Năm 2009, có 6 phim nhựa ra mắt khán giả. Chỉ 6 phim thôi nhưng chia thành hai dòng khác nhau: Một hướng đến thị trường trong nước và một hướng đến các liên hoan phim quốc tế.
Liên hoan phim: Khen; khán giả: Ngó lơ
Trước hết là phim Đừng đốt (kịch bản và đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh). Bộ phim đã “điện ảnh hóa” khá trung thực và sinh động hình ảnh bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm. Không nên coi đây là tác phẩm chuyển thể cuốn nhật ký đã rất nổi tiếng của chị, bởi lẽ nhật ký chỉ ghi lại những gì chị Trâm từng sống, từng trải trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Khu 5.
Đừng đốt còn phải kể thêm về những người thân của chị, về người lính Mỹ đã cất giữ cuốn nhật ký ấy và vì sao nó về lại được Việt Nam... Đây là một thành công của Đừng đốt nhưng có thể cũng là chỗ yếu của phim khiến người xem cảm thấy hình ảnh chị Trâm trên phim không giàu “chất người” và không gây xúc động như trong sách.
Sau nhiều gian nan, vất vả, đạo diễn Vinh Sơn đã thực hiện được bộ phim Trăng nơi đáy giếng (kịch bản: Châu Thổ). Phim được làm kỹ càng, chỉn chu trong cấu trúc, tạo hình, chỉ đạo diễn xuất. Đạo diễn đã dành nhiều tâm huyết, tình yêu và công sức để khắc họa nên hình tượng của người phụ nữ Huế.
Nhưng có lẽ chính cái đích đến này lại khiến bộ phim trở nên khó xem với số đông khán giả. Bộ phim Chơi vơi là cách tiếp cận, cách lý giải của hai tác giả (kịch bản: Phan Đăng Di; đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên) đối với cuộc sống nói chung và tình yêu nói riêng của các bạn trẻ đồng trang lứa.
Phim không theo một cung cách kể chuyện quen thuộc mà chộp bắt những khoảnh khắc cả tâm trạng lẫn cách xử thế “không giống ai” của các nhân vật. Không nên bực bõ với bộ phim về phương diện này, bởi trong cuộc đời thực đang diễn ra quanh ta, giới trẻ cũng đã có khối chuyện khiến nhiều người không hiểu nổi đó sao? Vả lại, chúng ta thường đòi hỏi cái lạ, cái mới, nhưng “lạ”, “mới” trong rất nhiều trường hợp không là bạn đồng hành của cái quen thuộc, điều dễ tiếp nhận.
Phim giải trí vẫn chững chạc, có nghề
Hẳn bạn còn nhớ báo chí đã dành niềm ưu ái, sự nồng hậu như thế nào cho đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Đẹp từng centimet của anh khi tung hô phim này quá mức ngay từ lúc chưa công chiếu trên màn ảnh. Nhưng rồi cũng chính báo chí đã ỉ eo chê, tỏ ý thất vọng ngay khi phim trình chiếu. Vì sao? Quả là trong phim mọi thứ đều đẹp. Nhưng từng ấy cộng lại không “dính” được khán giả khi câu chuyện nhạt nhẽo.
Dư luận khen chê ở thời điểm ấy cũng rất kiệm lời đối với phim Huyền thoại bất tử của đạo diễn Lưu Huỳnh. Nhân vật chàng trai vừa tật nguyền vừa thiểu năng trí tuệ bị xã hội hiện đại ăn hiếp có điều gì đó vừa thật vừa mang tính tượng trưng, ẩn dụ.
Và hiển nhiên người xem Việt Nam chưa quen “xài” hình mẫu này. Huyền thoại bất tử khiến tôi ngạc nhiên vì điều khác. Giống như các tác phẩm trước của mình, đạo diễn Lưu Huỳnh luôn vật vã, xót xa với xứ sở quá nhiều truân chuyên, khổ đau của anh.
Anh luôn luôn cảm thông, bênh vực những con người dưới đáy. Phim của anh chững chạc về tay nghề, nghiêm túc trong mục tiêu nghệ thuật đeo đuổi, tuyệt nhiên không tìm thấy tì vết của sự nhảm nhí, tầm thường nhằm mục đích doanh thu dễ dãi.
Tôi muốn dành nhiều thiện cảm cho phim Giải cứu thần chết. Nếu ở hai phim Hồn Trương Ba da hàng thịt và Nụ hôn thần chết, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đôi chỗ còn phạm niêm luật cú pháp điện ảnh, còn lúng túng trong việc điều binh khiển tướng những con người đứng trước, sau ống kính máy quay, nói chung là chưa thành thạo trong cách kể chuyện từ màn ảnh, thì đến Giải cứu thần chết anh đã sải một bước dài, trở nên một con người khác- rất vững vàng, rất thuần thục mọi phương diện nghề nghiệp.
Anh giỏi sắp đặt trong phim những trò nhốn nháo hấp dẫn nhưng không để những trò ấy rơi xuống vực sâu của sự tầm thường. Phim của anh nhắm tới cái đích giải trí gây cười đấy nhưng vẫn bộc lộ rõ những chuẩn mực của phẩm giá, của đạo đức mà anh muốn gửi tới bạn trẻ. Phim kể chuyện về thần chết lạc bước tới dương thế mà tuyệt nhiên không u ám, buồn bã.
Phim của nhạc, của các điệu nhảy tung trời mà vẫn giữ được mạch chuyện kể rành rõ, khúc chiết. Giữ được cái làn ranh ấy để trộn lẫn nhiều thứ mà vẫn làm nổi lên gam màu chủ đạo - điều này là dấu hiệu dễ nhận biết của một đạo diễn có bản lĩnh và tay nghề. Chỉ cần xem Giải cứu thần chết trên màn ảnh thôi cũng đủ thấy rõ Nguyễn Quang Dũng say nghề và lao động quên mình cho từng thước phim như thế nào!
Vai diễn nổi bật trong phim nhựa
1. Minh Hằng vai An trong Giải cứu thần chết (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng). 2. Lương Mạnh Hải vai Quang Hy trong Đẹp từng centimet (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng). 3. Tăng Thanh Hà vai Ngô Đồng trong Đẹp từng centimet. 4. Dustin Nguyễn vai Long trong Huyền thoại bất tử (đạo diễn Lưu Huỳnh). 5. Trần Bảo Sơn vai Sơn trong Huyền thoại bất tử. 6. Duy Khoa vai Hải trong Chơi vơi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên). 7. Hải Yến vai Duyên trong Chơi vơi. 8. Hồng Ánh vai Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn). 9. Minh Hương vai Thùy Trâm trong Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh).
|
Theo NLĐO
|