Tạp chí Sông Hương -
Đời sống nghệ sĩ, nhạc sĩ cải lương ở TPHCM - Nỗi lo nghèo nghề!
10:25 | 09/11/2009
Mấy năm gần đây, mặc dù tình hình sàn diễn cải lương ở TPHCM không còn sôi động như trước, nhưng cuộc sống của các nghệ sĩ cải lương không vì thế mà giảm theo. Hiện nay, có không ít nghệ sĩ cải lương đang ăn nên làm ra, thu nhập đều đều mỗi tháng tệ lắm cũng không dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, ai cũng thừa nhận một điều, rằng tiền thì không thiếu, nhưng nghề thì có điều gì đó chưa ổn.
Đời sống nghệ sĩ, nhạc sĩ cải lương ở TPHCM - Nỗi lo nghèo nghề!

Nghệ sĩ đắt show

Nếu như nhìn vào giá tiền cát-xê của nhiều nghệ sĩ cải lương hiện nay thì thấy thu nhập hàng tháng của mỗi nghệ sĩ không phải là thấp. Theo tiết lộ của vài nghệ sĩ cải lương, nếu so với các nghệ sĩ ở lĩnh vực kịch nói, thu nhập của họ cao hơn nhiều, hay nói đúng hơn là chỉ thấp hơn… ca sĩ một chút! Với một nghệ sĩ có chất giọng khá, bình quân thu nhập mỗi tháng được mười mấy, hai mươi triệu đồng là bình thường.

Chẳng nói đâu xa, một anh chàng chạy xe ôm, sau khi được phát hiện từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, nhờ có giọng ca hay, được một số chủ doanh nghiệp thích, mỗi khi tổ chức tiệc tùng đều mời anh đến hát vài bản vọng cổ. Khi ra về, anh đều được các chủ doanh nghiệp này bồi dưỡng vài ba triệu đồng. Mỗi tháng, trung bình giọng ca này nhận được 4 – 5 lời mời đi hát như thế nên thu nhập cũng khá ổn định, đời sống được cải thiện thấy rõ.

Với những giọng ca có thâm niên hơn, từng đoạt 1 – 2 giải thưởng, chưa phải là hàng “sao” thì mỗi lần đi show ở các tỉnh, dù diễn trong một chương trình đại nhạc hội hay các hội chợ hàng tiêu dùng, ngoài được lo ăn ở, tiền cát-xê cũng được vài triệu đồng cho một lần biểu diễn 2 bản vọng cổ. Còn đối với các “sao” sân khấu cải lương, tiền cát-xê đi tỉnh hát, mỗi lần cũng được 7 – 8 triệu đồng hoặc hơn 10 triệu đồng/đêm diễn, tùy theo xa – gần và sự “thân quen” của bầu show.

Bên cạnh đó, theo nghệ sĩ T. cho biết, thời gian gần đây, nhiều gia đình yêu thích cải lương mỗi khi tổ chức tiệc tùng hay mời các nghệ sĩ đến góp vui. Mỗi tháng, 1 nghệ sĩ cũng có được cỡ 10 show hoặc 15 – 20 show. Mỗi show, tiền cát-xê của mỗi nghệ sĩ cũng tùy thuộc vào mức độ hay - dở của giọng ca và sự nổi tiếng của từng người.

Trong một lần trò chuyện, đôi nghệ sĩ ưu tú tài danh M. V – L. T. kể, vài năm trở lại đây, cả hai anh chị bỗng dưng… có duyên đi show dự đám cưới của nhiều cô dâu, chú rể ở các tỉnh miền Tây. Thậm chí, nhiều hôm, cả hai anh chị mệt quá hát không nổi, bà con chỉ yêu cầu… có mặt, chụp hình chung cô dâu, chú rể và quan khách là hạnh phúc rồi.

Ngoài ra, theo một số nghệ sĩ cải lương, thời gian qua, lượng Việt kiều về quê làm ăn, thăm gia đình khá nhiều và các Việt kiều cũng thường xuyên mời các nghệ sĩ đến gia đình hát, góp vui. Và đương nhiên, mỗi lần đi hát như vậy, mỗi nghệ sĩ cũng nhận được từ một vài trăm thậm chí cả ngàn đô la.

Với nhiều hình thức hoạt động đi show, biểu diễn như thế, nhìn chung thu nhập, đời sống của các nghệ sĩ cải lương hiện nay khá ổn định. Tuy nhiên, về nghề, về chuyên môn thì đang là một vấn đề nan giải – nỗi buồn không của riêng ai!

Nhạc sĩ cũng sống khỏe

Mặc dù thu nhập của các nhạc sĩ cổ nhạc hiện nay không nhiều bằng các nghệ sĩ, nhưng nhìn chung, đều sống được với nghề. Theo nhạc sĩ Hoàng Thành, hiện nay với sự bùng phát của nhiều kênh truyền hình đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ cổ nhạc.

Một nhạc sĩ, nếu chịu khó chạy show, trung bình mỗi tháng cũng được từ 7 – 8 triệu đồng trở lên, chưa kể thu nhập từ việc dạy đàn cho các bạn trẻ yêu thích. Chính vì thế, đời sống của các nhạc sĩ hiện nay cũng được cải thiện đáng kể.

