Theo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (trả lời nhà văn Triệu Xuân, người làm các tuyển tập “Thơ hay phổ nhạc”) thì khi đọc được bài “Bóng cây Kơ-nia” trong tuyển tập thơ “Tiếng hát Miền
” (nhà xuất bản Văn học – 1959), ông đã bắt tay vào phổ nhạc, nhưng chưa ưng ý lắm.
Vừa lúc ấy Đài Tiếng nói Việt phát ca khúc của Phan Thanh
do ca sĩ Tường Vy trình bày, cũng phổ bài thơ này, khiến ông chùn tay. Tiếp sau còn thêm vài bài nữa cũng phổ “Bóng cây Kơ-nia”, ông đành xếp lại ý định hoàn thiện ca khúc của mình.
Mãi đến năm 1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Tây Nguyên. 6 năm lăn lộn ở đây chính là thời gian mà cảnh sắc, con người, văn hóa Tây Nguyên đã thấm đẫm vào tâm hồn và nhận thức của nhạc sĩ, khiến ông trăn trở phải làm một cái gì đó cho vùng đất độc đáo này.
Năm 1970, Phan Huỳnh Điểu ra Bắc điều trị bệnh. Ông lại giở sách “Tiếng hát Miền
” và “Bóng cây Kơ-nia” (dưới nhan đề ghi “Theo điệu Kachoi”, cuối bài ghi “Của dân tộc H’rê – Ngọc Anh phỏng dịch”) lại một lần nữa ám ảnh ông.
Cảm xúc cũ ùa về thôi thúc; những giai điệu dạt dào ngày trước cũng ngân vang trở lại trong hồn khiến ông hoàn chỉnh ngay ca khúc đã từng ấp ủ, trăn trở bấy lâu, vào ngày 12/08/1971.
Một hôm nữ ca sĩ Thanh Trì, giảng viên Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội đến thăm ông, xin bản nhạc mang về đưa cô giáo Thúy Huyền tập hát cho cô học trò Măng Thị Hội, người dân tộc Ba-na ở Bình Định tập kết ra Bắc (Đấy cũng là bài thi ra trường đạt điểm tuyệt đối của Măng Thị Hội).
Sau này còn nhiều người hát khác như Rơ Chăm Pheng, Thu Minh... Nhưng người nghe vẫn nhớ thành công đầu tiên của Măng Thị Hội, đến nỗi đã có cách gọi vui tên Măng Thị Hội là... “Măng Kơ-nia”!
Sống và sáng tác lặng lẽ
Về tác giả bài thơ, theo nhà văn Nguyên Ngọc thì Ngọc Anh họ Nguyễn, sinh năm 1932 (có tư liệu nói 1934) tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Từ năm 1950 làm phóng viên các báo Vệ Quốc Đoàn, Quân đội nhân dân Liên khu 5... Đến 1954 về làm việc ở Ban Văn Sử Địa (tiền thân Viện Văn học Việt Nam sau này), chuyên nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, tham gia dịch các trường ca như Đam San, Xinh Nhã…
Một số sáng tác thơ của Ngọc Anh đã ra đời trong khoảng thời gian này. (Cụ thể như 10 bài tuyển ở “Tiếng hát Miền ”). Cảm xúc chủ đạo trong các sáng tác của Ngọc Anh đều lấy bối cảnh Tây Nguyên. Điều này nói lên sự gắn bó thiết cốt của nhà thơ với mảnh đất đã từng sinh trưởng (xã Đại Hồng thuộc miền núi Tây Quảng Nam), đã từng có những tháng năm làm phóng viên lặn lội khắp vùng, và cũng có thể từ nhận thức và cảm xúc qua quá trình nghiên cứu ở Ban Văn Sử Địa...
Điều đặc biệt là dưới tất cả các sáng tác của mình Ngọc Anh đều ghi: Dịch, Phỏng dịch hoặc Sưu tầm... nên ít người biết có một nhà thơ trẻ Ngọc Anh chuyên sáng tác về chủ đề Tây Nguyên cùng thời với những “Bài ca chim Chơ-rao” của Thu Bồn, “Rừng Xà-nu” của Nguyễn Trung Thành (tức Nguyên Ngọc) v.v... đã góp phần tạo thành một vệt đậm nét của dòng văn học viết về Tây Nguyên!
Như một duyên tiền định, năm 1964 Ngọc Anh lại được điều về lại chiến trường Khu 5, hoạt động quanh khu vực núi Ngọc Linh (thuộc H80 - vùng Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum ngày nay) nơi cực bắc Tây Nguyên. Đến đầu năm 1965 thì Ngọc Anh hy sinh tại đây, khi mới vừa chớm sang tuổi ba mươi.
