Đêm hòa nhạc Toyota Classic 2009 vừa rồi, khán thính giả TP.HCM đã được thưởng thức vở nhạc kịch “Don Giovanni” với sự cống hiến của dàn nhạc giao hưởng thính phòng Praha (Cộng hòa Séc), nhạc trưởng Charles Olivieri Munroe. Tất nhiên, với một dàn nhạc lừng danh trên thế giới như thế thì độ chuẩn xác về kỹ thuật, sự phong phú về sắc thái cũng như những thăng hoa trong sáng tạo, mà đặc biệt là lối chơi sôi động, bứt phá mà vẫn quy cách thì hoàn toàn cuốn hút được giới chuyên môn trong ngành âm nhạc.
Tuy nhiên, dàn nhạc Praha đã gặp phải quá nhiều vấn đề khi biểu diễn ở TP.HCM. Vì phải đi mượn (Dàn nhạc Giao hưởng và Vũ kịch) ghế ngồi cho nhạc công nên một số ghế không đạt chuẩn. Sân khấu nhà hát quá nhỏ, không đủ chỗ để cả dàn nhạc thính phòng trình diễn, thành ra không gian cho các nghệ sĩ tung hứng trở nên chật chội, eo hẹp.
Ngay cả Dàn nhạc Giao hưởng Việt mỗi lần vào TP.HCM biểu diễn cũng không thể tìm ra địa điểm nào khác ngoài nhà hát thành phố. Và mỗi lần như thế nghĩa là Dàn nhạc GHVN buộc phải “gồng gánh” mang theo toàn bộ phương tiện hỗ trợ, kể cả ghế ngồi cho nhạc công.
Giới chuyên môn âm nhạc thực lòng mong mỏi có thêm nhiều dàn nhạc nổi tiếng, nghệ sĩ nước ngoài tới TP.HCM biểu diễn. Tuy nhiên, khán thính giả TP.HCM chưa quan tâm đến các loại hình biểu diễn đỉnh cao. Đối lập với cảnh chen chúc xếp hàng mua vé ở các phòng trà ca nhạc thì nhà hát thành phố lâu lâu mới được dịp sáng đèn, vé không dễ bán, mà các phương tiện truyền thông cũng thờ ơ trước những sự kiện đặc biệt mang tính văn hóa đỉnh cao. Show diễn và đời tư của các ngôi sao ca nhạc “hot” được theo dõi chặt chẽ, trong khi sự xuất hiện của âm nhạc hàn lâm không khiến người dân “thổn thức”, đợi chờ.
Một trong những lý do của tình trạng đau lòng khiến giới chuyên môn phải băn khoăn nghĩ ngợi này chính là vì TP.HCM chưa có nhà hát thực sự. Nhà hát thành phố trước đây là nhà họp Quốc hội. Vì thế, ngoại trừ diện tích sân khấu khá nhỏ và số ghế ngồi hạn chế, nhà hát còn không đạt chuẩn để biểu diễn giao hưởng thính phòng. Các môn nghệ thuật bác học yêu cầu tập trung rất cao vào tác phẩm, đặc biệt là những khi cả dàn nhạc ngừng lại trong sự tĩnh lặng tuyệt đối để tôn vinh một cây kèn, cây sáo, tay đàn chơi solo. Thế nhưng, cách âm không tốt khiến cho người ngồi thưởng thức âm nhạc bên trong vẫn nghe rõ tiếng xe máy ô tô tăng ga ngoài đường. Đó là tình trạng khả dĩ còn có thể chấp nhận được trong những hôm đẹp trời. Còn nếu buổi biểu diễn bắt đầu mà trời bỗng dưng đổ mưa thì coi như “đổ bể” luôn, vì tiếng mưa sầm sập trên mái sẽ nuốt hết toàn bộ những thăng hoa và sáng tạo mà dàn nhạc cố công biểu hiện.
Ngoài nhà hát thành phố, ở TP.HCM chỉ có một phòng hòa nhạc nữa thuộc Nhạc viện thành phố. Tuy nhiên, phòng hòa nhạc này khá nhỏ và rất giản dị nên không đủ độ lộng lẫy cần thiết dành cho loại hình âm nhạc đỉnh cao, vì thế thường chỉ tổ chức các hoạt động ở quy mô nội bộ và là chỗ để sinh viên trong trường giao lưu với nghệ sĩ là chính.
Ở TP.HCM, các hoạt động âm nhạc và nghệ thuật mang tính tìm tòi, sáng tạo, mới mẻ đều được đưa về tư gia của nghệ sĩ hoặc các CLB do cá nhân quản lý, như các đêm nhạc (quy mô nhỏ) tại nhà giáo sư Trần Văn Khê, người tâm huyết với âm nhạc dân tộc và mong muốn công chúng khám phá trở lại vẻ đẹp của tinh hoa dân tộc Việt…
Đến bao giờ TP.HCM mới có được một nhà hát lớn tôn vinh văn hóa hàn lâm xứng tầm với sự phát triển rầm rộ của thành phố nhiều năm nay? Đây vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp và nó luôn là trăn trở trong đầu những người yêu nhạc đỉnh cao và mong muốn nâng tầm thưởng thức của công chúng số đông.
Theo VietNamNet
|