Tạp chí Sông Hương -
Phố núi đợi hội cồng chiêng
10:20 | 09/11/2009
Sau bốn năm không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (vào năm 2005), lần đầu tiên Festival cồng chiêng quốc tế được tổ chức tại TP Pleiku (Gia Lai).
Phố núi đợi hội cồng chiêng
Đoàn nghệ nhân tỉnh Kontum - Ảnh: Trần Thảo Nhi

Festival cồng chiêng diễn ra từ ngày 12 đến 15-11 với nhiều hoạt động hấp dẫn, được kỳ vọng sẽ là “sự kiện văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Tây nguyên”. Có mặt tại phố núi cao nguyên những ngày này, du khách mới cảm thấy hết không khí rộn ràng, phấn khởi của người dân nơi đây đón chờ lễ hội.

Pleiku khoác áo mới

Chuẩn bị festival, trong suốt tháng qua, hơn 300 cán bộ và nhân viên của Công ty Công trình đô thị Pleiku đã ngày đêm làm việc để sớm hoàn thành công tác chỉnh trang đô thị.

Với 7 tỉ đồng từ ngân sách của tỉnh cùng sự góp sức của các doanh nghiệp trên địa bàn, đến nay TP đã cơ bản hoàn thành các công trình chào mừng festival như xây dựng đồng hồ tại ngã tư Lê Lai - Trần Phú, làm biểu tượng văn hóa Pleiku tại ngã ba Diệp Kính, xây cổng chào vào TP tại ngã tư Biển Hồ, lắp đặt thêm nhiều trụ đèn chiếu sáng...

Dọc các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Anh Hùng Núp... cờ, băngrôn, khẩu hiệu chào mừng festival được trang hoàng lộng lẫy ở khắp nơi. Đặc biệt đường Trần Hưng Đạo đoạn qua quảng trường 17-3, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc lễ hội, đã được khoác lên mình tấm áo rất bắt mắt. Hàng loạt trụ đèn kiểu, đèn trang trí giăng dọc tuyến đường. Một khán đài mới cũng vừa được dựng để phục vụ festival với sức chứa khoảng 800 người.

Tại các ngã tư, hơn 300 bảng tên đường được thay mới đẹp hơn với hình biểu tượng của tỉnh Gia Lai. Một loạt cây thông trên 10 năm tuổi được trồng lại sau khi cơn bão số 9 quét qua làm gãy đổ nhiều. Ngoài ra, trong những ngày qua, hàng nghìn lượt học sinh ở các trường trong TP cũng hưởng ứng festival bằng cách ra quân quét dọn đường phố, ngõ hẻm ở tất cả các con đường chính trong nội thị.

Ra mắt trống đồng, chiêng đồng lớn nhất Việt Nam

Theo NSƯT Thu Hà - phó tổng đạo diễn chương trình, sau hơn một tháng tập luyện, 3.000 học sinh, sinh viên và nghệ nhân ở các huyện trong tỉnh Gia Lai cùng hàng trăm diễn viên (sinh viên của Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội và diễn viên của vũ đoàn Sài Gòn) sẽ có mặt tại Pleiku để hợp luyện chuẩn bị cho tổng duyệt vào các ngày 10 đến 12-11.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách mời và du khách đến Gia Lai nhân dịp festival, Sở Giao thông vận tải Gia Lai đã điều phối gần 30 chiếc xe chất lượng cao (từ 16-45 chỗ ngồi) để phục vụ. Sở Giao thông vận tải cũng phối hợp với các công ty tổ chức khai thác năm tuyến xe buýt phục vụ lễ hội với tần suất 15 phút/chuyến (tuyến nội ô) và 30 phút/chuyến (tuyến Biển Hồ, Ia Ly, Ayun Hạ).

Phúc An
Theo kế hoạch, festival sẽ có 15 chương trình hoạt động như: trình diễn cồng chiêng (từ ngày 13 đến 15-11) tại công viên văn hóa Đồng Xanh, công viên Diên Hồng và khu du lịch sinh thái về nguồn; phục dựng một số lễ hội tiêu biểu của đồng bào các dân tộc như lễ đâm trâu mừng chiến thắng của người Ba Na, lễ mừng lúa mới của người Gia Rai, hội thảo quốc tế với chủ đề “Sự biến đổi kinh tế - xã hội và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và các nước trong khu vực”, hội làng nghề thủ công truyền thống, triển lãm cồng chiêng, triển lãm sinh vật cảnh...

Ngoài ra, festival lần này còn giới thiệu cho du khách những nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Tây nguyên nói riêng, cả nước nói chung cũng như của các nước trong khu vực với khoảng 100 món ăn tiêu biểu.

Trong dịp này, tỉnh Gia Lai sẽ trưng bày bức tranh gò đồng lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của Gia Lai. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh Gia Lai còn giới thiệu chiếc trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt Nam với đường kính 1,52m, nặng 1 tấn. Trong khi đó, tại công viên văn hóa Đồng Xanh, Công ty cổ phần Văn hóa du lịch Gia Lai đã cho đúc chiếc chiêng đồng lớn nhất Việt .

Chiêng đồng có đường kính 2,5m, trọng lượng 700kg, do các nghệ nhân ở làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Quảng ) thực hiện. Đây là loại chiêng có núm, với ba vòng tròn đồng tâm, hoa văn trang trí đẹp mắt, tinh xảo với hình ảnh đồng bào các dân tộc Tây nguyên nắm chặt tay nhau trong một vòng xoang.

                                                                                                                  Theo TT






Các bài mới
Các bài đã đăng
(06/11/2009)