Tạp chí Sông Hương -
Friedrich Schiller: Thăng trầm với thời gian
14:50 | 12/11/2009
Thi sĩ, nhà soạn kịch kiêm triết gia Đức Friedrich Schiller (10/11/1759 - 9/5/1805) vào dịp sinh nhật lần thứ 250 được tôn vinh tại đất nước mình với nhiều trường học, đường phố và quảng trường mang tên ông. Nhưng các tác phẩm của Schiller không còn nằm trong chương trình giáo dục phổ thông nữa.
Friedrich Schiller: Thăng trầm với thời gian
Những vần thơ trong bài Das Lied Von Der Glocke của Schiller

Huyền thoại sống

Sinh thời, Friedrich Schiller đã được coi là một huyền thoại, là “Shakespeare của nước Đức”. Các vở kịch do ông viết ra đã tạo ảnh hưởng lớn tới công chúng. Các cuốn sách lịch sử của ông được coi là một hiện tượng khoa học. Người Đức còn bị hấp dẫn bởi tính cách và cuộc đời của Schiller. Khi Schiller bị ốm nặng vào năm 1793, bệnh tình của ông đã trở thành chủ đề bàn tán trong công chúng. Ngoài vai trò nhà viết kịch có tầm ảnh hưởng lớn, Schiller cùng với Goethe, Wieland và Herder là những đại diện quan trọng nhất của phong trào Văn học cổ điển Weimar . Các bản ballad của ông nằm trong số những bài thơ Đức được yêu thích nhất.

Schiller là người đã dùng nghệ thuật kịch để nâng cao dân trí, óc thẩm mỹ và nhân sinh quan của dân chúng, cho người Đức có một tinh thần ái quốc mạnh mẽ. Ông đưa ra quan niệm rằng, sự vĩ đại của nước Đức không nằm ở “quyền lực chính trị“, mà chính là trong “sức mạnh văn hóa”.

Các tác phẩm của Schiller được giới bình dân yêu thích, bởi ông rất mạnh tay khi đả kích các thói rởm đời của tầng lớp quý tộc và trí thức. Ông truyền bá những tư tưởng tự do, dân quyền, khoan dung về tôn giáo và chính trị. Nhờ vậy, thơ, kịch của ông được giới bình dân thuộc nhiều và truyền tụng rộng khắp.

Không chỉ được người Đức ngưỡng mộ, Schiller còn nổi tiếng khắp châu Âu. Ông viết nhiều vở kịch về các quốc gia khác với những vấn đề lịch sử của họ, như Don Carlos (1787) có nội dung liên quan đến Tây Ban Nha, Wilhelm Tell (1804)- Thụy Sĩ, Maria Stuart (1801) - Vương quốc Anh. Schiller đã qua đời khi đang viết dở dang tác phẩm Demetrius nói về một Nga hoàng.

Quốc hội Pháp tôn vinh Schiller là Công dân danh dự của nước này và có một sử gia người Anh đã viết tiểu sử về ông. Tầng lớp quý tộc Đan Mạch luôn ủng hộ nghệ sĩ từng có lúc rất túng bấn này.

Di sản của Schiller: Lắm thăng trầm

Cuối thế kỷ 19, danh tiếng Schiller bước vào thời kỳ thoái trào. Sang thế kỷ 20, Đảng Xã hội Đức đã khai thác tác phẩm của Schiller cho mục đích tuyên truyền nhưng sau đó họ lại “bỏ rơi” tên tuổi này khi nhận ra tinh thần tự do của ông.

Sau Thế chiến II, nước Đức chia làm đôi và xảy ra cuộc tranh chấp di sản của Schiller. CHDC Đức tôn vinh di sản văn hóa của Schiller và xây lại mộ ông rất trang trọng. Trong khi đó CHLB Đức tôn vinh Schiller theo cách khác: Kể từ thập niên 1970, các đạo diễn trẻ đã bắt tay vào việc dựng lại những vở kịch của ông.

Tuy nhiên, các tác phẩm của Schiller đã dần biến mất khỏi chương trình giảng dạy ở trường học và không còn nằm trong danh sách đọc tham khảo sau những cuộc cải tổ giáo dục. Nhưng giờ đây, nhiều tác phẩm của ông đang được tái bản khắp châu Âu và điều đó cho thấy di sản mà Schiller để lại không hề bị quên lãng theo thời gian.

                                                                                                     Theo TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng