Tạp chí Sông Hương -
Cần có giải thưởng dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài
09:09 | 12/11/2009
Trước thềm Hội nghị quốc tế dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam 2010, dịch giả Ngân Xuyên (bút danh của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên) khẳng định với VietNamNet là “tôi ủng hộ hội nghị, nhưng phải làm thực chất để có kết quả”.
Cần có giải thưởng dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài

Văn học là chứng minh thư của nền văn hóa

Theo ông, Hội nghị dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam 2010 có ý nghĩa nhất ở điểm nào?

 – Trong các loại hình nghệ thuật thì nghệ thuật văn chương vẫn dễ phổ cập nhất. Vì văn chương sử dụng chữ viết. Mà so với các phương tiện biểu đạt của các loại nghệ thuật khác thì con chữ là đi được xa nhất, sâu rộng nhất vào lòng nhân loại. Các nước phát triển đều muốn mở rộng văn hóa nước mình ra các cộng đồng khác, mà văn học chẳng khác gì tấm chứng minh thư của một nền văn hóa.

Lấy ngay một tác phẩm văn học của nước ta đã nổi tiếng trên thế giới thì rõ. Đó là cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh. Cuốn này đã được dịch ra khoảng mười thứ tiếng, chủ yếu căn cứ vào bản dịch tiếng Anh, và được độc giả các nước đọc nhiều, đánh giá cao. Vì sao? Thứ nhất là vì độc giả được nhìn cuộc chiến tranh ở một góc nhìn khác, thứ hai là lối văn của anh ấy rất quyến rũ. Tôi đã đọc rất nhiều bài của các báo nước ngoài viết về cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh, tất cả đều viết về lối văn ám ảnh, dù là qua bản dịch nhưng vẫn ám ảnh độc giả, ám ảnh các cựu chiến binh.

Các sách của Nguyễn Huy Thiệp cũng đã được dịch khá nhiều ra mấy thứ tiếng, và có tiếng vang rộng lớn. Như vậy Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp đã đạt tới tầm cỡ của các đại sứ văn hóa. Nhiều khách nước ngoài tới Việt đều muốn được gặp hai nhà văn này. Đó là điều văn học đã làm được cho văn hóa Việt . Có những nhà văn như thế, có những bản dịch như thế, văn học Việt không ngại xuất ngoại, có thể hiên ngang sánh vai các nền văn học khác.

Ở ta từ trước đến giờ, hình như chưa hề có chiến lược giới thiệu văn học Việt ra nước ngoài cho có hệ thống, bài bản. Văn học Việt trước đây được giới thiệu ra ngoại quốc là nằm trong chính sách ngoại giao thời chiến, nặng về mặt chính trị, tư tưởng. Bây giờ tổ chức Hội nghị dịch thuật và quảng bá văn học trong một đường hướng lâu dài là giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, để thế giới biết Việt Nam là một quốc gia, một dân tộc, có lịch sử và truyền thống lâu đời, chứ Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh, thì quá đúng rồi.

Nhưng ta phải làm sao đây? Ta sẽ đưa cái gì ra giới thiệu cho người, ta phải tổ chức công việc như thế nào để cái ta đưa ra người ngoài đọc sẽ nhận ra ta, hiểu ta, muốn tìm hiểu ta? Vấn đề là ở đấy.

Cần một cuộc tổng kiểm kê đánh giá lại việc dịch văn học Việt . Chúng ta có gì để đưa ra cho bạn bè thế giới trong dịp này? Liệu có cập nhật được thời sự văn học đúng như nó diễn ra không? Liệu có chắc đây không phải chỉ là dịp để bắt tay, vỗ tay và… xoa tay hài lòng một cách rất đại khái theo kiểu “hội nghị đã thành công rực rỡ”?

Câu hỏi chúng ta có gì quả là rất khó trả lời. Vậy theo ông, chúng ta nên giới thiệu cái gì?

- Chúng ta có cái tật là làm cái gì cũng hay dây cà ra dây muống, mà không tính đến thời đoạn, thời điểm. Hội nghị dịch thuật và quảng bá văn học Việt (tên chính thức còn chưa được công bố) mở ra vào năm cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, thì phải bắt đầu từ hiện tại đó. Tập trung vào văn học hiện đại, mà cụ thể hơn nữa là văn học thời đổi mới. Chứ cứ dắt dây, bảo là phải có văn học cổ điển ư, phải có văn học chống Pháp, chống Mỹ ư..., thì bày ra lắm món rồi tản mạn, không chắc được món nào.