Năm nay (2009), sau 50 năm bài thơ “Bóng cây Kơ-nia” ra đời, sau 44 năm Ngọc Anh mất và sau 38 năm bài hát của Phan Huỳnh Điểu có mặt, (mỗi mốc thời gian cách nhau vừa đúng 6 năm!), chúng tôi có chuyến về tận làng Đăk Viêng, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum dưới chân núi Ngọc Linh ngút ngát đại ngàn.
Đây là nơi Ngọc Anh thường xuyên đi về hoạt động và được chôn cất sau khi hy sinh. Dọc đường, những bóng Kơ-nia lừng lững trầm tư trên các triền đồi góc núi Tây Nguyên càng khiến gợi nhớ giai điệu và ca từ của bài hát đã vô cùng quen thuộc.
Như đã nói, với tính cách khiêm tốn, cứ tự ẩn giấu mình đi, nên Ngọc Anh ít được nhiều người biết đến. Tư liệu về ông cũng không nhiều. Người quan tâm chỉ đọc được một số ít bài viết có tính chất “kể chuyện kỷ niệm” trên báo chí hoặc nghe qua lời kể của những người quen biết.
Hy sinh
Cụ bà Y Bình, năm nay 64 tuổi, kể: Cuối năm 1964 có đoàn văn công về tuyển diễn viên tại làng Đăk Viêng. Chỉ mỗi mình Y Đồng (sau đổi là Y Mai) được chọn. Y Bình cũng xin đi nhưng vì đang theo học lớp cứu thương, lại đang mang thai nên không được chọn. Đầu năm 1965, Y Bình đến trạm xá dã chiến sinh con (là chị Y Lan bây giờ). Tại đây bất ngờ Y Bình gặp lúc người ta đưa ông Đinh Ngà bị thương, vào cấp cứu.
Ở làng Đăk Viêng, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum dưới chân núi Ngọc Linh, nơi nhà thơ Ngọc Anh thường xuyên đi về hoạt động và được chôn cất sau khi hy sinh, mọi người vẫn nhớ về “cái ông” Ngọc Anh đẹp người tốt nết, đàn giỏi hát hay…
Đặc biệt không ai quên nhắc về bài thơ – bài hát “Bóng cây Kơ-nia”! Cụ ông A Nghin, chồng bà Y Hoa, góp lời: Lớp trẻ bây giờ chỉ hát “Bóng cây Kơ-nia” theo ca khúc mới (ý nói của Phan Huỳnh Điểu) mà thôi, các người già ở đây thì vẫn nhớ ngày xưa mình hát theo điệu Kachoi do Ngọc Anh bày cho. Mỗi lần hát lên càng thấy yêu cái cây thân thuộc bên mình, càng thấy nhớ các anh bộ đội quê xa về chiến đấu ở quê mình! Ngọc Anh nó tốt lắm!...
|
Đinh Ngà người dân tộc H’rê ở H29 (huyện Kon Plong). Qua Đinh Ngà mọi người được biết ông cùng Ngọc Anh đang lo ánh sáng phục vụ đêm văn nghệ ở khu căn cứ Đăk Wăk nơi núi Pai Xi Cô. Máy đèn nổ tung, Ngọc Anh chết, ông bị thương nặng!
Tin như sét đánh, Y Bình vô cùng thương tiếc cái con người cao to đẹp trai, đàn giỏi hát hay, thường về làng Đăk Viêng dạy bà con hát những bài ca cách mạng do chính Ngọc Anh đặt lời mới dựa theo các làn điệu dân ca quen thuộc của bà con, nên ai cũng dễ hát dễ thuộc. Quanh vùng ai ai cũng yêu mến Ngọc Anh, nhất là cánh phụ nữ!
Có lần Y Bình bảo Ngọc Anh làm riêng cho mình một bài hát, Ngọc Anh bảo chưa có liền được, chỉ bày những bài chung thôi!... Y Bình cho biết sau khi hy sinh, Ngọc Anh được đưa về chôn tại khu Rừng Ma dưới chân núi Ngọc Broong, cách làng Đăk Viêng không xa. Sau ngày giải phóng có người nhà Ngọc Anh đến đây bốc cốt đưa về rồi.
(Liên hệ với các lời kể khác: Nhà văn Nguyên Ngọc kể qua điện đàm: Lúc ấy vì thiếu thốn, bộ đội ta trong rừng muốn có ánh sáng phải đào lỗ xuống đất, lót đồ chống thấm, rót dầu vào rồi lấp kín, chỉ chừa chỗ đưa bấc (tim) đèn lên trên để thắp.
