Tạp chí Sông Hương -
Có chơi vơi khi xem “Chơi vơi”?
15:55 | 09/11/2009
Ám ảnh - đó là tâm trạng của hầu hết khán giả sau khi tiếp cận với Chơi vơi - bộ phim đoạt giải của Hiệp hội Phê bình quốc tế tại LHP Venice lần thứ 66...
Có chơi vơi khi xem “Chơi vơi”?
Cảnh trong phim "Chơi vơi ". Ảnh: TL

Hụt hẫng; chơi vơi; bứt rứt, khó chịu; nuối tiếc; đôi chút thất vọng…, mỗi người một tâm trạng- sự ám ảnh không giống nhau ấy đã làm nên “vị” của bộ phim mà chính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thừa nhận: “ Tôi không biết phải lý giải thế nào”.

Trước khi phim được khởi quay, Chơi vơi được những người trong cuộc “úp mở” là bộ phim về đề tài đồng tính nữ. Căn cứ vào sự mạnh tay xử lý các cảnh “nóng” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong phim Sống trong sợ hãi cách đây vài năm nhiều người suy Chơi vơi cũng sẽ “nóng” không kém và chờ đợi xem đạo diễn họ Bùi sẽ xử lý ra sao với những cảnh “nóng” mà hai nhân vật là nữ. Nghĩ thế, nên không ít người thất vọng. Điều này thể hiện rõ trong cuộc họp báo được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội với hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề “xử lý không tới về đề tài đồng tính”; “những cảnh nóng thể hiện quá chừng mức”, “tình cảm cũng như diễn biến tâm lý của các nhân vật không rõ ràng”... hay cái kết chơi vơi, lơ lửng khiến người xem hụt hẫng. Lại có người chất vấn đạo diễn về “thời đại” mà bộ phim thể hiện – nói đúng hơn là bối cảnh và không gian phim. Rằng, sao ở thế kỷ XXI lại có bà mẹ chiều con mù quáng đến thế; Hà Nội hiện đại sao mà nhếch nhác, rặt những ngôi nhà chắp vá, xập xệ, với những cầu thang nhỏ và tối như hũ nút, rồi tắc đường, nước ngập biến phố thành sông chỉ sau một cơn mưa; các nhân vật sống giữa Hà Nội hiện đại sao lại gội đầu bằng chanh và dùng gáo dừa... Liệu đây có phải là chi tiết “copy” và bắt chước phong cách dựng phim của Trần Anh Hùng trong Mùa hè chiều thẳng đứng hay không?... Trả lời những câu hỏi này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khẳng định khi tiếp cận với kịch bản của Phan Đăng Di anh cũng cảm nhận một điều gì đó không thông thường (chứ không phải là không bình thường) trong câu chuyện, tâm lý nhân vật, lời thoại và điều này đã cuốn hút anh một cách mạnh mẽ. Sự cuốn hút ấy đã ám ảnh anh. Anh đã để nhân vật tự do sống trong không gian của họ, nói những điều họ nghĩ, làm những điều họ muốn mà không can thiệp bằng những ý tưởng cao siêu này, nọ. Để rồi sau khi xem phim, đạo diễn thấy chơi vơi, các diễn viên cũng chơi vơi và khán giả thì mỗi người mỗi cảm xúc.

Với những người có kinh nghiệm sống, Chơi vơi được cảm nhận đúng với những gì mà các nhà làm phim muốn nói. Đó là những cảm nhận trực giác được làm dưới ánh sáng của lý trí về đề tài ẩn ức và tính dục. Các nhân vật trong phim dường như đều đang lạc lối một cách tự nhiên giữa cuộc đời. Duyên (Hải Yến đóng) lạc lối giữa cuộc hôn nhân vội vàng giản đơn với Hải (Duy Khoa đóng) và đắm say bản năng với một người đàn ông tên Thổ (Johnny Trí Nguyễn đóng). Cầm (Linh Đan đóng) lạc lối giữa tình yêu dành cho người bạn gái trong veo- Duyên. Vy (Linh Dung đóng) lạc lối trong cuộc tình đau đáu 6 năm với Thổ để rồi kết thúc bằng cái chết khi mà kịch tính chưa được đẩy đến ngưỡng.

