Tạp chí Sông Hương -
Hụt hẫng lễ hội cồng chiêng
08:52 | 16/11/2009
Hoành tráng, tràn ngập âm thanh và lấp lánh sắc màu, Festival cồng chiêng quốc tế 2009 lần đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai từ ngày 12 đến 15-11 đã mang đến cho phố núi Pleiku những khoảnh khắc sôi động trong... hẫng hụt.
Hụt hẫng lễ hội cồng chiêng

Một “không gian cồng chiêng” với thảm và sân khấu nhiều băngrôn. Trong ảnh: đoàn nghệ nhân Sơn La trình diễn cồng chiêng tại khu du lịch sinh thái Về Nguồn, TP Pleiku, Gia Lai - Ảnh: Thuận Thắng

Đã có nhiều tràng pháo tay tán thưởng từ du khách. Cũng đã có những tiếng trầm trồ của người dân địa phương. Song bên cạnh đó không thiếu những cái lắc đầu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế cho một lễ hội với phần hội nhiều hơn lễ.

Vui mắt, vui tai

Trả lời Tuổi Trẻ sau đêm khai mạc, giáo sư Oscar Salemink nói: “Mỗi chương trình có một mục đích khác nhau và dưới góc độ của một sô diễn thì đêm khai mạc đã thành công, nhưng từ góc độ văn hóa cồng chiêng thật sự thì nó không đúng”. Tiến sĩ Mỹ Liêm nhún vai thay cho câu trả lời. Còn ca sĩ Bạch Yến thì lặp lại hai lần câu “Rất là thất vọng!” bởi theo bà, cồng chiêng đã không được đặt đúng vị trí trân trọng mà lẽ ra chúng cần phải có. Trước dàn loa công suất lớn phóng ra những giai điệu nhạc nhẹ, tiếng cồng, tiếng chiêng trở nên nhỏ bé, lẩn khuất vào nhau như tìm kiếm một sự sẻ chia. Hầu hết học giả khi được hỏi đều không hài lòng với những gì đã diễn ra ngay từ đêm khai mạc. Họ chỉ tỏ ra thích thú khi hôm sau được đưa đến làng Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, Kontum để xem dân làng múa hát ở trước ngôi nhà sàn của họ trong ánh lửa bập bùng nghiêng ngả giữa rừng khuya.

Những nghệ nhân mặc quần áo đẹp, nhảy múa, đánh chiêng bên một mô hình nhà sàn, trên sân khấu thảm đỏ hoặc trên sân cỏ mini của các công viên không làm nên được một không gian ý nghĩa và linh thiêng cho cồng chiêng. Điều gì đã khiến đồng bào ngồi cả lên chiêng (vốn luôn được xem là linh thiêng) như lời kể của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thông? Giữa lẫn lộn hình ảnh, đạo cụ bằng mút xốp, lễ vật bằng nhựa, nhà rông dựng vội, những khoảnh khắc phục dựng..., du khách nào có thể tìm hiểu về một nền văn hóa cồng chiêng?

Còn nhiều câu hỏi sau bốn năm

Rất nhiều lo ngại đã được đưa ra về nguy cơ mất dần không gian văn hóa cồng chiêng. Nhiều lễ tục bị cấm vì bị đánh đồng với mê tín dị đoan. Rừng bị xâm hại khiến không gian sinh sống của đồng bào ngày càng thu hẹp. Nhiều nơi chỉ tập trung giữ lại những chiếc cồng, chiếc chiêng quý mà quên mất yếu tố con người.

Thậm chí trong cố gắng bảo tồn, liệu có nên tách các tộc người khỏi không gian của họ, đưa họ lên sân khấu như thể đang “triển lãm hiện vật”? Như lời thạc sĩ Nguyễn Hữu Thông nói trong buổi hội thảo khoa học về bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng (do Viện Văn hóa nghệ thuật VN phối hợp cùng Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức sáng 14-11), khi cồng chiêng chỉ còn là một nghệ thuật để biểu diễn thì vấn đề bảo tồn kiệt tác này đã không được đặt ra.

Nhiều học giả với khát khao giữ lại cho mai sau những nét đặc sắc của văn hóa cồng chiêng đã đề nghị đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong học đường. Nhưng ta sẽ dạy cái gì? Ai dạy? Dạy ra sao? Những kiến nghị như xây dựng website, thực hiện CD, có chế độ cho các nghệ nhân già để họ thảnh thơi truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ... vô cùng xác đáng nhưng lại vấp phải câu hỏi “tiền đâu?”. Một số còn lại vẫn nằm trong giai đoạn “đang triển khai”, “sẽ nghiên cứu” dẫu từ khi cồng chiêng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đến nay đã qua bốn năm.

Có thể chia sẻ khát khao của ban tổ chức khi gắn kết lễ hội với xúc tiến thương mại, quảng bá hàng VN chất lượng cao, hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, song như tên gọi, Festival cồng chiêng quốc tế 2009 phải có được vẻ đẹp của không gian văn hóa cồng chiêng trước đã.

Giáo sư Trần Văn Khê:

Lễ hội chưa mang âm hưởng Tây nguyên

Lễ hội năm nay rất hoành tráng, đẹp mắt và trật tự. Nhưng sân khấu rộng, nhạc to, đèn chớp... lại không đem đến cho công chúng cảm nhận về cồng chiêng Tây nguyên. Khán giả chỉ thấy người ta đi, người ta múa mà không thể cảm nhận được cái hồn. Lễ hội thì phải nghe tiếng cồng, tiếng chiêng nhưng tiếng nhạc át hết chúng rồi còn đâu nữa. Tất cả giống như anh mặc một chiếc áo đẹp mà vẫn thiếu hình ảnh, nét độc đáo vốn có.

Ban tổ chức có lẽ quá tham về số lượng và sự hoành tráng nên tổ chức biểu diễn ở những nơi dễ đến, nhưng chính điều đó lại không làm người ta cảm nhận được âm hưởng cồng chiêng thật sự. Cái mà UNESCO công nhận là không gian văn hóa cồng chiêng giữa núi rừng thâm u, tiếng cồng chiêng mang âm hưởng núi đồi chứ không phải là tiếng nhạc cồng chiêng chen lấn với những loại nhạc khác.

Thà chúng ta làm ít mà chất lượng hơn là làm nhiều mà không đem lại cho khán giả cảm giác đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một kiệt tác nhân loại. Tổ chức như thế này chỉ là để tiếp thị, chỉ để coi chơi thôi.


                                                                                                                       Theo TT





Các bài mới
Các bài đã đăng