Gõ cửa công nghệ giải trí Hàn Quốc
Tại châu Á, những đất nước có công nghệ giải trí vượt bật có thể kể đến Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hongkong... Mỗi đất nước nắm một thế mạnh trong công nghệ này. Như Ấn Độ và Hongkong là 2 kinh đô điện ảnh lớn và được cả Hollywood công nhận. Gần đây, Hàn Quốc có khá nhiều thành tựu, đặc biệt là trong công nghệ sản xuất phim ảnh và ca nhạc. Những ngôi sao của Hàn Quốc đã vươn ra thị trường thế giới như Bi - Rain, BoA... chưa nhiều, nhưng những ngôi sao gây cơn sốt châu Á như Wonder girls, Bae Yong Joon, Se7en, Lee Hyori... lại không ít.
Sức nóng của công nghệ giải trí Hàn Quốc thật sự làm giới giải trí và khán giả Việt chóng mặt. Những bộ phim truyền hình với các diễn viên đẹp như mơ ngập tràn, những cuộc giao lưu văn hoá Hàn - Việt đã mang đến những ngôi sao bằng xương bằng thịt. Đi theo họ lúc nào cũng là đoàn tuỳ tùng và dàn máy móc khổng lồ với nhiều thiết bị hỗ trợ hiệu quả cho người biểu diễn, làm sao giới biểu diễn trong nước không khỏi ngưỡng mộ?!
Thế nhưng, ngưỡng mộ cũng một chuyện còn dám làm theo hay không lại là chuyện khác. Bởi vì, tiền để thực hiện một clip ca nhạc trong nước khoảng 25 triệu đến 100 triệu là dữ dội lắm rồi. Đạo diễn Minh Vy tự hào thực hiện nhiều băng đĩa ghi hình có chất lượng âm thanh ánh sáng và hình ảnh của những chương trình hải ngoại được dàn dựng bằng công nghệ quốc tế. Nhưng giá thực hiện mỗi clip của anh tính trung bình vẫn dưới 100 triệu. Anh kể, có ca sĩ yêu cầu anh thực hiện clip với giá 200 triệu. Anh lắc đầu vì cây nhà lá vườn không thể "vẽ" đến mức đó.
Vậy thực chất công nghệ giải trí Hàn Quốc có giá như thế nào? Cách đây vài năm, Công ty Thế Giới Giải Trí thực hiện bộ phim ca nhạc và album cho các ca sĩ trong công ty đã chi khoảng 2 tỷ. Đó là con số khủng khiếp nhất vào lúc đó. Lại có một câu chuyện vui được truyền trong giới showbiz Việt là sau đó có vài ê-kíp đạo diễn và quay phim Hàn Quốc đi chào giá khá hữu nghị. Thậm chí còn... bèo hơn mức giá trong nước đang phổ biến.
Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc hiện nay đã tách khỏi Công ty TGGT, anh thực hiện riêng một album Căn gác trống và tìm đến công nghệ làm đĩa Blue-ray của Singapore bên cạnh những sản phẩm thông thường. Còn việc sản xuất nội dung anh khẳng định: "Sau khi làm việc với nhiều người và nhiều ê-kíp sản xuất trong và ngoài nước, tôi chọn cách làm tự chọn ê-kíp cho riêng mình. Tôi hài lòng với cách làm việc và sản phẩm của ai thì chọn người đó". Mặc dù rất tiết kiệm chi phí, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc cho biết đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng vào album này.
Ưng Hoàng Phúc cho biết thêm: "Bây giờ, việc mời một ê-kíp Hàn Quốc qua VN rất đơn giản và dễ dàng. Giá cả để mời ê-kíp Hàn Quốc thực sự có rất nhiều giá. Mình có bao nhiêu tiền họ cũng làm được, vấn đề là chất lượng sản phẩm! Tôi cũng đã có kế hoạch mời khoảng 5 chuyên gia Hàn Quốc đến VN để thực hiện một dự án khác".
Những ước mơ có cất cánh?