Văn học cổ điển Truyện Kiều đã có dịch, thơ Nguyễn Trãi đã có dịch, thơ Hồ Xuân Hương đã có dịch, thơ Lý Trần đã có dịch, rồi sẽ còn phải dịch nữa, nhưng là về lâu về dài. Văn học hiện đại Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận... đã có dịch. Trong văn học hiện đại thì mảng viết chiến tranh trước đây có một số tác phẩm đã được dịch, chủ yếu ở mấy nước xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy chắc chắn là ở thời điểm này, theo tôi, cần nên tập trung giới thiệu văn học đương đại. Đó là một đời sống văn học đang diễn ra, đang cập nhật, đang hội nhập, có tương quan so sánh được với văn học thế giới hiện nay. Nhìn sang văn học nước ngoài được dịch vào Việt thì thấy. Hầu hết các tác phẩm văn học đều là của hôm nay, bây giờ. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức lựa chọn, giới thiệu và dịch thuật thế nào để bức tranh văn học Việt Nam thời mới hiện ra trước mắt người đọc nước ngoài được phong phú, đa dạng, phản chiếu đúng diện mạo như nó có. Và phải là văn chương thực sự.

Được biết trong năm nay ông vừa cùng Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây (TTĐT) tham gia dịch một tập thơ của Thụy Điển ra tiếng Việt. Từ công việc đó, ông thấy có kinh nghiệm gì có thể giúp ích cho việc dịch văn học Việt ra nước ngoài?

- Tôi thấy cách làm của phía Thụy Điển rất hay, ta có thể học hỏi được. Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Thụy Điển - Việt Nam (1969 – 2009), trong các hoạt động kỷ niệm chào mừng giữa hai nước, phía bạn đề nghị Bộ VH, TT&DL ta dịch và giới thiệu một tập thơ Thụy Điển. Phía Thụy Điển đã làm một tuyển tập thơ nước họ thế kỷ XX rất công phu, kỹ càng, đã được dịch ra tiếng Anh. TTĐT “trúng thầu” vụ dịch này và đã tập hợp được một đội ngũ dịch giả tiếng Anh có uy tín, kinh nghiệm. Trong vòng hai tháng dịch xong, in thành một cuốn thơ Thụy Điển bằng tiếng tiếng Việt sang trọng, đón đoàn nhà thơ Thụy Điển sang ra mắt sách, giao lưu ở Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Sau đó, TTĐT đã thương lượng được với phía Thụy Điển dịch một tuyển thơ đương đại Việt ra tiếng Thụy Điển và xuất bản ở Stockholm . TTĐT đã nhờ tôi chọn thơ, bản thảo đã chọn xong, các bài được chọn đều sẽ có bản dịch tiếng Anh, từ đó các dịch giả Thụy Điển sẽ dịch ra tiếng nước họ.

Hiến kế cho hội nghị dịch thuật văn học Việt

Từ những kinh nghiệm lâu năm của một dịch giả và là người theo sát đời sống văn học với con mắt của nhà phê bình, ông “hiến kế” gì cho các nhà tổ chức hội nghị?

- Thứ nhất, mời được những dịch giả đích đáng, cả các dịch giả nước ngoài và dịch giả người Việt. Như trường hợp nhà thơ dịch giả Nguyễn Đỗ sống tại Mỹ cùng nhà thơ dịch giả Paul Houver đã rất có công dịch, giới thiệu, quảng bá thơ Việt Nam ở Mỹ. Họ đã dịch thơ Nguyễn Trãi, thơ các nhà thơ hiện đại Việt Nam, và công việc của họ đang gây được chú ý của giới xuất bản và độc giả Mỹ.

Thứ hai, có bản kiểm kê văn học Việt Nam dịch ra nước ngoài từ trước đến nay, in bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đưa cho các dịch giả để họ nắm được tổng quát tình hình ở khu vực hoạt động này: những tác phẩm nào đã dịch, dịch ra những tiếng nào, tác giả nào được dịch nhiều. Đây là tài liệu quan trọng nhất thiết phải có để các dịch giả nước ngoài làm căn cứ cho sự lựa chọn của mình, cũng như để họ biết nguồn tham khảo khi dịch.