- Chơi vơi khởi chiếu ngày 13.11 tại các rạp ở TP.HCM và Hà Nội
- Kinh phí Nhà nước đầu tư cho Chơi vơi là 1.690.000.000 đồng, trong khi số tiền chi phí cho bộ phim lên đến hơn 8 tỷ. Vì vậy, đây là bộ phim được tài trợ nước ngoài gây chú ý nhiều nhất.
Chơi vơi đã đối diện với “ẩn ức” một cách khá văn hóa. Có thể nhìn thấy sự dụng công, kỹ lưỡng của các nhà làm phim trong từng khuôn hình. Những góc máy thể hiện sự đè nén, sự vật lộn đấu tranh trong nội tâm của mỗi nhân vật; sự tiết chế về ánh sáng, màu sắc phim cũng vừa đủ để thể hiện sự nhập nhằng giữa tối và sáng; giữa đúng và sai; giữa khát vọng và hiện thực trần trụi. Nếu chủ ý nói về vấn đề ẩn ức bằng nghệ thuật, thì rõ ràng các nhà làm phim đã thành công. Bởi người xem đã cảm nhận được điều này thông qua những ám ảnh, kể cả những điều hợp lý và phi lý trong phim. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã may mắn có được dàn diễn viên hợp vai. Đỗ Hải Yến trong vai Duyên dường như đã thoát khỏi hình ảnh cô Pao ngây thơ, nhí nhảnh trong Chuyện của Pao với lối diễn chững chạc, đằm thắm, ít nhiều phá cách; ca sĩ Sao Mai Duy Khoa trong vai Hải (chồng của Duyên) thể hiện ấn tượng một gương mặt không thể có gì nhạt hơn được. Mà sự nhạt này chính là nguyên nhân tạo nên những ẩn ức cho Duyên và đẩy cô vào tay người đàn ông khác. Ấn tượng nhất trong dàn diễn viên là Linh Đan với lối diễn tiết chế, thể hiện những khát vọng nội tâm và ẩn ức tính dục qua đôi mắt, gương mặt. Những cảnh diễn của Linh Đan đã được nhà quay phim Lý Thái Dũng nhân cảm xúc bởi những vệt sáng đẹp thể hiện trên bờ vai, cánh tay của nhân vật ở những góc độ diễn xuất khác nhau. Một sự thành công khác không thể không nhắc tới- đó là âm nhạc của Ngọc Đại. Những âm thanh hoang dại và cũng nhiều... ẩn ức trong âm nhạc Ngọc Đại đã thực sự khiến hình ảnh phim cất cánh ở nhiều trường đoạn. Ban đầu, Bùi Thạc Chuyên mời Quốc Trung làm nhạc, nhưng rồi Ngọc Đại đã nhập cuộc vào giờ chót. Anh bảo: “ Tôi giận Chuyên vì mời tôi quá muộn, chỉ sau khi bộ phim hoàn thiện 7-8 ngày. Tôi đòi xem bản phim gốc; nghe bản nhạc gốc của Quốc Trung. Phải thực sự yêu bộ phim này tôi mới nhận lời và sự thực thì các nhà làm phim đã chọn sẵn nhạc rồi- những giai điệu trong đêm nhạc Đại Lâm Linh tổ chức tại Nhà hát Lớn hồi đầu năm 2009. Tôi chỉ “mông má” lại tí chút”.

Dẫu vậy, vẫn phải khẳng định Chơi vơi là bộ phim kén khán giả và không phải ai cũng dễ dàng đồng cảm với cách làm của đạo diễn cũng như số phận của các nhân vật trong phim. Nhưng so với mặt bằng của phim Việt thì Chơi vơi thực sự là một tác phẩm nghệ thuật đáng xem. Những cố gắng của các nhà làm phim Chơi vơi đã được ghi nhận bằng giải thưởng của Hiệp hội Phê bình phim Quốc tế tại LHP Venice lần thứ 66 vừa qua. Ở thời điểm hiện tại, đối với một bộ phim VN đó là vinh dự không dễ có.

                                                                                                                    Theo VH






Các bài mới
Các bài đã đăng