Mặc dù tác phẩm“Chuyện của thiên tài” (ảnh) được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, song không thể vì thế mà tác giả cho rằng giải thưởng này “vô tư và chất lượng hơn” giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
|
Không phải ai cũng biết, nhưng sự thực là, với cuốn tiểu thuyết "Chuyện của thiên tài", tác giả trẻ Nguyễn Thế Hoàng Linh đã được trao giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội cách đây ít năm. Chuyện một tác giả trẻ bỗng chốc được nhận một vinh dự lớn lao mà trước đây, thường chỉ dành cho các bậc cao niên là điều khiến dư luận ít nhiều xôn xao.
Nhưng rồi, thời gian trôi qua, sự xứng đáng hay không xứng đáng của giải thưởng nói trên cũng không còn là điều khiến mấy người bận tâm. Chỉ tiếc là, gần đây, trên một trang web, nhân trả lời câu hỏi của phóng viên: "Anh chị nghĩ thế nào về giải thưởng tư nhân và giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam", tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã có câu trả lời mà nhiều người cho là còn lấn bấn nhiều yếu tố cá nhân, chứng tỏ tác giả trẻ có thể đã trưởng thành trong văn chương nhưng còn "non bấy" trước xử thế cuộc đời.
Ấy là khi Nguyễn Thế Hoàng Linh nhận định thẳng tưng rằng: "Theo tôi biết thì giải thưởng Hội Nhà văn Việt không được giới chuyên môn đánh giá cao về sự vô tư lẫn chất lượng bằng giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội". Trước lời phát biểu mạnh mẽ này của tác giả trẻ, người đọc không thể không đặt câu hỏi: Giới chuyên môn ở đây là gồm những ai? Và thế nào thì được coi là "được đánh giá cao về sự vô tư lẫn chất lượng".
Hỏi vậy bởi trên số báo Hà Nội mới Cuối tuần (ra ngày 3/10 vừa qua), tôi đã đọc thấy những lời nhận xét về Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2009 như sau: "So với các năm trước, năm nay ba tác phẩm được trao giải thưởng xem ra có vẻ xứng đáng hơn cả. Nói như thế là có cơ sở, vì có năm Hội Nhà văn Hà Nội khá cực đoan và có phần thiếu công tâm khi trao giải thưởng cho một tác phẩm của NTHL".
Liệu tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã đọc những dòng này? Và anh có ý kiến gì? Tất nhiên, không ai cấm người nhận giải nói lời tri ân với những người trao giải, song bảo họ "vô tư" để rồi so sánh với những nơi khác và bảo nơi ấy người ta không "vô tư" (trong khi, để đi đến kết luận này thì phải quan sát, nghiền ngẫm thật nhiều, thật nghiêm túc), theo tôi là việc thực chẳng nên.
Gần đây, tôi có đọc trên báo bài phỏng vấn hai ông nhà văn, một ở trong Nam, một đang ngoài Bắc, về một số nhìn nhận, đánh giá của họ xung quanh việc họ có truyện được đăng trong một số tuyển tập.
Trong khi ông nhà văn phía Nam cứ tưng tửng trả lời một cách khách quan, sòng phẳng, kể cả việc ông có tác phẩm được đưa vào những bộ sách có cái tên mỹ miều: "hay", "đặc sắc", "chọn lọc", thì ông vẫn nghiêm khắc nhìn nhận: "trong ruột chưa hẳn đã "đặc sắc", "hay"... như ngoài bìa. Nhiều và nhanh như thế thì làm sao mà đặc sắc và hay được?".
Ông nhà văn phía Bắc thì lại có cách nhìn nhận khác: "Có tác phẩm được in trong tuyển tập với cái tên "hay", "đặc sắc", "chọn lọc" thì đương nhiên tôi phải thấy nó (tức cuốn sách ấy - NV) là đặc sắc và hay rồi". Chưa hết, tiếp đó, nhà văn này còn kể (như thể PR) cho một số biên tập viên của những NXB đã tuyển chọn tác phẩm của mình, rằng đó là những "nhà văn có số má".
