Vở opera rất hiếm khi xuất hiện trên sân khấu này sẽ được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Opera Hoàng gia ở London (Anh) từ ngày 20/11 và qua đó hé lộ một phần cuộc đời của Tchaikovsky mà cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn với nhiều người.
Ở phương Tây, việc nghiên cứu về Tchaikovsky đã gặp trở ngại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có hàng rào ngôn ngữ và cuộc Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra còn có những yếu tố làm lu mờ hình ảnh của nhà soạn nhạc thiên tài: Ông là người đồng tính luyến ái và chết vì bệnh tả (nhiều người nói ông chết vì bị bức tử do có mối quan hệ với con trai một nhà quý tộc Nga giàu thế lực). Vì thế mỗi cuốn sách hay bộ phim mới về Tchaikovsky lại củng cố thêm cách nhìn của giới phê bình đương đại về một thiên tài bất hạnh.
Song giờ đây, đã xuất hiện những cách nhìn mới trong cuốn tiểu sử về Tchaikovsky được viết bởi Roland John Wiley. Tác giả này tuyên bố rằng, những bí ẩn bao quanh số phận của Tchaikovsky chẳng qua chỉ là những chuyện tưởng tượng được người đời về sau thêu dệt nên. Chẳng hạn, Wiley khẳng định Tchaikovsky luôn công khai mình là người đồng tính chứ không hề giấu giếm và nhà soạn nhạc này thường “nữ hóa” tên của những chàng trai mà ông kết giao. Bản thân ông từng ký tên là Petrolina trong một bức thư gửi cho em trai mình (cũng là một người đồng tính).
Song không thể phủ nhận rằng Tchaikovsky đã phải chịu những dằn vặt về bản năng tình dục. Năm 1877, nhà soạn nhạc này cố thoát khỏi ngõ cụt bằng việc cưới cô sinh viên Antonina Milyukova, người đã chủ động thổ lộ tình yêu với Tchaikovsky qua thư từ và gợi nhớ đến Tatiana, nhân vật chính trong vở opera Eugene Onegin của ông. Nhưng cuộc hôn nhận gượng ép đã trở thành thảm họa và chỉ chín tuần sau đó, Tchaikovsky rơi vào tình trạng suy sụp.
Wiley có lẽ là người đầu tiên trong số các nhà tiểu sử viết về Tchaikovsky thừa nhận rằng, chúng ta có thể không bao giờ biết được sự thật về cái chết của nhà soạn nhạc. Những huyền thoại quanh ông có sức sống dai dẳng và bất cứ điều gì không phù hợp với hình ảnh của nghệ sĩ thiên tài này đều bị cô lập khỏi công chúng. Người ta thường nhắc nhiều đến các bản giao hưởng số 4, 5 và 6, còn ba tác phẩm đầu tiên trong serie đó không mấy khi được chú ý.
Không chỉ có The Tsarina’s Slippers, công chúng phương Tây còn ít khi được nghe nhắc tới các vở opera khác của Tchaikovsky như The Voyevoda, The Oprichnik, The Maid Of Orleans và The Sorceress. Thông thường họ chỉ được thưởng thức một phần nhỏ trong số các vở opera của ông, như Eugene Onegin và The Queen Of Spades. Năm ngoái, dàn nhạc London Philharmonic đã trình diễn vở Iolanta, tác phẩm 1 hồi kể về tình yêu của một cô gái mù. Tác phẩm này đã thể hiện rõ rệt tính nhân văn của Tchaikovsky.
Chúng ta không thể hiểu Tchaikovsky một cách đầy đủ nếu chỉ được cung cấp thông tin một chiều về cuộc sống của ông. Nhưng bất luận thế nào, các tác phẩm của ông vẫn sống mãi với thời gian, như vở Swan Lake (Hồ thiên nga) đề cao tình yêu chung thủy, The Sleeping Beauty (Người đẹp ngủ trong rừng) thể hiện niềm vui chiến thắng của cái thiện trước cái ác và The Nutcracker (Kẹp hạt dẻ) như một câu chuyện cổ tích được đánh giá là tác phẩm với phần âm nhạc tinh tế nhất.
Theo TT&VH
|