Tạp chí Sông Hương -
Tranh của thời vang bóng
14:35 | 12/11/2009
Hơn 300 tác phẩm hội hoạ được vẽ trong hơn sáu thập kỷ tại Liên Xô trước đây đang được trưng bày tại gallery Jeschke-Van Vliet ở Berlin (Đức).
Tranh của thời vang bóng
Mảng tranh đề tài Lenin

Đã có một thời gian dài kể từ thập niên 1920 đến cuối thập kỷ 1980, ở đất nước Liên Xô cũ khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác nghệ thuật giữ vị trí chủ đạo. Sau đó, cùng với sự tan rã của nhà nước Xô Viết là sự thoái trào của khuynh hướng nghệ thuật này tại nước Nga cùng nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Trong cơn ba đào của lịch sử, phải kể đến số phận không may của hàng ngàn tác phẩm hội hoạ được sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bà Gaia Fusai, một nhà sưu tập tranh người Ý sống ở Milan , cho biết: “Nhiều bức tranh trong số đó bị bỏ xuống hầm hay trong góc tối các toà nhà, thậm chí bị vứt bỏ như thể chúng là một phần của quá khứ vô nghĩa. Nhưng đó là một phần của lịch sử Liên Xô trước đây không thể xoá bỏ được. Chính vì vậy mà nhóm các nhà sưu tập chúng tôi quyết định đi khắp nơi ở Nga bất chấp khó khăn, để tìm lại những tác phẩm này. Đó chính là cứu lấy khuynh hướng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa”.

Nữ công nhân
tranh của Alexandre Samokhalov

Công việc thâu thập tranh thời kỳ Xô Viết khởi đầu cách đây gần năm năm và không mất quá nhiều thời gian để bà Fusai cùng các đồng nghiệp có thể tìm thấy rất nhiều tranh ở rải rác khắp đất nước Liên Xô cũ. Song vấn đề sở hữu lại hết sức phức tạp vì hầu hết tranh được vẽ theo đặt hàng của nhà nước và không thuộc sở hữu tư nhân. Bà Fusai nói: “Chúng tôi phải thông qua nhiều kênh khác nhau để có được những bức tranh ấy. Chúng tôi có thể mua các tác phẩm ấy một cách hợp pháp và đúng đắn. Nhưng chuyện ấy lại thật khó khăn ở nước Nga”.

Tìm và mua được tranh chẳng dễ dàng, phục chế chúng là cả một vấn đề vì hơn một nửa số tranh trong sưu tập đã bị hư hỏng sau nhiều năm bị bỏ quên, chưa kể chúng được vẽ trong những thời kỳ khó khăn về kinh tế nên hoạ sĩ phải sử dụng loại màu dầu kém chất lượng và vẽ trên vải đay hay vải bạt.

Về đề tài, tranh theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa nặng tính tuyên truyền và cổ vũ quần chúng với hình ảnh Lenin, cha đẻ của cách mạng Tháng Mười, được thể hiện nhiều nhất dưới nhiều cung bậc cùng với các thành tựu cách mạng và nhà nước Xô Viết. Kế đó là những anh hùng trong chiến đấu và lao động. Dễ nhận thấy trong tranh luôn đầy ắp tinh thần lạc quan, hào hứng, tươi vui về hiện tại và tương lai.Theo các nhà tổ chức, cuộc triển lãm nhằm gây sự chú ý đối với một mảng đã bị quên lãng của nền văn hoá Xô Viết, đồng thời khôi phục một trào lưu nghệ thuật từng là chính thống. Triển lãm (kéo dài đến hết tháng 11 này) đang thu hút sự chú ý của công chúng yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập. Cần biết: các tác phẩm hội hoạ và tranh cổ động thời “Đại cách mạng văn hoá” tại Trung Quốc trước đây rất được giới sưu tập và chơi tranh trên thế giới ưa chuộng.

                                                                                                              Theo SGTT





Các bài mới
Các bài đã đăng