Tạp chí Sông Hương -
Nhái hay copy kịch bản phim?
09:24 | 04/11/2009
Sau khi có thông tin về bộ phim Tin vào điều không thể gần giống với bộ phim Cám ơn anh đã yêu em (Thank you for loving me) của Trung Quốc đã phát sóng trên HTV7, chúng tôi tìm hiểu thì phát hiện khá nhiều nghi ngại về một số bộ phim tương tự. Đó là tình trạng không chỉ “Việt hóa” kịch bản nước ngoài không có bản quyền mà tình trạng “thuổng” ý tưởng hay copy kịch bản của nhau khá phổ biến trong giới làm phim.
Nhái hay copy kịch bản phim?
Cảnh phim "Người đàn bà thứ hai". Ảnh: TPO

Lập lờ bản quyền phim

Bộ phim mở đầu chương trình Rubic 8 phát trên VTV3 Người đàn bà thứ hai đề trên generic là nhóm tác giả Quỳnh Anh. Sau khi có phản ánh về lời thoại và một số tình tiết mang hơi hướm phim Trung Quốc thì các tập phim sau mới bổ sung ở cuối mỗi tập là phim chuyển thể từ kịch bản của Trung Quốc, nhưng cũng không nói rõ kịch bản nào, của ai...

Chưa hết, 10 tập kịch bản Tôi đi và em ở lại đang trên bàn duyệt của các vị trong Hội đồng duyệt phim xã hội hóa ở VTV chỉ ghi chung chung: “Tác giả chuyển thể Vũ Thu Dung”, giống như trên generic của phim Tin vào điều không thể.

Điều đáng nói là cả hai bộ phim Người đàn bà thứ hai và Tin vào điều không thể đều của Hãng phim KH do NSND Khải Hưng làm giám đốc (kịch bản Tôi đi và em ở lại cũng của hãng này). Các bộ phim “xã hội hóa” này đều thuộc bản quyền của Đài THVN. Vậy khi có vấn đề đáng nghi ngờ về bản quyền như vậy, “nhà đài” sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?

Về sự giống nhau giữa Tin vào điều không thể và Cám ơn anh đã yêu em không chỉ về cốt truyện, hệ thống nhân vật và tính cách nhân vật tương tự mà còn nhiều chi tiết giống nhau.

Ngoài ra, trên báo chí mới đây từng có bài viết phản ánh sự giống nhau giữa bộ phim VN Gió nghịch mùa (phát trên HTV7, kịch bản: Phạm Đào Uyên - Châu Thổ) và Khăn tay vàng (của Hàn Quốc, đã chiếu trên Đài truyền hình TPHCM vài năm trước). Đó là sự tương tự nhau về các tuyến nhân vật, từ nhân vật chính đến phụ, từ tính cách đến hành xử, lẫn các mối quan hệ trong phim giữa hai bộ phim.

Sau đó, tác giả kịch bản Châu Thổ giãi bày rằng, chị chưa xem phim Khăn tay vàng của Hàn Quốc, rồi “những bi kịch cuộc sống luôn có mẫu số chung”...

Bị “chiếm đoạt” ngang nhiên

Nhà báo H.M.L không muốn nhắc tên chị cũng như bộ phim nhận được rất nhiều lời khen khi phát sóng vào mỗi chiều chủ nhật, vì chuyện đã qua đi khá lâu và quan trọng hơn, chị đang công tác ở “đài nhà”.

H.M.L đã viết 5 tập kịch bản và đưa cho H. - đạo diễn trẻ lúc đó vừa nổi tiếng với những bộ phim về đề tài học sinh - sinh viên. Trước đó, chị đã thổ lộ ý tưởng kịch bản với H., rồi H. còn qua lại tòa soạn để trao đổi với chị về kịch bản. Thấy những người viết kịch bản về sinh viên nhưng không hiểu đời sống sinh viên, nhất là thế giới của sinh viên ngoại tỉnh lên thành phố thuê trọ, thế là chị “xắn tay” viết với tất cả say mê và chăm chút. Sau hai năm, chỉnh sửa đến lần thứ ba mới xong được 5 tập.

Người trong hãng phim lúc đó còn vui mừng báo với chị: “Kịch bản của L. được đi làm phim rồi đấy”. Nhưng chị ra trường quay thì thấy kịch bản không đề tên biên kịch và số tập phim đã tăng thành 9. Đến lúc báo chí đưa tin về phim thì đều ghi tác giả là một số người trong hãng phim, trong đó có cả một trưởng phòng biên tập là nữ nhà văn tên tuổi.

Những ai đọc kịch bản của chị đều thừa nhận bộ phim dựng từ kịch bản này, từ nhân vật cô gái bán hoa cho đến các nhân vật chính đều y chang. H.M.L buồn đến mức cố tránh không xem phim. Chị đến hãng đòi lại kịch bản nhưng đạo diễn H. tìm đến mấy lần mà vẫn chưa đủ số tập chị đã gửi. H. bảo kịch bản của chị không sử dụng được. Còn kịch bản đi làm phim do một nhóm khác viết. Vậy mà trước đó, chị được đề nghị bán ý tưởng kịch bản hay hãng phim cử người viết cùng chị. Chị đã chọn phương án hai, nhưng những hiểu biết về sinh viên và đời sống sinh viên của người được cử đến viết hoàn toàn khác với chị, nên hai người không phối hợp được.

“Tôi đã khóc nhiều, từ nhà đến cơ quan, không phải vì kịch bản bị chiếm đoạt mà thất vọng vì mình không hiểu người xung quanh. Tôi thật lòng không muốn nhắc lại chuyện này mà coi như một bài học đắt giá”, H.M.L chia sẻ sau rất nhiều thuyết phục của chúng tôi. Ít ai biết, bộ phim về những ước mơ và khát vọng rất đỗi cao đẹp của tuổi trẻ được phát lại nhiều lần trên các kênh của “nhà đài” lại thực hiện thiếu đàng hoàng như vậy.

                                                                                                        Theo SGGPO



Các bài mới
Các bài đã đăng