Cuối tháng 10.2009, Reuters đưa tin họa sĩ Stephen Wiltshire đã hoàn tất những nét cuối cùng cho bức tranh toàn cảnh thành phố
New York dài gần 6m. Sau 20 phút đáp trực thăng rảo quanh bầu trời có tượng Nữ thần tự do, Stephen mất 5 ngày họa lại theo trí nhớ trọn vẹn những gì đã thấy. Sự kiện nhắc nhớ chuyện 22 năm trước khi Stephen còn là đứa bé 12 tuổi. Ngày ấy, BBC phát sóng chương trình giới thiệu cậu như một thần đồng mắc bệnh tự kỷ có tài vẽ bằng ký ức. Đoạn phim chiếu từ đầu đến cuối cảnh Stephen phóng bút phác họa lại chính xác từng chi tiết nhà ga St Pancras, nơi cậu vừa quan sát trước đó vài giờ. Mọi sự những tưởng sẽ bị lãng quên. Thế nhưng giờ đây, với tác phẩm
New York hoành tráng, người ta mới hiểu Stephen Wiltshire không phải là một thần đồng “sớm nở tối tàn”.
Vẽ để sống bình thường
Hơn ba thập niên trước, một góa phụ da màu ở London dẫn con đến trường, lòng vừa sầu vừa lo. Nỗi buồn chồng mất vì tai nạn giao thông vẫn còn chưa dứt. Stephen, cậu con trai 5 tuổi mắc chứng tự kỷ, vẫn chưa nói được tiếng nào từ khi lọt lòng. Bà không biết cậu bé sẽ được gì từ ngôi trường trẻ khuyết tật Queensmill khi căn bệnh chậm phát triển nhân cách quái ác luôn là đà cản một đứa bé thành người bình thường. Bà chỉ mong con sống vui. Và Stephen Wiltshire đã sống vui thật sự, nhưng theo một cách khác. Cũng giống như bao trẻ tự kỷ, ở trường Stephen có lúc sống xa cách, thu mình, đầu óc xa xăm. Lại có lúc cậu vô cớ chạy quanh các phòng lớp. Chỉ những khi trên tay có bút chì và trước mặt là mảnh giấy cậu mới đắm mình vào từng nét vẽ nguệch ngoạc.
Thành tựu
* Năm 2006, Stephen Wiltshire nhận Danh dự bội tinh của Hoàng gia Anh. * Năm 2008, ABC News tuyên dương anh là Nhân vật của tuần. * Năm 2009 anh là đại sứ của Ngày nghệ thuật Thiếu nhi tại đảo quốc sương mù.
|
Niềm say mê vẽ thành hành trang để Stephen hòa nhập cộng đồng xã hội bắt đầu như thế. Cậu vẽ bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Cứ sau khi quan sát là thầm lặng hí hoáy. 8 tuổi Stephen đã có tranh chì than khổ rộng, họa cảnh xe cộ phố xá tang thương sau một trận động đất tưởng tượng. Các thầy cô vừa khuyến khích cậu trò nhỏ đáng thương vẽ vời vừa tập cho cậu học nói. Họ đã lấy chính niềm đam mê của Stephen thành công cụ truyền đạt những bài học tập phát âm khó khăn. Bộ tranh các địa điểm cảnh trí London được thực hiện theo vần mẫu tự chữ cái, vừa là tác phẩm ngày Stephen lên mười, vừa là thành quả của thầy cô khi cậu bập bẹ được trọn vẹn những câu nói ngọng nghịu.