Thứ ba, giới thiệu và đề nghị các dịch giả nước ngoài dịch ba tác giả: Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Nam Cao. Đặc biệt tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng đã có bản dịch tiếng Anh rất thành công của Peter Zinoman và Nguyệt Cầm in ở Mỹ năm 2007. Thơ Hàn Mặc Tử đã có tập tuyển “Vỹ Dạ” dịch ra tiếng Pháp. Truyện ngắn Nam Cao cũng đã có một tuyển tập in bằng tiếng Pháp. Tôi nói bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp vì đây là hai thứ tiếng phổ cập, và vì các dịch giả nước ngoài dịch từ tiếng Việt, nhưng cũng có khi chỉ dịch từ một thứ tiếng khác. Như Jan Ristarp trong đoàn Thụy Điển sang Việt vừa rồi, ông là dịch giả tiếng Anh và tiếng Pháp, đọc thấy tiểu thuyết của Ma Văn Kháng và Hồ Anh Thái qua bản dịch tiếng Anh thấy thích, thế là chuyển dịch sang tiếng Thụy Điển luôn.

Thứ tư, giới thiệu những ấn bản dịch đã có của văn học Việt ra các thứ tiếng, nhất là tiếng Anh. Thí dụ thơ Hồ Xuân Hương qua bản dịch của John Balaban, cuốn “Số đỏ” đã nói trên; các tuyển truyện “The Other Side of Heaven: Post-War Fiction by Vietnamese and American Writes”, “Love after War”, tuyển thơ “Black Dog, Black Night: Contemporary Vietnamese Poetry”, “Vietnamese Feminist Poems from Antiquity to Present”...; các tác phẩm của một số nhà văn đã được dịch: Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thân...

Thứ năm, tiến hành cuộc giao lưu tiếp xúc rộng rãi giữa các dịch giả dự hội nghị và các nhà văn nhà thơ Việt Nam ở Hà Nội và cả nước nếu biết hội nghị này có nhu cầu gặp mặt, để tự giới thiệu, tự quảng bá. Thời gian gần đây, nhiều nhà thơ của chúng ta cũng đã có ý thức tự giới thiệu mình bằng cách in các tập thơ song ngữ Việt – Anh để tiếp xúc với bạn bè thế giới. Hội nghị này là một cơ hội tốt cho họ, không nên hẹp hòi, giới hạn, chỉ khuôn trong hội trường, hay tốn thời gian vào những thù tiếp nghi thức, xã giao. Hãy cứ để rộng mở không gian cho những tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, đặt hàng giữa các nhà văn trong nước và các dịch giả nước ngoài trong và sau hội nghị.

Tôi không nói đến việc in các tuyển văn, tuyển thơ nhân dịp này để tặng các đại biểu vì đó là thông lệ ta hay làm. Thực ra, mấy ý nêu trên vẫn đang là ở cái thế ta phải ăn đong, ăn nhờ, có khi ăn chịu nữa. Nghĩa là vẫn thụ động. Về lâu về dài, ta phải chủ động trong việc này. Văn học của ta mà ta không biết cách tự giới thiệu, quảng bá thì trách sao được người ngoài không biết! Tương lai Hội Nhà văn Việt phải phối hợp với Bộ VH,TT&DL, Bộ Ngoại giao để có chiến lược lâu dài chủ động đưa văn học Việt ra nước ngoài. Phải tổ chức đồng bộ, bài bản, phải có được những bản dịch của mình để mở đường. Trong tinh thần đó, tạp chí “Văn chương Việt Nam” xuất bản bằng tiếng Anh cần được bù lỗ và duy trì, và phải tìm cách sao cho nó tồn tại và phát triển được trên thế giới.

Sau này, cần phải có các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, các tùy viên văn hóa phải được phổ biến thông tin và nắm được các nét phát triển của đời sống văn hóa, văn học. Họ không thể chuyên sâu như người làm văn hóa chuyên nghiệp nhưng họ phải hiểu biết về văn hóa để trở thành một kênh thông tin đưa văn hóa, văn học Việt ra nước ngoài. Một số trung tâm văn hóa và đại sứ quán các nước ở Hà Nội đã từng mời nhà văn nước họ sang Việt Nam giao lưu, còn như các đại sứ quán ta ở nước ngoài thì chưa có hoạt động này. Chưa có thì nên có, nên làm.

