Tạp chí Sông Hương -
Phim Việt tham dự Oscar: Vẫn là giấc mơ xa xôi
10:15 | 26/10/2009
Thật sự thì giải Oscar của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ không phải liên hoan phim. Nó chỉ là một buổi lễ trao giải thưởng ghi nhận những thành tựu điện ảnh trong năm, do các thành viên của viện (khoảng 5.000 người) bỏ phiếu bầu chọn nhưng đoạt giải thưởng này, dù bất kỳ hạng mục nào, đều là ao ước của những người làm điện ảnh trên toàn thế giới.
Phim Việt tham dự Oscar: Vẫn là giấc mơ xa xôi
Một cảnh trong phim “Đừng đốt”.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất là giải thưởng cho phim không dùng tiếng Anh, được trao cho đạo diễn cũng như nước mà bộ phim đó xuất thân.
 
Trong lịch sử giải Oscar ở hạng mục này, bắt đầu chính thức kể từ năm 1956, các nước đoạt giải nhiều nhất lần lượt là: Italia (10 lần), Pháp (9 lần), Tây Ban Nha (4 lần)… và châu Á thì mới chỉ có phim "Ngọa hổ tàng long" của đạo diễn Lý An (Trung Quốc). Năm nay, ở đề cử hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất có khá nhiều ứng viên "nặng ký": "Mai Lan Phương" của đạo diễn Trần Khải Ca (Trung Quốc), "Người mẹ" của đạo diễn Bong Jun Ho (Hàn Quốc). Hai quốc gia này đã nhiều lần gửi phim tham dự nhưng chưa lần nào vào vòng đề cử (5 phim).
 
Tuy nhiên, không như những liên hoan phim, nhà sản xuất có thể tự gửi phim tham dự, thì với giải thưởng này ở Oscar, mỗi quốc gia được cử một phim tham dự do Chính phủ nước đó đề cử, khi có thư mời từ đơn vị tổ chức giải. Năm ngoái, phim "Rừng đen" (đạo diễn Vương Đức) bỏ lỡ cơ hội đề cử dự giải Oscar vì chưa hội đủ điều kiện chiếu thương mại. Năm 2007, "Áo lụa Hà Đông" (đạo diễn Lưu Huỳnh) là bộ phim tư nhân đầu tiên được Việt gửi tham dự đề cử giải Oscar. Trước đó, "Vua bãi rác" (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn) "mở hàng" cho phim nhà nước dự Oscar 2003, rồi đến "Mùa len trâu" (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) năm 2006... "Mùi đu đủ xanh" của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng là một trong 5 đề cử giải Phim nước ngoài hay nhất của Oscar 1993, nhưng nhà sản xuất của bộ phim này ở nước ngoài và chỉ mượn "mác" Việt Nam để dự thi.
 
Mới đây, bộ phim "Đừng đốt" (đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam) đã có tên trong danh sách chính thức các phim dự đề cử giải Oscar 2010 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. "Đừng đốt" là câu chuyện về anh hùng - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và số phận cuốn nhật ký của chị trải qua bao thăng trầm đã trở về với gia đình và người thân ở Hà Nội. Không ít người xem xúc động trước những tình cảm của người mẹ Hà Nội dành cho cô con gái sớm xa gia đình theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Câu chuyện của những người ở phía bên kia lưu giữ cuốn nhật ký của chị Trâm cũng để lại nhiều nghĩ suy. "Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình", ước vọng ngày nào của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã thành sự thật từ cách đây hơn 30 năm, nhưng niềm hạnh ngộ thật sự giữa những người từng "đối mặt" nhau, sự gặp gỡ của tình người, lương tri mới thật sự là giấc mơ hòa bình làm thổn thức con tim người xem... Bộ phim đã đoạt giải của khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Quốc tế Fukuoka (Nhật Bản). "Đừng đốt" là một trong ít phim nhà nước đặt hàng thu hút đông khán giả đến xem tại rạp. Đợt chiếu kỷ niệm ngày 30-4 vừa qua, nhiều rạp chiếu trong cả nước đã kéo dài thời gian chiếu chứ không phải chiếu vài buổi rồi bỏ kho như số phận không may mắn của nhiều phim khác. Vì vậy, bộ phim đủ điều kiện chiếu ít nhất bảy ngày liên tục tại rạp vì mục đích kinh doanh theo điều 3 Quy chế Tuyển chọn phim tham dự giải thưởng Oscar dành cho Phim nói tiếng nước ngoài của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL). Ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật vì được làm hậu kỳ ở nước ngoài, nội dung phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc và có những tìm tòi, sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật thể hiện theo quy chế nói trên. Vì vậy, nó đã nhận được số phiếu đồng thuận khá cao của Hội đồng Quốc gia tuyển chọn phim Việt tham dự Oscar.
 
Một số đạo diễn khẳng định, một bộ phim Mỹ tham dự Oscars phải lăng xê suốt cả năm trời trước khi giải diễn ra với những chiến dịch quảng bá rầm rộ và vận động tốn kém. Việt thì chưa đủ điều kiện để làm tất cả những việc đó. Còn đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh cho rằng, các vị giám khảo không thể xem hết các phim dự giải nên thiệt thòi thuộc về những nền điện ảnh mà tên tuổi còn xa lạ với thế giới và những bộ phim chưa có cơ hội quảng bá ở nước ngoài, đặc biệt ở thị trường Mỹ. Vì vậy, ông Minh cho rằng, được đề cử giải Oscar ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất không phải là điều gì to tát so với việc được đề cử giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes hay các liên hoan khác. Tuy nhiên, nếu phim Việt lọt vào đề cử 5 phim ở hạng mục này cũng là niềm vui lớn của điện ảnh Việt .
 
Khách quan hơn, cần nhìn nhận, mỗi lần điện ảnh Việt ra nước ngoài là dịp để nhìn lại mình và vươn tới. Ông Paolo Bertoli - một trong năm thành viên của hội đồng tuyển chọn phim của Liên hoan phim Venice trong chuyến sang Việt Nam để tìm kiếm các nhà sản xuất phim, đạo diễn và những bộ phim hay, nhận xét: "Điều mà các nhà làm phim Việt Nam còn thiếu là mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Nếu có thông tin đầy đủ bằng cách thường xuyên tham dự các liên hoan phim quốc tế, nghiên cứu nhiều phim nước ngoài... thì họ sẽ học hỏi được nhiều hơn, cũng như có nhiều kinh nghiệm hơn. Hiện nay, kỹ thuật làm phim của các bạn còn lạc hậu và các đạo diễn, đặc biệt là đạo diễn trẻ có thể cải thiện được điều này bằng cách nghiên cứu qua nhiều kênh khác nhau".
 
Rất tiếc, các đạo diễn thế hệ 7X được cho là có năng lực như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Đào Duy Phúc, Bùi Tuấn Dũng… đều đã làm phim nhựa, nhưng tác phẩm của họ chưa có cơ hội đến với Oscar hay các liên hoan danh tiếng khác, dẫu chỉ là vòng ngoài hay các vòng tranh giải không chính thức. Nhìn vào những gương mặt đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với "Chơi vơi", Phan Đăng Di với "Bi ơi, đừng sợ" thì thêm một mùa hy vọng vào thế hệ điện ảnh này và những người trẻ tiếp theo… Nhưng với thực lực của điện ảnh Việt hiện nay, thì được vinh danh trên thảm đỏ Nhà hát Kodak ở Hollywood trong đêm trao giải Oscar vẫn là giấc mơ xa xôi…

                                                                                                                Theo HNM

Các bài mới
Các bài đã đăng