Nhạc sĩ Huỳnh Tuấn, một gương mặt trẻ có ngón đàn kìm được xem là hay nhất của làng cổ nhạc hiện nay, cho biết, các show đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi… cũng nhiều, nếu anh em nhạc sĩ nào không ngại, chấp nhận chạy show, thu nhập cũng khá.

Đồng thời, gần đây, nhu cầu làm đĩa nhạc cổ của các bạn trẻ cũng nhiều nên thu nhập của nhạc sĩ cũng khá hơn. Tuy nhiên, những công việc hiện nay của các nhạc sĩ, nếu nói một cách nào đó thì chủ yếu vì kế sinh nhai là chính.

Nhạc sĩ Quang Dũng chia sẻ, dẫu biết rằng đi đánh đàn cho các đám tiệc tiền cũng rất nhiều, nhưng ngón đàn muốn vững vàng, ngày càng hay hơn thì những nơi này hoàn toàn không phù hợp. Anh cho biết thêm: “Sân khấu ngày xưa có được những danh cầm nổi tiếng, chứ thế hệ nhạc sĩ chúng tôi hiện nay, mỗi khi ai gọi mình là danh cầm đều cảm thấy ái ngại, không dám nhận, bởi danh cầm là phải thường xuyên có được những “sân chơi” – vở diễn để có thể so tài ngón đàn với nhau, nhằm nâng cao tay nghề – ngón đàn tuyệt đỉnh.

Còn giờ đây, sân chơi ấy, biết tìm đâu? Thậm chí, có hôm, trong một số chương trình truyền hình trực tiếp, có chúng tôi ngồi đánh đàn, nhưng một số nghệ sĩ thủ sẵn đĩa, lấy ra hát, không cần đến người đánh đàn. Mặc dù, sau đó chúng tôi cũng được nhận đủ tiền cát-xê, nhưng thú thật, lúc đó, trong mỗi người nhạc sĩ đều có chung cảm giác buồn…”.

Làm sao giữ “ngọc cho nghề”?

Trước thực tế trên, vấn đề đang đặt ra là làm sao để các nghệ sĩ, nhạc sĩ cải lương vừa có thu nhập ổn định, nhưng cái chất ngọc tinh túy nhất của nghề luôn được giữ vững, nếu không sân khấu cải lương sẽ ngày càng mai một. Điều này, đòi hỏi phải có sự đồng lòng, chung sức của các nghệ sĩ, nhạc sĩ, đơn vị tổ chức và cả các ngành, các cấp trong việc tăng cường sân khấu sàn diễn, thường xuyên dàn dựng vở diễn mới.

Theo nhạc sĩ Quang Dũng: “Hiện nay, sân khấu cải lương đang quá ít những sàn diễn, hiếm khi có vở diễn mới nên muốn có sự thay đổi nào đó sẽ rất khó…”.

Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng, trong mỗi nghệ sĩ, nhạc sĩ, bên cạnh biểu diễn mưu sinh cũng đều mong mỏi được làm nghề một cách thực thụ để nâng cao tay nghề. Nhưng cơ hội để họ được luyện nghề hãy còn quá hiếm hoi.

Nhạc sĩ Hoàng Thành suy tư: “Một khi sân khấu sàn diễn được chú trọng, được đầu tư, các nghệ sĩ, nhạc sĩ được biểu diễn trong một rạp hát có khán giả, chắc chắn ngón đàn của nhạc sĩ cũng bay bổng, có hồn hơn để nâng giọng ca của nghệ sĩ vút cao hơn, ngọt ngào hơn...”.

Nhạc sĩ Trường Sinh tâm sự: “Bây giờ thời buổi kỹ thuật hiện đại, các nghệ sĩ thường chỉ nhờ cậy chúng tôi làm đĩa nhạc các bài hát sẵn, để khi cần đi hát thì mang theo, chỉ cần bấm nút là hát vừa tiện lợi, lại đỡ tốn nhiều tiền. Có khi 1 bài vọng cổ, được làm nhạc sẵn chỉ có 200.000 đồng, nhưng nghệ sĩ có thể biểu diễn rất nhiều lần, thậm chí còn cho bạn bè mượn hát nữa…

Thử hỏi, khi nhạc sĩ, nghệ sĩ, mạnh ai nấy làm, tiếng đàn, giọng ca không hòa quyện vào nhau, làm sao hay được? Cứ đà này, rồi đây, sân khấu chỉ còn thợ đàn, thợ diễn, chứ hiếm có nghệ sĩ, nhạc sĩ một cách đúng nghĩa…”.

Nhiều nghệ sĩ tâm sự, trong cuộc sống tiền luôn rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả, bởi cái nghề làm ra tiền, chứ tiền khó tạo dựng nên nghề. Cho nên, bên cạnh việc đi show kiếm tiền, ai nấy đều mong muốn có được nhiều đêm diễn phục vụ quảng đại quần chúng. Nếu không, trong đời sống của người nghệ sĩ, chỉ giàu tiền mà nghèo nghề thì thật đáng lo ngại!

                                                                                                         Theo SGGPO







Các bài mới
Các bài đã đăng