Tạp chí Sông Hương -
Đôi giày châm ngòi cho triết luận
09:20 | 04/11/2009
Năm 1886 ở Paris (Pháp), Vincent Van Gogh mua một đôi giày cũ nát từ chợ trời và đem vào xưởng họa tại Montmartre làm mẫu vẽ tĩnh vật. Đó quả là một đôi giày may mắn, vì nó không bị thảy ra bãi rác mà trở nên bất tử qua nét vẽ của họa sĩ Hà Lan thiên tài. Hiếm có bức tranh nào được hậu thế bàn ra tán vào không dứt như Đôi giày của Van Gogh. Triển lãm đang diễn ra ở Cologne (Đức) chỉ có duy nhất một bức tranh trên, nhưng xung quanh đó là hàng trăm ý kiến khác nhau, và chắc chắn chưa phải là những ý kiến tối hậu.
Đôi giày châm ngòi cho triết luận

Chuyện về thiên tài hội họa Vincent Van Gogh đầy bi kịch có lẽ kể mãi không hết, đặc biệt vì ít ai rõ có bao nhiêu phần trăm trong đó là giai thoại khả dĩ kiểm chứng được. Trong số các sự kiện được ghi lại có một đôi giày “cà tàng”, hầu như chắc chắn có thật vì sự hiện diện của nó được giới phê bình hội họa lẫn triết học quan tâm từ khi “lên tranh” đến tận hôm nay.

Chính Van Gogh kể lại rằng mình chỉ xỏ chân vào đôi giày này đúng một lần, vì ông cần nó làm mẫu chứ không phải dùng để đi. Nhờ vậy mà đôi giày gớm ghiếc nọ thăng hoa thành đối tượng của nghiên cứu nghệ thuật lẫn triết học mỹ thuật. Người ta lấy tác phẩm này làm đối tượng thực tập kỹ năng “xem hình đoán ý” của mình, và cũng dễ hiểu là “lắm thầy nhiều ma”, chẳng ai chịu thua ai khi bảo vệ quan điểm riêng. Giờ đây, bảo tàng Wallraf-Richartz ở Cologne muốn làm sống lại lần nữa lịch sử thăng trầm của một tác phẩm gắn liền với thân thế không kém phần chìm nổi của tác giả.

Để tôn vinh họa phẩm ấy thì không cần nhiều diện tích, một phòng là đủ. Ai đi thẳng đến cửa phòng đã thấy từ xa bức Đôi giày được treo như tranh thờ giữa chính điện. Nhưng phần không kém kỳ thú là hàng trăm trích lục, bình phẩm, phỏng đoán, khen ngợi, phê phán... vây kín xung quanh. Kể cũng to gan khi curator dám chọn hình thức triển lãm này, vì nghệ thuật tạo hình sống bằng “hình” chứ không dựa vào trăm ngàn dòng chữ lê thê. Chả thế mà từ trước thời Van Gogh, người ta đã gọi giới phê bình là một dạng “thái giám” - biết rất rõ phương pháp mà có làm được đâu.

Có đúng là… một đôi?
 
Về Đôi giày, Martin Heidegger (1889-1976), một ông tổ của triết học hiện đại, hồi năm 1960 đã viết ra tiểu luận mang tên Khởi thủy của tác phẩm nghệ thuật. Cũng không nên quên rằng từ năm 1930, Heidegger đã “vật lộn” với Đôi giày, sau khi ông xem nó trong bảo tàng Stedelijk ( Amsterdam , Hà Lan). Khó giải thích cho độc giả thời nay những khổ cực ngày ấy khi phải khâu giày bằng tay, và đó là đại ý mà Heidegger muốn nói ra. Ông đoán đó là giày của một nông dân và nhìn thấy từng mũi kim khó nhọc đâm qua da, nhận ra luống cày mấp mô trên lằn đế, ngửi được mùi đất ruộng ẩm mốc trên bề mặt giày. Nhìn bức tranh, ông còn liên tưởng ngay đến tội ác chiến tranh của nước Đức và phong trào tôn thờ kỹ nghệ sau Thế chiến II.

 "Ông tổ triết học hiện đại
" Martin Heidegger

Khó mà bác lại những gì được Heidegger diễn tả bằng ngôn ngữ của một triết gia thượng thặng, song sức mạnh của ông nằm trong suy diễn và không tránh bị đả phá, chẳng hạn như bởi nhà sử học nghệ thuật Mỹ Meyer Schapiro (1904-1996), một cây bút sắc sảo. Năm 1968, Schapiro đả kích Heidegger không chịu nhìn tranh mà chỉ chăm chăm tìm ẩn ý đằng sau để lạm dụng nó minh họa cho các luận thuyết của mình.

Cuộc công kích của Schapiro lại nhận được phản pháo từ triết gia Pháp Jacques Derrida (1930-2004). Thậm chí Derrida cả quyết chân lý không ở giữa, mà nằm đâu đó bên ngoài hai thái cực mang tên Heidegger và Schapiro. Tác phẩm của Van Gogh xứng đáng được quan tâm về mỹ học chứ không nên dùng đó làm minh chứng cho quan điểm nghệ thuật hay triết học. Và Derrida có lý khi đặt câu hỏi: Liệu đó có phải một đôi giày không, hay là hai chiếc giày trái? Quả thật, hai chiếc giày được xỏ dây khác nhau, một chuyện rõ ràng mà do mải cãi cọ nên người ta không nhìn thấy!

Nghiệp dư cũng lên tiếng

Ở triển lãm tại Cologne, khán giả vô danh cũng có dịp bày tỏ cách suy luận của mình trong một cuốn sổ góp ý, để làm một chú thích nhỏ xíu cho lịch sử nghệ thuật vì dĩ nhiên là không ai dám “so găng” với các tên tuổi từng lên tiếng dò đoán ý tưởng của Van Gogh. Mà trong số ấy, ý kiến được nêu ra bởi Derrida dường như có “trọng lượng” nhất, vì ông đã thông thái kéo các mâu thuẫn của người đi trước vào luận cứ của mình một cách đầy bao dung.

Tóm lại, Đôi giày của Van Gogh “nói” với chúng ta, những người thưởng lãm bình thường, điều gì? Cái đập vào mắt nhất song cũng là sự thật giản dị nhất: Hiện nay, giày kiểu ấy không còn nữa. Van Gogh vô tình để lại cho thế hệ chúng ta giáo cụ trực quan về sự khốn khó của một thời tiền công nghiệp khi sản xuất một vật dụng bình thường như giày dép. Ngày nay chỉ cần đảo ra đường là ta đã thấy ngồn ngộn giày dép đủ kiểu, lắm màu nhiều sắc.

Ừ nhỉ, tại sao không được phép đưa ra một nhận xét “trần tục” như vậy chứ? Và do nó đúng, có nên gọi đó là sự thật không? E rằng không, hoặc cùng lắm cũng chỉ là một trong các sự thật mà thôi. Vì nếu đó là sự thật tuyệt đối thì Đôi giày của Van Gogh đâu còn là nghệ thuật nữa!

                                                                                            Theo TT&VH Cuối tuần


Các bài mới
Các bài đã đăng