Tạp chí Sông Hương -
Sân chơi âm nhạc: Bao giờ mới là 'bệ phóng'?
14:42 | 11/11/2009
Cùng với sự nở rộ các kênh truyền hình giải trí, hàng loạt những sân chơi âm nhạc được quảng cáo là các “bệ phóng tài năng” ra đời. Nhưng bao nhiêu trong số đó vượt được ra khỏi tính chất “chơi” để “phóng”?
Sân chơi âm nhạc: Bao giờ mới là 'bệ phóng'?
Sự thể hiện của 'Sao Mai' Phạm Anh Khoa sau cuộc thi vẫn chưa thực sự ấn tượng (Ảnh: Internet)

Bắt đầu từ Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc, khi một số ca sỹ đoạt giải tranh thủ được cơ hội để phát triển sự nghiệp, nhiều người kỳ vọng vào khả năng “bệ phóng” của sân chơi âm nhạc trên truyền hình. Đó là "bàn đạp" cho sự ra đời hoặc phát triển của một loạt chương trình như: Ngôi sao tiếng hát truyền hình TP.HCM (Đài TH TP.HCM), Tiếng hát mùa thu (Đài TH Hà Nội), Sao Mai điểm hẹn (VTV), Thần tượng âm nhạc Việt Nam (HTV- mua bản quyền từ format, thành công vang dội tại Mỹ America Idol), Tuổi đời mênh mông, Tiếng ca học đường, Hoà nhịp bạn trẻ, Bệ phóng âm nhạc… Và nhiều cuộc thi chỉ xuất hiện một lần khác.

Nếu xem lại lịch sử các sân chơi âm nhạc truyền hình nổi tiếng, dễ nhận thấy những ngôi sao được “phóng” lên “bầu trời âm nhạc” lung linh chỉ là thiểu số, mà "cái bệ" lại do chính năng lực thực thụ của họ hoặc một may mắn đến từ bên ngoài sân chơi.

Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc (nay là giải Sao Mai) ra đời từ năm 1997, 2 năm tổ chức 1 lần với mỗi năm tìm ra ít nhất 5 – 7 người để trao giải. Nhưng đến thời điểm này, Thanh Sử, Thanh Thuý - hai giải nhất của hai kỳ liên hoan đều hoặc 'lặn mất tăm', hoặc lận đận mãi vẫn chưa thành “sao”. Phương Nga, Vương Dung, Hoàng Tùng – ba giải nhất khác dù gây ấn tượng với công chúng nhưng sau cuộc thi lại không có những hoạt động nổi bật nào tương xứng với danh hiệu họ đạt được.

Trong khi đó, những cái tên như Trọng Tấn, Hồ Quỳnh Hương, Kasim Hoàng Vũ, Khánh Linh… "trụ" lại trong đời sống âm nhạc sau thành công gặt hái từ cuộc thi thấy rõ được là do những nỗ lực tự thân không ngừng của chính họ.

Tiếng hát mùa thu (tiền thân là cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội) với thâm niên 7 kỳ tổ chức, tìm ra khá nhiều nhân tài cho nhạc Việt như Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương, Phương Anh, Anh Thơ… nhưng chẳng mấy ai biết tới những ngôi sao kia khởi động sự nghiệp từ sân chơi này(!).

Vietnam Idol 2007 tìm thấy Phương Vy ở ngôi vị cao nhất, và cũng chỉ có Phương Vy được Music Face của nhạc sỹ Đức Trí mang về “lò luyện sao”. Thêm Trà My may mắn gặp “đại gia” Hà Dũng và trở thành cái tên “hot” của dòng nhạc thị trường. Còn lại các thí sinh Top 10 khác hầu hết đang trong quá trình tìm cơ hội. Đến vị trí thứ nhì của Ngọc Ánh tưởng rằng sẽ đưa anh lên cao nhưng cuối cùng lại là “Idol” im hơi lặng tiếng nhất.

Thế nên dễ hiểu khi vì sao Vietnam Idol của năm thứ 2 – năm 2008 – đã không còn được kỳ vọng nữa. Cái tên đăng quang Trần Quốc Thiên nhạt nhoà trong trí nhớ của người yêu nhạc dù cũng được Music Faces hứa hẹn đầu tư. Tần suất xuất hiện của anh quá ít ỏi và không có bài hit nào đủ nặng để khán giả nhớ tới.

