Tạp chí Sông Hương -
Tiến tới Liên hoan phim VN lần thứ 16: Phim Việt hướng ngoại và hướng nội
16:15 | 09/11/2009
Nếu xem kỹ các phim truyện nhựa VN "nổi đình đám" thời gian gần đây, thấy nổi lên xu hướng: Phim các đạo diễn trong nước đang hướng ra phía bên ngoài - trời Tây - nhiều hơn, còn phim đạo diễn Việt kiều lại hướng về bên trong - khán giả Việt - nhiều hơn.
Tiến tới Liên hoan phim VN lần thứ 16: Phim Việt hướng ngoại và hướng nội
Phim "Huyền thoại bất tử" của đạo diễn Việt kiều Lưu Huỳnh.

Hướng ngoại

Như phim "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dự một số liên hoan phim quốc tế danh giá và gây được ít nhiều chú ý đối với phim VN, giành được một giải "triển vọng" của Hiệp hội các Nhà phê bình điện ảnh quốc tế, khi chiếu trong nước thì có nhiều phản ứng khác nhau. Khen có, chê có, nhưng dù là khen thì cũng nhìn nhận "Chơi vơi" hướng ngoại nhiều hơn.
 
Đạo diễn Lê Hoàng - trên một tờ báo, cho rằng đây là thuộc dòng phim tác giả, không quan tâm nhiều đến khán giả đại chúng. Với một số nhà báo trực tiếp xem thì nói phim khó hiểu và kết thúc lửng lơ, dù thừa nhận những sáng tạo, tìm tòi của đạo diễn cũng như chất lượng kỹ thuật hoàn hảo của phim.

Vì cách hành xử, tâm lý của hai cô gái như Duyên (Hải Yến) và Cầm (Linh Đan), không giống như những cô gái Việt. Làm gì có chuyện một cô gái có vẻ ngoan ngoãn, hiền thục lấy chồng mà chấp nhận chồng tối nào cũng lăn ra ngủ như chết; để rồi dễ dàng ngã vào vòng tay một anh chàng lạnh lùng man dại. Ơ phía ngược lại, anh chàng Hải dù "công tử bột" núp váy mẹ lại không có tí ham muốn nào với vợ, cũng khó tin vì anh ta hoàn toàn bình thường...

Nhưng nghệ thuật sao cứ phải nhăm nhăm đi tìm cái "đúng". "Chơi vơi" là phim tác giả và như thế nó không đi theo quy luật thông thường mà chỉ theo quy tắc trò chơi sáng tạo riêng của đạo diễn. "Chơi vơi" không dành cho số đông khán giả Việt.

Phim "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Vinh Sơn, nội dung hướng về khán giả Việt, nhưng thực sự cách làm mang hơi hướng của phong cách làm phim của đạo diễn bậc thầy Yasujiro Ozu (Nhật Bản) như chính Vinh Sơn thừa nhận. Vinh Sơn hướng tới một lối làm phim tinh tế, trầm tĩnh như Ozu, miêu tả những câu chuyện bình thường trong gia đình, không trực tiếp đụng chạm đến kịch tính mà chỉ đụng tới những phần ngoài kịch tính mà qua đó người xem hiểu hết kịch tính.

Nhịp điệu chậm rãi của "Trăng nơi đáy giếng" đến mức sốt ruột, chủ đích của phim hướng về các liên hoan phim quốc tế nhiều hơn. Và thực sự, khán giả tại các liên hoan phim quốc tế đặc biệt quan tâm, thắc mắc về lối sống, quan điểm sống của một cô Hạnh lúc đầu "nhẫn nhục", sau phản kháng để sống "thiền" một mình...

Đạo diễn Vinh Sơn - khi trả lời Tuổi Trẻ online về dự báo khán giả Việt xem phim ra rạp - cũng thừa nhận: "Tôi thật sự tự tin với việc phim mình sẽ ít có người xem. Tôi đã biết điều này từ trước khi thực hiện phim và đó là chọn lựa của tôi". Và theo như công bố với báo chí, sau đợt ra rạp, "Trăng nơi đáy giếng" bán được khoảng 2.000 vé.

Hướng nội

Trong khi đó, "Huyền thoại bất tử" (ảnh) của đạo diễn Việt kiều Lưu Huỳnh hướng về khán giả trong nước rõ rệt. Câu chuyện về nhân vật Long (bị nhiễm chất độc da cam từ nhỏ) muốn đưa hài cốt của mẹ nuôi - một võ sư Bình Định - về Mỹ bên cạnh người cha quá cố của mình. Dọc đường gặp bao trắc trở, cô gái trẻ tên Trinh trở thành bạn đồng hành của Long.

Chuyện lừa tình qua mạng, lấy chồng ngoại.... cũng được lồng vào phim cho "thời sự". Đây là phim mang tính nhân văn sâu sắc, làm nhiều người xem xúc động, dù nhiều tình huống phi hiện thực, những pha võ thuật hơi bị lạm dụng (để ăn khách), Dustin Nguyễn với vai Long có vẻ ngoài ngây ngô, nhưng bên trong là một trái tim nhân hậu, đầy yêu thương đã trở thành nam diễn viên xuất sắc nhất tại giải Cánh diều và nam diễn viên nước ngoài xuất sắc nhất tại LHP Busan (Hàn Quốc) mới đây.

Một ví dụ khác, phim "Cú và chim se sẻ" của đạo diễn Stephane Gaugher (người Mỹ với một nửa dòng máu Việt), với một sự nối kết khéo léo của ba thân phận: Cô bé 10 tuổi mồ côi, nữ tiếp viên hàng không cô đơn và anh chàng nhân viên sở thú thất tình giữa Sài Gòn náo nhiệt, đông đúc, để gửi gắm thông điệp về lòng yêu thương cần thiết ở trên đời. Ba nhân vật, 5 ngày, cách kể của Gaugher đầy ắp chất liệu sống, với nhiều chi tiết sống động của một Sài Gòn đương đại, rất VN, tiết tấu phim nhanh mang phong cách phim tài liệu.
 
Trong đó, con mắt xanh của đạo diễn đã tìm ra một cô bé Phạm Thị Hân diễn xuất hồn nhiên, sinh động. "Cú và chim se sẻ" đã giành nhiều giải tại các liên hoan phim quốc tế và ở VN đã giành giải báo chí bình chọn tại Giải Cánh diều, thực sự là phim dành cho khán giả Việt. 4 phim trên sẽ dự liên hoan phim VN lần thứ 16 từ ngày 8 - 12.12.2009 tại TPHCM.

Hướng ngoại hay hướng nội? Đó là sự lựa chọn dựa trên cá tính sáng tạo của đạo diễn. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu có được sự dung hoà cả hai. Bởi lẽ phim Việt - nhất là của những đạo diễn VN, trước khi chinh phục khán giả quốc tế, nên làm cho đông đảo khán giả Việt xem và yêu thích!

                                                                                                           Theo LĐ







Các bài mới
Các bài đã đăng