Sôi động 2012
Theo thói quen, các bộ phim về thảm họa thường bám theo những sự kiện thời sự, chỉ khác là được cường điệu hóa lên gấp nhiều lần nhằm tạo hiệu quả ấn tượng với khán giả. Chính vì thế khi nghe giới thiệu bộ phim có nhan đề rất đơn giản là 2012 (dự kiến ra mắt khán giả Việt vào ngày 20-11 tới đây) sẽ có nội dung về ngày tận thế, hầu như chẳng mấy ai để ý.
Thế nhưng, 2012 đến giờ phút này không còn là một bộ phim bình thường, nó đã trở thành một hiện tượng xã hội, được bàn tán, trao đổi, thậm chí cả tranh cãi khắp nơi trên thế giới, đến nỗi các nhà khoa học, sử học cũng phải tham gia. Điều gì đã làm nên sự khác biệt ở 2012? Chắc chắn không phải ở con số 200 triệu USD thực hiện bộ phim, vì dù là số tiền không nhỏ nhưng so với một siêu phẩm Hollywood, 200 triệu USD cũng chỉ là một con số “bình thường”. Sự khác biệt cũng không phải ở những hình ảnh hứa hẹn chấn động của phim như cảnh TP Los Angeles tách ra làm đôi với một vực thẳm sâu hàng ngàn mét ở giữa, hay hàng không mẫu hạm SS John F. Kennedy bị sóng thần nâng lên đập thẳng vào Nhà Trắng, cũng không phải cảnh tượng Chúa sụp đổ ở Brazil… Điện ảnh Mỹ từng làm nhiều hình ảnh còn ấn tượng hơn thế.
Sự khác biệt nằm ở chính con số 2012, năm 2012, hay nói đúng hơn là ngày 21-12-2012. Có lẽ ít có bộ phim nào của Mỹ mà việc quảng cáo đơn giản đến thế. Chỉ cần nhập con số này vào các trang web tìm kiếm, kết quả phản hồi sẽ là hàng loạt thông tin về “ngày tận thế”, mà hầu hết đều không phải của chính những nhà làm phim. Ở đây, những nhà sản xuất đã dựa vào một vấn đề của lịch sử để làm phim, và họ đã thành công khi tạo được dư luận.
Không chỉ một mà có đến những bốn yếu tố tạo nên cơn sốt 2012. Đầu tiên là bộ lịch của người Maya cổ, một dân tộc từng sống tại châu Mỹ và được cho là khá phát triển cho đến khi diệt vong vào khoảng năm 900. Họ để lại nhiều di sản, trong đó có bộ lịch cổ mà ngày cuối cùng trong đó là vào đúng ngày 21-12-2012 của lịch hiện đại. Theo nhiều người, người Maya đã tiên đoán đó là ngày kết thúc của nhân loại và dừng lịch ở đó.
Thứ hai là Nostradamus, nhà tiên tri châu Âu sống vào thế kỷ 16 cũng từng tiên đoán năm 2012 thế giới sẽ phải chịu thảm họa.
Yếu tố tiếp theo là có thông tin cho rằng vào đúng ngày 21-12-2012, tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời sẽ xếp thẳng hàng dẫn đến cộng hưởng lực hấp dẫn làm suy yếu từ trường Trái đất và bức xạ Mặt trời sẽ quét sạch mọi sự sống.
Cuối cùng, những người theo thuyết tận thế còn đưa ra tài liệu của nền văn minh Lưỡng Hà tiên đoán là vào tháng 12-2012, một hành tinh có tên là Nibiru sẽ va chạm với Trái đất.
Sự thật nào ngoài điện ảnh?
Bốn yếu tố mà những người theo thuyết tận thế đưa ra đều bị phản bác một cách rất dễ dàng và nhanh chóng. Đầu tiên, NASA - cơ quan hàng không và không gian Mỹ, đã chính thức khẳng định ngày 21-12-2012 sẽ không có chuyện các hành tinh trong hệ mặt trời thẳng hàng. Các nhà sử học thì trả lời chuyện lịch Maya còn rõ ràng hơn khi cho rằng lịch Maya dừng ở ngày 21-12-2012 vì đó là ngày cuối năm của họ. Cũng giống như con người bây giờ nếu làm lịch ngàn năm, ngày cuối cùng sẽ là ngày 31-12-3009! Giả sử các thế hệ sau này lấy một ngày khác làm ngày cuối năm, hẳn lúc đó họ cũng sẽ lo lắng tự hỏi sao cha ông lại dừng lịch ở ngày 31-12. Đó là chưa kể, người Maya nếu có năng lực đoán ngày tận thế hơn 1.000 năm sau thì thật lạ khi họ chẳng thể đoán ra dân tộc mình sẽ diệt vong vì hạn hán chỉ vài chục năm sau đó.
Còn Nostradamus thì bất chấp nhiều huyền thoại, sự thực là chưa bao giờ ông đoán đúng một điều gì đó, toàn là các thế hệ sau này lấy những lời tiên đoán của ông để gắn kết ngược lại với các sự kiện lịch sử. Kết quả là đôi khi một lời tiên đoán vốn rất chung chung lại được gắn kết với nhiều sự kiện ở các thời đại khác nhau. Về vấn đề hành tinh Nabiru, nếu chỉ 2 năm nữa hành tinh này va chạm với Trái đất thì từ lâu người ta đã phải phát hiện ra nó. Một hành tinh có kích thước đủ để gây hậu quả nặng nề với hành tinh chúng ta thì cũng không thể nhỏ bé đến nỗi không thấy được.
Các nhà làm phim khi thực hiện bộ phim 2012 đã dựa vào một số yếu tố có thật trong lịch sử để thu hút khán giả, nhưng điều đó không có nghĩa là những yếu tố đó chính xác. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng ngày tận thế không phải là một khái niệm vô lý. Với sự phá hủy môi trường, với những cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân… chẳng cần đến tiên đoán của ai hay thiên thạch, chính con người sẽ tự tạo ra ngày tận thế cho chính mình. Và những gì mà bộ phim 2012 thể hiện, xét ở góc độ này, giống như một lời nhắc nhở cảnh báo con người phải có trách nhiệm với chính hành tinh sống của mình
Theo SGGPO
|