Kể ra, trong danh sách mà ông nhà văn này nhắc tới, có những nhà văn cự phách thật, song không phải không có người chỉ đơn thuần là biên tập viên có quyền "gác cửa" xuất bản mà thôi.
Như vậy, cách trả lời trên vô hình trung đã khiến người đọc có cảm giác nó còn thiếu…khách quan…
Mặc dù là một tác giả trẻ khá nổi tiếng, song trong nửa đầu 2007, nhà thơ PHT thực sự trở nên tai tiếng bởi liên tiếp bị cáo phát 2 vụ đạo văn. Đó là vụ đạo bài "Ngô Kha - ngụ ngôn một thế hệ" của tác giả Hoàng Nguyên Vũ và vụ đạo bài viết về Thanh Tâm Tuyền của các tác giả Đặng Tiến, Bùi Bảo Trúc thành bài viết sử dụng trên cây thơ trong Ngày Thơ Việt lần thứ V ở sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Cả 2 trường hợp, tác giả PHT đều có lời xin lỗi, riêng vụ việc liên quan đến hai ông Đặng Tiến, Bùi Bảo Trúc, PHT còn có thư riêng, trong đó chị đã nhận thấy "việc làm của tôi thật đáng xấu hổ" và "qua đó quý vị có thể thấy rằng nó làm tổn hại đến tư cách đạo đức của một nhà thơ".
Vậy mà, sau đó ít ngày, trên một tờ báo, chị đã lại xem đây là một việc nhỏ, không thể gọi là "đạo văn" được, và có những câu trả lời tỏ ra rất bực bõ với người mà chị cho là cố chấp với sơ suất của mình. Không dừng ở đấy, trong một bài viết nhận định về vai trò của phê bình văn học đối với sáng tác, không biết có phải mang nặng ẩn ức từ vụ việc trước đó mà chị có những phát biểu có phần hàm hồ, thậm chí là kiêu căng, phách lối, như cho rằng "phê bình gần với chuyện phiếm hơn chuyện nghiêm túc", rằng "hiện nay phê bình đang đi sau tác phẩm của tôi, không bao giờ đi trước tác phẩm của tôi", rằng "trước khi viết, nhà phê bình nên gặp tác giả trò chuyện với tác giả một buổi", "còn nếu anh phê bình chỉ làm việc với văn bản và đưa cái cảm nhận chủ quan của mình vào thì anh ta phải chịu trách nhiệm".
Lạ thật, đòi hỏi một nhà phê bình trước khi viết phải gặp tác giả, vậy thì sự khách quan ở đâu? Chưa kể, với những tác giả đã khuất, hoặc ở xa, có cách nào để gặp được họ? Và nếu không gặp được như vậy thì đành "kính nhi viễn chi", đành gác bút không viết về họ nữa? Đòi hỏi như vậy là phi lý.
Chưa kể, nó còn thể hiện sự trịch thượng. Phản bác lại ý kiến này, ông Trần Quang Đại đã có một nhận xét tôi cho là chí lý: "Đối tượng quan trọng nhất mà nhà phê bình tiếp cận, làm việc là văn bản tác phẩm".
Theo tôi, việc nhà thơ PHT có cách kỳ thị với phê bình một cách vô lối như vậy có thể xuất phát từ những ẩn ức cá nhân của chị thôi. Cũng như việc, khi nghe tin một số tác giả trẻ thành danh mấy năm nay, khi làm tuyển tập thơ Việt thế kỷ XX, Ban Tuyển chọn sẽ dành đưa họ vào tuyển tập thơ của thế kỷ XXI, PHT đã có những ý kiến đanh gắt: "Vậy ai bầu nên Hội đồng tuyển chọn? Ai cho mình cái đặc quyền làm cho các đồng nghiệp "nam phụ lão ấu" run run xúc động khi được xướng danh trong tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ XX?". Làm như việc làm tuyển tập thơ là việc của mọi nhà, và nếu ai đó bỏ rơi tác phẩm của chị, không đưa vào bộ tuyển này thì là một sai sót lớn...
Nói "yêu nên tốt, ghét nên xấu", kể cũng không sai.
Theo VNCA
|