Tạp chí Sông Hương -
Mỹ thuật thời internet
09:17 | 05/11/2009
Trong thời đại mà ngay cả những dụng cụ bếp núc cũng được nối mạng internet, điện thoại di động thì có bộ nhớ và xử lý dữ liệu mạnh hơn cả một máy tính cá nhân cách đây 10 năm, các hoạ sĩ đã ngày càng gắn bó với máy tính; ngược lại, máy tính cũng ảnh hưởng đến những sáng tạo của họ.
Mỹ thuật thời internet
Thư giãn - tác phẩm digital của Roberto Gamito

Cùng với nghệ thuật video art xuất hiện từ những năm 1960, sau đó là thời kỳ khởi đầu của kỹ thuật số vào hai thập niên 1980 và 1990, các tiến bộ kỹ thuật đã cung cấp một loạt những công cụ mới cho sáng tạo nghệ thuật, đồng thời trên mạng nở rộ những nhận định, phê phán cũng như những đề tài mới trong lĩnh vực nghệ thuật mà nổi bật là những cảm hứng mỹ học dậy lên từ YouTube và Google.

Beige, một công ty lập trình về nghệ thuật tổng hợp gồm bốn thành viên tại Mỹ, gây được tiếng tăm trong vài năm qua do đã bẻ khoá được trò chơi nổi tiếng Nintendo và chuyển đổi game thành phim hoạt hình, biến giao diện của game trở thành một không gian nghệ thuật trừu tượng.

Nhiều hoạ sĩ đã áp dụng kỹ thuật máy tính khi sáng tác và các tác phẩm thời internet của họ nay được trưng bày tại các sự kiện mỹ thuật có uy tín lớn cũng như tại các bảo tàng, gallery quan trọng. Chẳng hạn, là triển lãm lưỡng niên về nghệ thuật đương đại tại bảo tàng Whitney ở New York, tại bảo tàng khổng lồ Guggenheim cũng ở New York và tại viện Nghệ thuật đương đại ở London. Ở đông London có gallery 17 đi tiên phong trong việc giới thiệu những tác phẩm được sáng tạo bằng kỹ thuật số. Paul Pieroni, người đồng phụ trách gallery 17 ở London, nói: “Sự phổ cập của internet đã thay đổi tận gốc cách chúng ta thực hiện những điều cơ bản nhất. Đó là sự “Google hoá” mọi thứ và YouTube là ví dụ rõ nét nhất, nó là thể loại văn hoá luôn sẵn sàng phục vụ và làm người ta mê mẩn dù chẳng có chuẩn mực gì cả”.

Vô nghĩa - tác phẩm của Takeshi Murata, một hoạ sĩ chuyên sáng tác trên mạng

Aleksansdra Domanovic là nữ hoạ sĩ ở Berlin chuyên sáng tác tranh trên mạng. Trên mỗi địa chỉ web khác nhau của cô, Aleksansdra trưng bày một tác phẩm nghệ thuật khái niệm (conceptual art). Bạn cô, Oliver Laric, cũng sống ở Berlin , xây dựng những video YouTube pha trộn nghệ thuật cắt dán từ những cảnh quay của YouTube rồi post trở lại lên mạng cũng như trên trang web của anh.

Dù chỉ xuất hiện trên mạng, tác giả của những tác phẩm nghệ thuật như kể trên cũng thường xuyên nghe ngóng những bình luận về chúng, cùng những hiệu quả mỹ học mà chúng mang lại cho cộng đồng mạng. Nói như Ceci Moss, biên tập viên cao cấp của Rhizome, một tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận chú trọng đến công nghệ tin học và là một nhánh của bảo tàng mới về nghệ thuật đương đại ở New York: “Với một số hoạ sĩ, cảm hứng sáng tác của họ bắt nguồn từ sự gắn kết giữa những vấn đề xã hội, văn hoá với công nghệ mới”. Theo ông Nils Aziosmanoff, giám đốc của Cube – một không gian triển lãm các phương tiện thông tin mới tại tây nam Paris : “Tác phẩm nghệ thuật sáng tác bằng công nghệ tin học không thể so sánh với bất cứ cái gì khác, bởi, trong nhiều trường hợp, nó thể hiện như một mô hình luôn thay đổi. Một số tác phẩm mới dạng này cho thấy một phong cách hoàn toàn mới mẻ khi tác giả bày tỏ câu chuyện của họ”.

                                                                                                          Theo SGTT


Các bài mới
Các bài đã đăng