Tạp chí Sông Hương -
Tự dưng có thể bán bức tranh nửa triệu USD?
09:36 | 06/11/2009
Trên TT&VH Cuối tuần số 43 có đăng bài phỏng vấn nữ nghệ sĩ Hoàng Himiko về chuyện chị “bị sốc” trước giá tranh của họa sĩ Mai Anh (gallery Ngàn Phố, Hà Nội), có giá tương đương với 425.000 USD, đắt nhất Hội chợ triển lãm nghệ thuật đương đại Đông Nam Á, diễn ra từ ngày 9 đến 12/10/2009 tại Singapore.
Tự dưng có thể bán bức tranh nửa triệu USD?
TP Thiếu nữ hái hoa được bán với giá gần 340.000 USD tại Sotheby’s H.Kong năm 2008.

Tuy nhiên, nếu xét về thực tế thị trường mỹ thuật quốc tế, để bán một bức tranh với giá nửa triệu USD vừa rất dễ (vì trong khu vực đã làm được rất nhiều lần) vừa rất khó (vì ngay với các danh họa Việt cũng chưa có tiền lệ). Vậy thì, việc một họa sĩ đương đại Việt tự đề giá, hoặc giả được định giá gần nửa triệu USD cho một bức tranh thì nên vui hay nên buồn?

Cái giá của một sự đề giá

Bỏ qua các cuộc bán tranh làm từ thiện, dân sinh hay những sự khoe khoang về tiền của, địa vị trên tivi, chẳng đúng quy luật kinh tế và thị trường. Có lẽ cả giới mỹ thuật và giới kinh doanh nghệ thuật Việt Nam sẽ lấy làm vui khi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang còn tiếp diễn, vậy mà có một tác phẩm đương đại của Việt Nam có thể tự tin đặt mức giá 425.000 USD. Điều mà một trong các danh họa “được lòng” thị trường quốc tế nhất là Lê Phổ (1907-2001) vẫn chưa đạt được.

Tổng kết lại cuộc đời Lê Phổ, ông sống xuyên suốt thế kỷ 20, phần lớn thời gian sống tại Pháp, tiếp xúc với mỹ thuật khá bài bản, đã vẽ hàng trăm bức tranh, và tác phẩm của ông cũng được lên sàn đấu giá vào diện sớm nhất, từ khoảng 30 năm trước tại Pháp và châu Âu. Nghĩa là đến nay, với thị trường và sự tôn trọng các quy luật thị trường, tác phẩm của Lê Phổ vẫn là đại diện chuyên nghiệp và thường trực nhất. Vậy nhưng, những tác phẩm cao giá nhất của danh họa này, và cũng là những tác phẩm cao giá nhất của mỹ thuật Việt cho đến nay, vẫn chưa vượt qua con số 400.000 USD.

Theo thống kê chưa đầy đủ, các tác phẩm đang giữ kỷ lục giá đấu thuộc về Lê Phổ. Ví dụ như Lòng mẹ (54,5 x 46cm, mực và bột màu trên lụa, khoảng 1935-1938) được bán với giá 364.469 USD tại Sotheby’s Singapore ngày Chủ nhật 16/9/2007. Trước đó, cũng tại Singapore năm 2006, tác phẩm Hoài cố hương (60,5 x 46cm, lụa, 1938) đã đạt giá hơn 303.000 USD. Năm 2008 tại Hong Kong , cũng nhà Sotheby’s đã bán Thiếu nữ hái hoa (57,5 x 42,5cm, lụa) với giá gần 340.000 USD. Ngay trong năm 2009 này, tại phiên đấu hôm 6/10 của Sotheby’s Hong Kong, một tác phẩm của Lê Phổ là Paysage du Tonkin (Phong cảnh Bắc kỳ, 201x240cm, sơn mài, khoảng năm 1932- 1934), chất liệu hiếm thấy của danh họa này, nhưng mới chỉ đạt giá 264.000 USD.

