Tạp chí Sông Hương -
Mở hội cồng chiêng giữa đại ngàn
09:13 | 13/11/2009
Khắp không gian âm vang tiếng cồng chiêng, hình ảnh đại ngàn huyền bí xa xưa đã được tái hiện trong lễ khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai.
Mở hội cồng chiêng giữa đại ngàn
Ngọn lửa thể hiện tinh thần đoàn kết của 5 tỉnh Tây Nguyên

Trong sự hòa âm của hàng ngàn chiếc cồng, chiêng- những âm thanh đặc biệt không thể lẫn, tiết mục “Gióng cồng chiêng mở hội” kéo dài trong 6 phút đã mở màn hết sức ấn tượng cho buổi lễ. 1.000 diễn viên, mỗi người cầm 1 chiếc chiêng xếp thành 9 vòng tròn lớn, tất cả tạo thành một chiếc chiêng khổng lồ ôm trùm toàn bộ không gian sân khấu, thể hiện rõ nét chủ đề “Âm vang cồng chiêng và sức sống Tây Nguyên”.

Tới dự lễ khai mạc, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã khẳng định: “Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là tài sản vô giá của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên mà còn là tài sản vô giá của các nước Đông Nam Á và nhân loại. Trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị của di sản này”.

Lần đầu tiên, cả phố núi Pleiku âm vang tiếng cồng chiêng, thu hút hàng vạn người dân náo nức dự hội. Những vòng chiêng, những điệu múa xoang, những nhịp chân của chàng trai cô gái Tây Nguyên đã mở màn cho một lễ khai mạc thực sự hoành tráng, ấn tượng, hấp dẫn.

Ngọn lửa đoàn kết, quyết tâm cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên đã được thắp lên bởi 5 già làng đến từ: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum, Đắc Nông, Gia Lai.

Lễ khai mạc được chia làm 4 chương: Đất và người Gia Lai, Tây Nguyên; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hội nhập và phát triển, Sức sống cồng chiêng kết nối khối đại đoàn kết dân tộc với sự tham gia của hơn 3000 nghệ nhân, diễn viên, học sinh, sinh viên đã đem đến cho công chúng một đêm hội thực sự độc đáo, đầy màu sắc và thăng hoa cùng những bản nhạc cồng chiêng hay nhất. Cùng là cồng chiêng, nhưng ở Gia Lai thì hào sảng, ở Kom Tum thì trầm hùng chậm rãi. Người Thái, người Mường cũng mang theo cồng chiêng đến góp vui với Tây Nguyên.

Hình ảnh sân khấu được cách điệu với đại ngàn, thác nước, với nhà Rông, những hình ảnh làm nên một Tây Nguyên hùng vĩ đã được tổ tiên các dân tộc sinh sống trên mảnh đất này khai phá từ hàng ngàn năm trước. Cuộc chiến đấu của con người với thú dữ để sinh tồn, sự tích “Vua lửa”… những trường ca, huyền thoại về mảnh đất tươi đẹp này được tái hiện sống động trên sân khấu. Lạ là, giữa sân khấu mà người xem lại cảm thấy như giữa đại ngàn, bởi sự kỳ vĩ của núi rừng, sự nồng nhiệt, hứng khởi của những nghệ nhân, học sinh tham gia thể hiện chương trình và hơn cả là sự cổ vũ nhiệt tình của người dân phố núi- những người con của Tây Nguyên. Ngay từ chập tối, hàng vạn người dân, có cả những cụ già đã hơn 80 tuổi vẫn đến Quảng trường 17/3 để được trực tiếp theo dõi chương trình.

Phần trình diễn của những nghệ nhân thể hiện những lễ hội: lễ Bỏ mả để người chết thanh thản về với thế giới bên kia; lễ Thổi tai để đứa trẻ có thể nghe được lời hay ý đẹp; lễ hội Mừng lúa mới tạ ơn thần linh cho mùa màng bội thu; lễ Đâm trâu mừng chiến thắng thể hiện tinh thần thượng võ; lễ mừng vòng đời- vòng cây… đã cùng với nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật hóa trang đem đến một không gian Tây Nguyên hoang sơ, huyền bí.

Đặc biệt, với cảnh diễn “Hòa tấu sức sống đại ngàn”, 11 dân tộc là chủ nhân không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã cùng nhau diễn tấu cồng chiêng với những màn múa, đi cà kheo, đánh trống, múa, hát dân ca... đặc sắc tạo một ấn tượng thật sâu đậm về sức sống bất diệt của cồng chiêng Tây Nguyên.

Sự xuất hiện bất ngờ của 10 chú voi- biểu trưng cho sức mạnh của đại ngàn Tây Nguyên chở những chủ voi cầm quốc kỳ của Việt Nam và 5 nước tham gia festival tạo nên bất ngờ thú vị cho khán giả. Những chú voi này sau đó còn ngoan ngoãn cúi chào quan khách thể hiện sự nồng nhiệt, tinh thần hiếu khách của con người Tây Nguyên.

Những sắc màu rực rỡ của vùng đất bazan màu mỡ, màu xanh của Biển hồ, màu trắng của thác Ialy, màu đỏ của hoa Pơ Lang và màu vàng rực của cúc quỳ….hòa vào nắng vào gió cao nguyên thể hiện một vùng đất giàu có, đẹp như những chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân. Nguồn nước này, cái nắng, cái gió và mạch đất này đã nuôi dưỡng họ thành những con người căng tràn sức sống. Cùng sức sống ấy, tiếng chiêng, tiếng hát âm vang hơn. Sau những khúc dân ca ngọt ngào của người cao nguyên, giọng hát của Y Moan, Siu Black đã làm “nóng” không khí của lễ hội bởi sự cổ vũ nhiệt tình của hàng vạn khán giả dành cho những người con của vùng đất Tây Nguyên.

Màn kết “Tây Nguyên đón bạn” và “Hội tụ cồng chiêng quốc tế”- phần trình diễn giao lưu cồng chiêng của các đoàn trong nước và quốc tế thể hiện tinh thần đoàn kết, vì hòa bình và phát triển đã khép lại đêm hội. Các nghệ nhân trong và ngoài nước nắm tay nhau cùng nối vòng xoang trong âm thanh vang vọng của cồng chiêng, dưới bầu trời rực sáng pháo hoa.

Sự kết hợp độc đáo của màu sắc, ánh sáng đã làm nên một lễ khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế đầy ấn tượng. Nhưng hơn cả, chương trình đã làm sống lại một không gian văn hóa mà từ lâu người dân Tây Nguyên không được thưởng thức. Đúng như Tổng đạo diễn Festival-Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ chia sẻ: “Không phải là “sân khấu hóa” mà là “mỹ lệ” hóa cồng chiêng”.

                                                                                                        Theo Toquoc





Các bài mới
Các bài đã đăng