Vào một đêm văn nghệ (hay họp hành gì đó), “đèn” hết dầu, thay vì để tắt hẳn mới rót dầu vào, vì nóng lòng phục vụ, Ngọc Anh chêm thêm dầu khi bấc còn leo lét cháy. Dầu bắt lửa bùng lên, Ngọc Anh bị bỏng nặng.
Bác sĩ Ksor Krơn (tức Nguyễn Văn Sỹ) – sau này làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai – Kon Tum – là người trực tiếp chữa trị cho Ngọc Anh lúc ấy, nhưng không qua được! Sau giải phóng, gia đình Ngọc Anh (vợ và hai con trai) đã tìm mộ (ngay nơi Y Bình kể), đưa về cải táng ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn - Quảng . Còn nhà thơ Thanh Quế thì bảo trong một cuộc trò chuyện: Ngọc Anh hy sinh khi đang bơm đèn Măng-sông, đèn nổ khí nén, bị bỏng rồi mất!).
Không bị lãng quên
Cụ bà Y Hoa, 64 tuổi, là chị ruột Y Đồng (tức Y Mai, người duy nhất của làng Đăk Viêng được tuyển làm văn công) bảo: Chỉ có Y Mai là biết rõ hơn về Ngọc Anh thôi, vì nó được đi hoạt động cùng với đoàn Văn công mà!
Nó lấy chồng người Ba-na ở An Khê, tỉnh Gia Lai, cả hai vợ chồng đều chết cả rồi! Y Hoa nhớ hôm tuyển diễn viên, thấy hai chị em bà đều còn trẻ nhất làng, xinh gái lại hát hay, định tuyển cả, nhưng lúc đó bà đang là y tá thuộc một đơn vị của Tỉnh đội Kon Tum nên không được đi!
Nhóm tuyển chọn có hai người, một người Kinh tên Ba cao to đẹp trai và một người dân tộc Yẻ-Triêng ở Đăk Glei (H30-40 - Kon Tum) tên A Hoa. Sau này mới biết người tên Ba là Ngọc Anh. Làm y tá cứu thương nhưng vì yêu thích văn nghệ nên Y Hoa nhiều lần nhờ Ngọc Anh dạy cho nhiều bài hát theo lời mới. Bà đã hát được trên dưới 20 bài, nay già yếu nên quên nhiều rồi!...
Xúc động khi nghe chúng tôi nhắc đến và hỏi chuyện về “anh Ba”, Y Hoa móm mém hát vài câu còn nhớ lõm bõm trong bài “Ai xui là...”.
Cụ bà Y Xuân 64 tuổi thì kể: Lúc Ngọc Anh hoạt động ở đây, Y Xuân đã là cán bộ phụ nữ xã nên rất thường gặp gỡ liên hệ công tác. Y Xuân bảo Ngọc Anh cao to đẹp trai, đàn giỏi hát hay, ăn ở tốt với mọi người, bà con dân làng ai cũng quý mến, nhưng Ngọc Anh “nghiêm” lắm! “Nghiêm” – Chúng tôi hiểu là cái tính cách trầm lặng “giấu mình” cố hữu của Ngọc Anh, và cũng có lẽ lúc nào trong tâm trí nhà thơ cũng đau đáu hình ảnh người vợ tào khang ở góc núi quê nhà đã một mình một bóng thay chồng nuôi dạy hai con trai trong ngần ấy năm mình công tác xa nhà!
Như nhiều người khác, Y Xuân cũng được Ngọc Anh dạy cho một số bài hát mới, nay vì tuổi tác đã quên bớt nhiều rồi, chỉ nhớ Ngọc Anh là người rất dễ thương và tiếc là chết còn trẻ quá!...
Vậy là đã rõ, dẫu cứ tự khiêm cung giấu mình, nhưng hình ảnh nhà thơ - chiến sĩ Ngọc Anh vẫn như một bóng Kơ-nia lừng lững trong niềm thương nỗi nhớ của bà con Xê-đăng bên bóng Ngọc Linh hùng vĩ đại ngàn. Ai cũng nhớ về Ngọc Anh như lời thơ – lời hát: “Buổi sáng em lên rẫy/ Thấy bóng cây Kơ-nia/ Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ/ Buổi chiều mẹ lên rẫy/ Thấy bóng cây Kơ-nia/ Bóng tròn che lưng mẹ/ Về nhớ anh mẹ khóc.../ Em và mẹ nhớ anh/ Như bóng cây Kơ-nia...”!
Ra về, bất giác ngoảnh nhìn về phía khu Rừng Ma sương chiều lãng đãng, vẫn ẩn mình nơi sườn núi xa xanh kia, một bóng Kơ-nia lặng lẽ giữa trời...
Theo TP |