tôi đến hát là để ghi âm, làm đĩa. Còn khi anh mang bản ghi âm đó ra kinh doanh ở những lĩnh vực khác thì anh phải trả thêm tiền chứ”.
Ông Tuấn nói: “Hồi xưa ai cũng khổ. Hãng đĩa làm ra bị chép lậu tràn lan. Ca sĩ mới được mời hát là mừng muốn chết nên tôi nghĩ nên xí xóa”. Song ông cũng nhấn mạnh đến yếu tố phải có hợp đồng chi tiết giữa các bên bởi: “Khi tôi có một hợp đồng quy định rõ là ai có quyền gì trong cái gì, nếu ngoài cái đó thì phải làm sao. Càng chi tiết càng đỡ phiền phức, mất lòng”. Bà Thu Dung cũng ngỏ ý: “Chúng tôi cũng muốn mọi việc được giải quyết có lý có tình, cân đối quyền lợi các bên”.
Tháng 8-2009, Công ty TNHH DV giải trí Mỹ Tâm đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng và hàng chục đơn vị kinh doanh liên quan thông báo về việc vi phạm bản quyền và đòi trả tiền thù lao, bồi thường.
Ca sĩ Mỹ Tâm - giám đốc Công ty TNHH DV giải trí Mỹ Tâm - cho biết đã phát hiện các “đại gia” viễn thông như Viettel, MobiFone, Vinafone, Sfone, Nokia, FPT và hàng chục mạng nhạc số khác có kinh doanh sản phẩm ghi âm, ghi hình và giọng ca của Mỹ Tâm mà không hề xin phép hay thông báo với ca sĩ Mỹ Tâm.
Một phần nhạc chuông, nhạc chờ có giọng ca của Mỹ Tâm là do Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) bán dưới sự ủy thác của các hãng sản xuất băng đĩa thành viên. Còn một phần khác là do các đơn vị kinh doanh trực tiếp thông qua các hãng truyền thông khác như Công ty cổ phần truyền thông VMG, Công ty cổ phần Phong Phú Sắc Việt...
Ca sĩ Mỹ Tâm nói mục đích cô khiếu nại không phải vì một vài triệu đồng thù lao mà cái chính là mong muốn các công ty truyền thông kinh doanh phải tuân thủ pháp luật vì một môi trường âm nhạc trong sạch.
Nguyệt Biều
|
Theo TTO |