Tạp chí Sông Hương -
Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009: Không sân khấu hoá cồng chiêng mà là 'mỹ lệ' hoá?
09:07 | 05/11/2009
Lễ hội không nên biến cồng chiêng thành sân khấu hóa, nhưng trong một buổi trình diễn thì bản sắc ấy phải được "mỹ lệ" hóa để người xem có thể hiểu. Mục tiêu của Festival là kéo khán giả đến với đời sống thực.. - Thứ trưởng Lê Tiến Thọ.
Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009: Không sân khấu hoá cồng chiêng mà là 'mỹ lệ' hoá?
Thứ trưởng Lê Tiến Thọ

1 tuần nữa, Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai sẽ khai mạc. Là Tổng đạo diễn của lễ khai mạc (và lễ bế mạc), ông có thể cho biết công việc chuẩn bị hiện đến đâu?

NSND Lê Tiến Thọ: - Chúng tôi đã xây dựng kịch bản phân cảnh cụ thể và đã đưa vào dàn dựng. Chúng tôi cũng đã làm việc với nhạc sĩ Nguyễn Cường để xây dựng khung nhạc cho toàn bộ lễ khai mạc, bế mạc. Các khối cồng chiêng, khối múa... đang gấp rút tập luyện. Tôi phải đảm nhiệm công việc Tổng đạo diễn lễ khai mạc, bế mạc AI Games III (Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ III) nên phải hết lễ bế mạc mới vào được Tây Nguyên, nhưng trong đó đã có NSND Y Brơm, NSND Xuân La, NSƯT Thu Hà, Nhạc sĩ Nguyễn Cường triển khai tập luyện cho các tiết mục. Công ty Sơn Lâm đang triển khai sân khấu và đạo cụ, trang thiết bị âm thanh ánh sáng sao cho Festival cồng chiêng quốc tế đầu tiên đạt ấn tượng tốt nhất.

Thông điệp chủ đạo của lễ khai mạc sẽ là gì, thưa ông? Những ai sẽ "giúp" ông để lễ khai mạc, bế mạc thể hiện rõ hơn "chất" Tây Nguyên?

Theo thông tin mới nhất từ ban tổ chức, tại Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009, lễ bỏ mả phục dựng sẽ không được tái hiện. Thay vào đó sẽ là lễ mừng lúa mới.
NSND Lê Tiến Thọ: - Lễ khai mạc sẽ một lần nữa khẳng định giá trị nền tảng của không gian văn hóa cồng chiêng trong hội nhập và phát triển của Tây Nguyên. Tôi muốn nhấn mạnh không gian văn hóa của cả vùng Tây Nguyên, để tạo được sự kết nối, hợp tác giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh cũng như của các nước bạn trong việc gìn giữ những loại hình văn hóa, để văn hóa còn là động lực phát triển kinh tế, xã hội. Cũng phải nghĩ đến câu hỏi, sau festival này, không gian văn hóa cồng chiêng sẽ ra sao?

Cùng hợp sức với tôi cho lễ khai mạc, bế mạc không chỉ là các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Tây Nguyên mà còn có các nghệ nhân của các buôn làng, để giới thiệu được văn hóa của các buôn làng ra với khán giả.

Đến giờ phút này, những đoàn quốc tế nào đã nhận lời tham dự festival?

NSND Lê Tiến Thọ: - Hiện đã chắc có các đoàn của Lào, Campuchia, , , , có thể sẽ có thêm Thái Lan, Trung Quốc.

Nhiều người yêu văn hóa Tây Nguyên đang lo ngại việc cồng chiêng bị "sân khấu hóa", các nghi lễ (lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới...) chỉ hay khi ở trong không gian mang tính tín ngưỡng, giờ lại mang ra "diễn" cho khán giả xem thì có phù hợp không?

NSND Lê Tiến Thọ: - Festival lần này phải tôn vinh được giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên, giá trị chỉ được nhấn mạnh trong không gian văn hóa, khi diễn ra trong đời sống của các buôn làng. Mình tổ chức festival để quảng bá những nét riêng ấy. Một chiêng cổ nếu mang ra trao đổi thì chỉ được chút vật chất, còn giá trị tinh thần sẽ mất luôn. Từ việc quảng bá này, mỗi buôn làng sẽ càng yêu, càng hiểu giá trị để gìn giữ.

Còn Dân làng Ôr, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang - Gia Lai đang tập "mỹ lệ" hoá cồng chiêng. Ảnh: Khánh Linh.

Lễ hội không nên biến cồng chiêng thành sân khấu hóa, nhưng trong một buổi trình diễn thì bản sắc ấy phải được "mỹ lệ" hóa để người xem có thể hiểu. Còn mục tiêu của Festival là kéo khán giả đến với không gian, đời sống thực, với các buôn làng, với ánh lửa nóng hổi, với mùi cỏ cây của nơi đại ngàn. Khán giả đến với không gian thật thì mới cảm thấy giá trị của tiếng cồng chiêng ngân vang trong không gian ấy. Lễ khai mạc chỉ là buổi quảng bá hình ảnh chung thôi.

Với cương vị Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, bận rộn với công tác quản lý, chỉ đạo, vì sao ông lại nhận làm Tổng đạo diễn lễ khai mạc, bế mạc của Festival? Vì ông đặc biệt đam mê, hay vì...?

NSND Lê Tiến Thọ: - Sau những cuộc làm việc của Gia Lai với các công ty và các đạo diễn, theo dư luận là cũng có chút "gút mắc", UBND tỉnh đã làm văn bản gửi Bộ VH-TT&DL mời tôi làm tổng đạo diễn. Với vai trò chỉ đạo Festival lần này, Bộ VH-TT&DL phải chỉ đạo chung mọi hoạt động của festival. Sau khi Bộ trưởng đồng ý với đề nghị của Gia Lai, Văn phòng Bộ đã làm văn bản là Bộ trưởng cử tôi tham gia. Tôi giúp việc Bộ trưởng nên việc Bộ trưởng giao thì tôi phải chấp hành.

Ông có thể "tiết lộ" thù lao của Tổng đạo diễn?

NSND Lê Tiến Thọ:
- Tôi không được biết thù lao cho Tổng đạo diễn ra sao. Bộ trưởng giao thì tôi chấp hành. Bản thân tôi có "đam mê" nhưng quỹ thời gian không có, không được Bộ trưởng cử mà vẫn làm thì sẽ bị "kỷ luật" ngay.

Bản thân là người nghệ sĩ, chúng tôi cũng muốn cống hiến cho nghệ thuật, góp một phần nhỏ cho việc đưa hình ảnh Tây Nguyên ra với Việt và quốc tế.

                                                                                                  Theo VietNamNet


Các bài mới
Các bài đã đăng