Ca sĩ Mỹ Tâm rất chú trọng đến các sản phẩm âm nhạc. Năm 2007 được xem là năm đột phá của Mỹ Tâm khi cô chuyển hướng làm việc với ê-kíp Hàn Quốc. Mỹ Tâm đã thực hiện album Vút bay tại Hàn Quốc trong 2 tháng cùng với việc tập luyện vũ đạo tích cực. Sự trở lại của Mỹ Tâm sau chuyến đi này rõ ràng mang dấu ấn khác biệt. Thế nhưng, sức hút của album này lại không nhiều so với những bài hát vào hàng hot trước đó. Có lẽ phần nhiều do khán giả nghe chưa quen một Mỹ Tâm hát R&B.
Mặc dù sức nóng của Vút bay chưa bùng nổ nhưng Mỹ Tâm vẫn quyết tâm làm việc với ê-kíp Hàn Quốc. Chị cho biết: "Trong dự án sắp tới (năm 2010) vẫn có chuyên gia Hàn Quốc đảm nhận vai trò cố vấn. Không giống như những lần trước là họ thực hiện hết dự án, lần này sẽ góp ý cho Tâm để thực hiện những album sau khi tìm hiểu nền âm nhạc Việt . Điều vui nhất là họ bắt đầu cảm nhận được âm nhạc Việt và cảm nhận được mình có thể làm được nhiều thứ".
Mỹ Tâm cho biết thêm: "Công nghệ Hàn Quốc dường như thổi vào những bài hát Việt một cái gì đó mới và chỉn chu hơn. Cái chính ở đây là kỹ thuật phối và chất lượng, Tâm đánh giá cao điều này. Về âm thanh, mix, master, theo Tâm nhận thấy làm ở Hàn Quốc rất tốn kém nhưng rõ ràng họ có chất lượng rất cao. Phần mix họ chỉn chu hơn, vì họ có thể cắt bớt những cái không cần thiết và họ lọc âm thanh rất hay, còn ở Việt hơi bị tạp âm, cần phải cắt bớt. Có lẽ những album sắp tới của Tâm cũng sẽ được mix ở Hàn Quốc".
Gần đây nhất, gần 2.000 bạn trẻ đã đăng ký tham gia cuộc thi Super Star do các công ty Hàn Quốc phối hợp cùng nhiều đơn vị trong nước tổ chức tìm kiếm tài năng. Theo lời hứa, người đoạt giải nhất sẽ được đào tạo một năm tại Hàn Quốc. Ngoài ra, lời hứa khá bay bổng khác từ phía đơn vị tổ chức cũng khẳng định với công nghệ giải trí của họ sẽ đưa nghệ sĩ VN hay bất cứ nghệ sĩ nào có thể cất cánh trên bầu trời châu Á.
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà vừa tham gia Asian Song Festival 2009 tại Hàn Quốc. Cô cho biết: "Đến giao lưu văn hoá tại Hàn Quốc, nhìn tận mắt những công nghệ của họ mới biết thế nào là công nghệ giải trí. Họ có thể làm sáng chói bất cứ tài năng nào với công nghệ chuyên nghiệp và khổng lồ như thế. Dĩ nhiên cũng có hai mặt của vấn đề là ngôi sao của họ tuổi thọ rất ngắn và nhìn lại mình cũng thấy tự hào vì ngôi sao của VN tự lực rất nhiều. Dĩ nhiên, để bước vào nền công nghệ giải trí của họ không phải dễ. Trước hết phải nói được tiếng Hàn và hiểu văn hoá của họ".
Để thâm nhập vào công nghệ biểu diễn của đất nước Hàn Quốc, ca sĩ Dương Quốc Hưng bước ra từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, đã tìm được bến đỗ cho ước mơ. Dương Quốc Hưng được Công ty Tương Lai Âm Nhạc ký độc quyền trong 5 năm. Công ty này do những ông chủ Hàn Quốc trợ giúp sau lưng. Trước mắt, Dương Quốc Hưng phát hành một đĩa nhạc đúng chất VN để thử sức. Trong năm 2010, Dương Quốc Hưng có kế hoạch làm việc vài tháng tại một hãng giải trí của Hàn Quốc để tìm hiểu và học biểu diễn.
Dương Thị Hồng Nhung - cô gái chiến thắng cuộc thi Super Star - và Dương Quốc Hưng sẽ đi đến đâu với sự hỗ trợ của công nghệ giải trí Hàn Quốc? Tất cả chỉ mới bắt đầu.
Theo VietNamNet
|