Chính thực tế như trên, tiêu điểm cho sự “tự làm giá” hay “tự dưng đề giá” là Nguyễn Khắc Cường, trên website của mình, họa sĩ này đã từng viết (với ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt): “Trường phái Cây đời vĩ đại là trường phái hội họa đầu tiên của Việt Nam, ra đời với sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển của nền hội họa thế giới trong thế kỷ 21 này. Tôi là một họa sĩ đi tiên phong đổi mới nền hội họa Việt Nam trong thế kỷ 21, tôi phấn đấu đưa tên tuổi và trường phái hội họa Cây đời vĩ đại phổ biến rộng khắp trên thế giới”. Và để minh chứng cho luận điểm này, Nguyễn Khắc Cường (lúc ấy ở số 10, ngõ 255, tổ 40, Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã rao bán những tác phẩm với giá “khủng”. Ví dụ như tác phẩm Khát vọng hòa bình với giá 10 triệu USD; Eyes Of Life’s với giá 10 tỷ đồng; Smiles với 10 tỷ đồng; To Sing - All The World với 6 tỷ đồng...

Và “cái giá” của sự “làm giá” quá cỡ này (hồi tháng 5/2009) là báo chí đã nhảy vào cuộc, nào đưa tin đời tư, nào “làm rõ” vấn đề... và Nguyễn Khắc Cường đã rút giá bán ra khỏi website ngay sau đó, đến nay thì đa số tranh và tuyên ngôn nghệ thuật cũng không còn. Trên website của Nguyễn Khắc Cường, hôm người viết truy cập (ngày 28/10/2009), chỉ còn hai bức tranh và một hình chụp ở trang giao diện. Nghe có vẻ quá buồn với một khát vọng hội họa, người từng muốn bán một bức tranh giá 10 triệu USD.

Làm sao để bán?

Hồi 24/10/2008, nhà sưu tập người Pháp gốc Việt Gerard Chapuis đã trả lời trên báo Thanh niên về “4 lý do tranh Việt lép vế”, tựu trung lại ở ý sau: “Danh phẩm Việt khó vào những tiệm buôn lớn nếu không có “tay trong, tay ngoài”, vì người giám định đã có “nguồn” cung cấp, và khi sưu tập gia không chuyên nghiệp cần bán gì đó, người ấy sẽ gặp khó khăn. Có rất ít các danh phẩm Việt trên trường quốc tế, giá bán tranh Việt bên Pháp cũng không cao vì 4 nguyên nhân. Thứ nhất, người sưu tập rất sợ tranh Việt, trong thâm tâm ai cũng nghĩ ta có thói quen bán đồ giả, cộng thêm việc thiếu thông tin. Hai, khi bỏ tiền ra đầu tư, người ta sẽ phải phân vân giữa việc tranh Việt (khó biết thật giả), và tranh nơi mình đang sống (hiểu rõ). Thường là họ quay lưng với tranh Việt. Thứ ba, chúng ta rất yếu về cách tự quảng cáo cho chính mình. Cuối cùng, trong khi nhà sưu tập ngần ngại thì bọn “họa tặc” lại coi đây là một cách kiếm lợi nhuận dễ dàng và nhảy vào gây loạn”.

Tác phẩm Lòng mẹ của Lê Phổ được bán với giá 364.469 USD tại Sotheby’s Singapore hôm Chủ nhật 16/9/2007.


Trong chuyên đề Tranh Việt và thị trường đấu giá quốc tế mới đây trên TT&VH Cuối tuần, chúng tôi cũng đã đưa ra mấy lý do để trả lời tại sao Việt chưa có thị trường mỹ thuật nội địa. Nay xin nhắc lại các lý do ấy như sau: Thứ nhất, chưa có được tầng tỷ lệ 0,05 đến 0,1% người Việt chơi tranh Việt; các họa sĩ thì không biết giữ giá; các nhà sưu tập trong nước còn quá ít ỏi. Thứ hai, “các chính sách về xuất nhập khẩu, về bản quyền, về thuế, về luật... nói chung các hành lang pháp lý, còn chưa đủ và chưa sẵn sàng cho một nhà đấu giá ra đời”. Thứ ba, “các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam mới tồn tại ở thị trường thứ cấp, là các gallery. Mà phần lớn đầu ra của thị trường thứ cấp đó lại ở nước ngoài, bán cho các gallery nước ngoài để ăn chênh lệch đơn thuần, chứ chưa có kế hoạch lăng-xê, cầm giá và làm giá theo một chiến lược bền vững”. Thứ tư, “mức sống hay thu nhập bình quân của người dân cũng là điều kiện để xem xét việc tạo dựng một nhà đấu giá”, và thị trường nghệ thuật. Thứ năm, “vấn đề giáo dục thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật từ trong nhà trường cũng rất quan trọng, bởi nếu không, thì ngay cả khi chúng ta có giới giàu có (chứ chưa phải thượng lưu, trung lưu thực thụ), cũng rất khó để “kích hoạt” tâm hồn họ là hãy mua tác phẩm nghệ thuật”!