Mê vẽ nhưng Stephen lại đắm đuối nhất với nhóm hình công trình kiến trúc. Những gì cậu thể hiện trên giấy thật chính xác, chi tiết và đúng luật hội họa như đối xứng, phối cảnh, tỷ lệ… một cách hoàn toàn vô thức. “Đối tượng” càng hoành tráng, chi li, cậu càng thích. Lướt mắt qua tấm hình một tòa nhà hay chỉ cần nhìn chúng qua ô cửa xe buýt đang chạy là đủ để Stephen nhớ lại, họa như “nhân bản”. Ngay cả từ hình chụp hai chiều cậu cũng cho ra được một bức vẽ sao chép nguyên xi, nhưng lại là ba chiều. Cũng như những “thần đồng” khác, cộng thêm chứng tự kỷ, Stephen Wiltshire vẽ theo bản năng, không xác định trường phái, công thức hay quy ước gì của giới cầm cọ. Đến khi được lên màn hình nhỏ năm 1987, cậu đã có nguyên bộ sưu tập tranh mang tên Drawings được xuất bản ngay năm đó. Thời gian kế tiếp là sự ra đời của những bộ sách tổng hợp các bức vẽ về đô thị, thành phố thế giới. Việc được xã hội quan tâm là phương thuốc thần đẩy lùi dần chứng bệnh tự kỷ để Stephen trưởng thành. Năm 1998, anh tốt nghiệp phổ thông và theo học hội họa bài bản ở Viện nghệ thuật City and Guilds of London.
Trí nhớ hình họa siêu phàm
Trong một cuộc phỏng vấn, chàng họa sĩ Stephen đã khôi hài phát biểu, mình sinh ra là để đi… trực thăng. Quả thực, sau khi các bộ sách tranh vẽ của anh trở thành best-seller, các “đơn đặt hàng” vẽ toàn cảnh từng thành phố đến tới tấp. Tất nhiên chỉ có trực thăng là phương tiện lý tưởng nhất để anh thu vào tầm mắt và trí nhớ tất cả những công trình dưới đất, từ gần đến xa tít chân trời. Bắt đầu là London, thành phố quê hương anh yêu quý. Kế đến là những địa danh đặc biệt như Venice,
Amsterdam . Năm 2005, Stephen vẽ
Tokyo trên cuộn giấy 10m. Sau đó là Rome, Hồng Kông, Frankfurt, Madrid, Dubai và
Jerusalem . Trí nhớ siêu phàm của anh là những gì thế giới khó hiểu nhất. Họa sĩ thường ngồi nhìn cảnh để vẽ đã mất thời giờ lại chưa chắc chính xác, huống hồ chỉ nhìn lướt rồi hạ bút như anh. Trong cảnh tranh London người ta đếm được 12 công trình lớn và 200 tòa cao ốc, đúng như cảnh thật bên ngoài. Khi vẽ
Rome , các chi tiết được thể hiện trên giấy canvas làm người xem sững sờ. Họ có thể đếm đủ số hàng cột ở điện Pantheon hay số ô còn lại của phế tích đấu trường Colosseum. Chẳng ai cắt nghĩa được làm cách nào các neuron thần kinh phần lưu giữ và truy xuất của bộ não Stephen “thâu vào nhanh, truyền ra đủ” đến mức thần kỳ như thế.
Chàng họa sĩ của phố thị
Hồi nhỏ người ta gọi anh là thần đồng. Bây giờ các từ ấy lại là “thiên tài, dị nhân”.
Sau London, New York là thành phố anh ưa thích thứ nhì. Thảm kịch 11.9 quá sốc nên anh trù trừ mãi tới năm 2009 mới đặt bút mô tả cảnh một New York thiếu World Trade Center để hoàn tất bộ lịch “The Stephen Wiltshire Calendar 2010”. Giờ đây tên Stephen Wiltshire đã quen thuộc với các phương tiện truyền thông đại chúng. Tranh anh đã nằm trong nhiều gallery. Anh cũng đã có nguyên một phòng trưng bày tại London do bà chị Annette lập cho.
Ngày ngày người khu phố hay thấy một anh chàng vừa đi vừa nhún nhảy theo tiếng nhạc, mắt ngước lên trời; hoặc ngồi bên ô cửa kính trên xe buýt hai tầng, thảnh thơi ngắm phố xá. Khi Stephen Wiltshire đứng trước gương, sửa cà-vạt, tự khen mình bảnh trai và nở nụ cười, thực sự cậu bé tự kỷ ngày nào đã biến mất.
Theo TNTT>
|