Hội nghị này là một cơ hội tốt nhưng không nên hình thức, lễ lạt, kéo đi chơi chỗ nọ chỗ kia. Chủ nhà và khách hãy ngồi vào bàn thảo luận cùng nhau: làm thế nào để đưa được văn học Việt ra nước ngoài có kết quả. Hãy nói thẳng vào vấn đề: Chúng tôi cần dịch văn học Việt ra nước ngoài, đề nghị các bạn hỗ trợ và hợp tác. Nó giống như một hội nghị khách hàng ấy, phải đi sâu vào công tác dịch thuật và xúc tiến thương mại văn học, đưa ra những điều kiện ưu đãi, tìm hướng đặt hàng cả dịch giả ta lẫn dịch giả bạn. Chứ không phải kiểu “bày bới ra”, cái gì cũng đặt lên mâm nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Dành nhiều thời gian cho các dịch giả phát biểu ý kiến và hiến kế, xem họ nhận xét thế nào, cần gì, làm cách nào…

Cần ghi nhận bằng cách trao giải thưởng

Theo ông, việc làm nào sẽ là thiết thực nhất khiến các dịch giả hào hứng và vinh dự góp công góp sức cho tiến trình quảng bá văn học Việt ?

- Tôi nghĩ đến một giải thưởng dịch văn học Việt . Trong nước hàng năm Hội Nhà văn Việt , Hội Nhà văn Hà Nội đều xét trao giải thưởng dịch văn học nước ngoài, căn cứ vào tác phẩm được chọn dịch và chất lượng bản dịch. Cũng như vậy, hàng năm hoặc vài ba năm một lần, một cơ quan nào đó trong nước, có thể là Hội Nhà văn Việt Nam, được phép của chính phủ xét trao thưởng cho một hoặc một số dịch giả nước ngoài đã có bản dịch hay tác phẩm văn học Việt Nam hoặc có sự nghiệp dịch văn học Việt Nam nổi tiếng, được đánh giá cao ở nước đó.

Giải thưởng này cần có tên gọi chính thức, có quy chế hẳn hoi, và được trao thưởng long trọng, đàng hoàng. Giá trị tiền bạc có thể không phải đã lớn, nhưng vinh dự thì phải cao. Tôi hình dung, giải thưởng dịch văn học Việt Nam khi đã được xét và quyết định, sẽ được thông báo cho dịch giả được giải, mời họ sang Việt Nam nhận, hoặc được ủy quyền cho đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại trao thưởng, người được giải sẽ nhận một tấm bằng ghi nhận, một tấm ngân phiếu, và sẽ đọc một bài phát biểu nhận thưởng. Một giải thưởng như thế tôi tin sẽ có tác dụng nâng cao vị thế của văn học Việt trên trường quốc tế.

Nếu từ nay đến khi tổ chức hội nghị, đề xuất này của tôi được chấp nhận, giải thưởng dịch văn học Việt được lập ra và xét trao, tôi xin đề cử hai trường hợp. Một là bà Kato Sakae, dịch giả Nhật Bản, người có công rất lớn đưa văn học Việt Nam tới công chúng xứ anh đào, và được độc giả Nhật Bản rất tín nhiệm qua các bản dịch. Thứ hai là giáo sư Peter Zinoman cùng vợ là Nguyễn Nguyệt Cầm ở Mỹ, người đã cùng vợ dịch “Số đỏ” sang tiếng Anh (2002), bản dịch được báo Los Angeles Times xếp vào danh sách 50 tác phẩm hay nhất trong năm ở Mỹ.

Cũng cần thông qua cộng đồng người Việt ở nước ngoài, họ là những cầu nối văn hóa, nhờ am hiểu ngoại ngữ, phong tục tập quán nơi định cư, tha thiết với quê hương, nhờ có không gian tiếp xúc văn hóa rộng, nên khi có kế hoạch và chính sách rõ ràng thì tôi tin họ sẵn lòng hợp tác cùng trong nước để chuyển tải văn học Việt Nam tới người đọc thế giới.

                                                                                                        Theo VietNamNet




Các bài mới
Các bài đã đăng