Tạp chí Sông Hương -
'Đảo thiên đường', những chuyến 'đi để mang về' của Di Li
14:22 | 13/11/2009
Di Li, như nhiều người thích dịch chuyển khác, là thành viên của một lớp trẻ mà sự sành điệu không tính bằng trang sức, đầu tóc, ví tiền mà bằng tri thức và những miền đất họ đã khám phá.
'Đảo thiên đường', những chuyến 'đi để mang về' của Di Li
Nhà văn Di Li. Ảnh: Anh Vân.

Chị bỏ ra nhiều thời gian, tiền của để đặt chân đến nhiều nơi và chị mang về còn nhiều hơn thế nữa. Tất cả nằm trong cuốn du ký Đảo thiên đường vừa ra mắt.

Cuốn sách tập hợp 26 bài bút ký, ghi lại hành trình qua nhiều quốc gia của Di Li trong suốt 10 năm qua. Tại buổi lễ ra mắt sách hôm 12/11 tại Hà Nội, tác giả trẻ tâm sự: "Tôi viết Đảo thiên đường một cách tự nhiên như người ta có nhu cầu kể lại với người khác những chuyện tai nghe mắt thấy sau những chuyến đi xa". Và thực sự, đọc cuốn du ký, người ta có cảm giác, Di Li đã đi để biết, để hiểu và để kể lại.

Ấn tượng đầu tiên về cuốn sách là khả năng đi nhiều, đi miệt mài từ Đông sang Tây của Di Li. Ở tuổi 31, chị đã đặt chân đến Campuchia, Lào, Brunei, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Macau, Hong Kong, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Nga, Phần Lan… Dường như Di Li bao giờ cũng sẵn sàng đi, sẵn sàng xếp lại mọi thứ để lên đường. Chị tâm sự: "Tôi là người ưa chuyển dịch. Tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng, niềm đam mê chuyển dịch có lẽ còn lớn hơn cả văn chương. Những chuyến đi xa là nguồn cảm xúc vô tận và kỳ ảo. Những chuyến đi, phần nào thỏa mãn tôi những khát khao phiêu lưu và khám phá thuở còn miên man trong thế giới cổ tích".

Đi rất nhiều, nhưng điều khiến Di Li tự hào, có lẽ không phải là số lượng những quốc gia chị từng đặt chân đến mà là những gì chị đã tìm hiểu, đã trải nghiệm được trên những chuyến đi ấy. Vậy nên, cuốn sách không lộ cái cảm giác "tôi đã đến đây" mà nó gây chú ý bởi sự thể hiện "tôi đã hiểu gì về nơi đây".

Di Li tâm sự, trước mỗi hành trình, chị đã tìm hiểu rất kỹ, rất cụ thể nơi mà mình sẽ đến. Chị thậm chí còn hình dung trước về nó. Còn khi đọc Đảo thiên đường, độc giả luôn có cảm giác bị dẫn dắt bởi một ánh mắt, lúc trầm tư, lúc bay bổng lãng mạn, lúc lại sục sạo vào mọi ngõ ngách của những mảnh đất xa lạ. Bởi Di Li rất chịu khó quan sát, rất chịu khó hỏi. Người ta thường nói, nhà văn sinh ra để quan sát còn nhà báo sinh ra để hỏi. Ở Di Li kết hợp được cả hai yếu tố đó. Chính vì vậy, những chuyến đi trong Đảo thiên đường, dù ngắn ngày, tác giả vẫn có thể mang đến cho người đọc một thiên bút ký tỉ mỉ, chi tiết và rất giàu thông tin, từ những chuyện nhỏ nhặt như cách đi nhà ga, tàu điện; cách đối phó với thủ đoạn móc túi… đến những chuyện lớn, đòi hỏi cái nhìn khái quát hơn như mô hình du lịch Thái Lan, nghệ thuật bán hàng của người Trung Quốc... Di Li làm được như vậy, bởi bản tính thích khám phá và thái độ không ngại đặt câu hỏi. Chị hỏi từ người lái taxi, tour guide cho đến người bản địa, Việt kiều, họ hàng thân thuộc.

Di Li lại viết rất giản dị. Chị đã chọn cách viết, sao cho người đọc không bị xao lãng bởi câu chữ của mình mà chỉ tập trung vào nội dung thông tin chị chuyển tới. Chính vì vậy, cuốn sách sẽ như là lời chuyện trò với những ai, cũng như chị, đã đặt chân tới một mảnh đất nào đó; sẽ như là lời hướng dẫn tận tình với những ai sắp tới nơi mà chị đã đi qua. Nói như Di Li, trước mỗi chuyến đi, chị tự trang bị cho mình những "travel tips" và sau mỗi chuyến đi, chị muốn trao chúng cho người khác.

Không quá tài hoa, nhưng với tầm tri thức về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc của một người ham hiểu biết, Di Li đã nắm bắt được những nét gần như đặc sắc nhất của những miền đất xa lạ. Chị viết về Thái Lan với điểm đến 3S: Sea (Tắm biển), Shopping (Mua sắm) và Sex (Tình dục); Amsterdam với Tự do tình dục và ma túy; Trung Quốc với nghệ thuật bán hàng lừa bịp và những chiêu chèo kéo khách của người buôn bán… Xen giữa những quan sát rất sắc sảo, Di Li đôi lúc khiến người đọc bật cười bởi những nhận xét hài hước: "Ở một đất nước mà đạo Phật là quốc giáo nhưng có một điều mâu thuẫn, ấy là đi 10 m lại có một ngôi chùa nhưng cũng 10 m lại có một cô gái làm nghề quán bar" (Điểm đến ba chữ S - Thái Lan), "Các vụ trộm xe đạp xảy ra hàng ngày. Người ta trộm xe đạp không phải vì giá trị của nó mà chỉ vì bất kỳ khi nào cần sử dụng, họ liền chôm một chiếc xe dựng sơ hở, đi xong lại đem liệng xuống các kênh đào. Vì lẽ đó, cứ hàng năm, chính phủ lại cho làm vệ sinh các con kênh và lần nào cũng vớt lên được hàng trăm chiếc xe đạp đủ loại" ( Amsterdam - đèn đỏ treo cao - Hà Lan).

Đi nhiều, trải nghiệm không ít, nhưng Đảo thiên đường được kết thúc bằng Hà Nội, hồn phố - một ghi chép về nơi mà chị có đi đâu, cũng không thể quá 3 tháng, có sống đâu, cũng không thể ngoài Hà Nội. Đó chính là những chuyến đi để trở về với nơi mình gắn bó nhất.

Trước bút ký, Di Li được biết đến là một nhà văn ăn khách, tác giả của những Trại hoa đỏ, 7 ngày trên sa mạc, Điệu Valse địa ngục, Tầng thứ nhất… Không phải không có, nhưng chất văn, sự làm văn thể hiện trong Đảo thiên đường không nhiều. Vả chăng, đó cũng không phải là thứ mà chị hướng tới. Dẫu vậy, như nhận xét của nhà văn Đỗ Bích Thúy, "Di Li viết cái gì cũng đọc được".

                                                                                                           Theo eVan




Các bài mới
Các bài đã đăng