Bên cạnh các lý do trên, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng (hiện sống tại Nhật), trong bài viết Một thị trường nghệ thuật đích thực ở Việt Nam?, có đoạn viết rằng: “Nói ra nghe cứ ngỡ như một nghịch lý, nhưng nghệ thuật đích thực phải không nhằm bất cứ mục đích nào khác nằm ngoài, hoặc cao hơn, việc thể hiện thiên phú của nghệ sĩ. Tranh pháo, được “sản xuất” trước hết để bán, để phục vụ tuyên truyền, hay bất cứ thứ gì khác, thì cũng có rất ít giá trị, được dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ đã là may rồi. Vì thế, theo thiển ý của tôi, chỉ khi nào Việt Nam có nhiều họa sĩ vẽ tranh không nhằm mục đích chủ yếu là để bán, mà vẽ vì ý thích là mục tiêu tối thượng, chỉ vì nếu không vẽ thì không chịu được, vẽ chẳng để làm cái (...) gì, thì lúc đó mới có hy vọng ở Việt Nam xuất hiện một thị trường tranh thực thụ”.

Nhắc lại tất cả những lý do này, để thấy rằng câu hỏi làm sao bán được tranh nửa triệu USD là vấn đề khá nan giải, một vài cá nhân hoặc một vài gallery không thể tự làm được trong một sớm một chiều. Các bài học tiếp thị từ những nước trong khu vực cho thấy, việc tự dưng đề giá tranh cao ngất chỉ thể hiện mấy khía cạnh chính. Thứ nhất, không hiểu và không tôn trọng các quy luật thị trường, nên đề sao cũng được, vì thực chất, đây cũng là quyền tự do cá nhân của chủ sở hữu bức tranh. Thứ hai, trong giới mua bán nghệ thuật, gọi “chiêu” này là phương thức tạo tin đồn, tiếp thị truyền miệng, mong lộng giả thành chân. Thứ ba, tạo một con số ước mơ cho những tác phẩm, những thị trường, những thương hiệu... trong tương lai; mà Việt Nam thì chưa có thị trường và chưa có được thương hiệu vững bền, nên việc tự đề giá chủ yếu là để tự an ủi lòng mình.

Ai bị tổn thương?

Trong nghệ thuật, chuyện đẹp xấu thì khá vô chừng, nhưng chuyện bán một bức tranh giá đỉnh thì cần cả một lịch sử làm giá và nâng giá của thị trường. Việc một họa sĩ - một chủ gallery tự nhiên đề giá đỉnh, hẳn nhiên người tự đề giá thì không bị tổn thương, nhưng có một vài họa sĩ chắc sẽ cảm thấy mình bị xúc phạm (!?). Xúc phạm ở khía cạnh, họ là họa sĩ chuyên nghiệp, tranh đã ra thị trường bao nhiêu năm rồi và cũng chịu sự chi phối của quy luật thị trường, vậy mà giá bán cũng chưa cao. Tại Art Singapore 2008, tác phẩm Từ sự mất gốc (212 x 299cm, sơn dầu, 2008) của Đặng Xuân Hòa được “đồn” với giá mua khá cao là 80.000 USD; năm nay một tác phẩm của Lê Kinh Tài cũng được cho rằng có người trả 60.000 USD nhưng chủ gallery chưa muốn bán (?). Đó là chưa nói, ngoài các danh họa thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, những tên tuổi khác như Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Hoàng Tường, Trần Trọng Vũ, Đinh Ý Nhi, Đinh Thị Thắm Poong... cũng thường được thị trường chuyên nghiệp chú ý, vậy mà chưa có tác phẩm nào đạt giá 100.000 USD, chứ nói chi đến 425.000 USD.

                                                                                           Theo TT&VH Cuối tuần




Các bài mới
Các bài đã đăng
(06/11/2009)