Nóng nhất và được kỳ vọng nhất chính là sân chơi Sao Mai điểm hẹn. Tiếng vang của lần tổ chức đầu tiên với hầu hết các thí sinh vào vòng trong đều có sự nghiệp sau cuộc thi như Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Mỹ Dung, Ngọc Khuê, Thái Thuỳ Linh, Lưu Hương Giang, Cao Thái Sơn… đã tạo nên uy tín đáng nể cho sân chơi này. Sau đó là Phạm Anh Khoa, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Ngọc Anh, Minh Thư, Hoàng Hải. Sau đó nữa thì… chưa thấy ai. “Cú đúp” Hoàng Nghiệp - người đoạt cả giải của Hội đồng nghệ thuật lẫn bình chọn khán giả - gần như biến mất. Duy Khoa thì lấn sân sang điện ảnh, truyền hình. Mạnh Quân vẫn chỉ thành công ở vai trò nhạc sỹ dòng nhạc thị trường. Khắc Hiếu, Hoàng Yến, Hoàng Hường vẫn chỉ để lại những dấu ấn mờ nhạt, không mấy ấn tượng.

Nhìn nhận lại, những thể hiện của “quý ông của Sao Mai điểm hẹn” Phạm Anh Khoa 'hậu' Sao Mai không thực sự ấn tượng, không tương xứng với ngôi vị của anh cũng như anh chưa tự nâng cấp khả năng, chưa khai phá hết nội lực của mình. Cùng cần nói thêm rằng, bản thân anh cũng như tất cả các đồng môn trên sân chơi này đều không được tạo một bệ phóng mạnh mẽ mà lẽ ra nhà đài hoàn toàn có thể làm được.

Việc ký hợp đồng với nhà đài trong 2 năm lẽ ra là một cơ hội lớn cho sự xuất hiện của họ trước công chúng. Và thực tế thì đúng là họ đã được tạo điều kiện để xuất hiện, nhưng không được tạo điều kiện để gây ấn tượng. Các sân chơi như Trò chơi âm nhạc, Bài hát Việt hay các chương trình âm nhạc khác từ lâu đã trở nên nhàm chán. Không ít liveshow Bài hát Việt, các Sao Mai phải lãnh nhiệm vụ thể hiện những ca khúc thiếu tính sáng tạo, không phù hợp với giọng hát, không tôn được giọng hát của họ lên. Vì thế, mỗi lần xuất hiện trên truyền hình là một lần có cơ hội được… nhạt nhoà.

Trong khi đó, dường như nhà đài không có ý định thay đổi tình trạng hiện tại. Việc tìm ra người giải nhất, giải nhì được coi là hết nghĩa vụ của bên tổ chức. Tiếp theo đó là các ca sỹ có trách nhiệm thực thi những gì đã ký kết, tham gia vào các chương trình của nhà đài theo yêu cầu. Không hề có những kế hoạch giúp đỡ họ có cơ hội phát triển ở giai đoạn tiếp theo, kế hoạch xây dựng hình ảnh của các Sao Mai, tạo lập các chương trình, các sân chơi cho những Sao Mai được tìm thấy, giúp họ ra album, làm liveshow (ít nhất là về mặt truyền thông).

Nhạc sỹ Huy Tuấn - người đồng hành với Sao Mai trong nhiều năm - thừa nhận: “Điểm hạn chế lớn nhất của sân chơi này là sự hỗ trợ cho các thí sinh sau cuộc thi chưa tốt. BTC có thể hợp tác với các nhà sản xuất âm nhạc bên ngoài để phần nào giúp các thí sinh đoạt giải có được sự tư vấn, định hướng cho việc phát triển nghề nghiệp vững chắc cũng như nhận được sự giúp đỡ một cách bài bản”.

Tuy nhiên, không một đài truyền hình nào tận dụng sức mạnh truyền thông của mình, cái công cụ hữu hiệu mà không có bộ máy công nghệ lăng xê bên ngoài nào sánh được để “phóng” các tài năng được tìm thấy thay vì chỉ phát hiện và… bỏ mặc. Không đài truyền hình nào có chiến dịch quảng bá cho các ngôi sao mà họ có công tìm kiếm và đánh bóng. Thậm chí là không có lấy một chương trình đầy đặn để giới thiệu, “lăng xê” về người đăng quang mà họ mất rất nhiều buổi phát sóng để chọn lựa. Cứ kết thúc đêm chung kết là kết thúc nhiệm vụ.

Cánh cửa của các đài truyền hình tưởng rằng quá rộng mở và hào phóng hoá ra lại vô cùng hạn hẹp cho những ca sỹ muốn 'lách vào' để tìm sự thành công hay nổi tiếng.

Đó là điều vô cùng đáng tiếc và lãng phí so với những gì mà nhà đài có thể làm được và làm được dễ dàng./.

                                                                                                            Theo Toquoc







Các bài mới
Các bài đã đăng