Tạp chí Sông Hương -
‘Sao Mai’ khu vực phía Nam:Bất ngờ với nhạc nhẹ
14:34 | 16/11/2009
Thiếu người, thiếu cả “muối” ở hai dòng nhạc thính phòng, dân gian, nhưng các gương mặt nhạc nhẹ khu vực phía Nam đã gây bất ngờ cho khán giả lẫn các khách mời.
‘Sao Mai’ khu vực phía Nam:Bất ngờ với nhạc nhẹ
Các thí sinh của vòng chung kết phía Nam

Thính phòng – “không ổn”

“Không ổn” là nhận xét chung của 3 vị khách mời (NSND Trung Kiên, nhạc sỹ Ngọc Châu, ca sỹ Phương Thảo). Đào Nguyễn Tấn Phát và Nguyễn Trung Nhật không ổn ở cách hát quá cường điệu, lấn át cả cảm xúc thật và làm mất đi nét truyền thống của ca khúc. Dù Nguyễn Trung Nhật được đánh giá là có chất giọng đẹp, động tác biểu diễn có hồn, song chính sự “diễn” của anh trong từng trường đoạn cảm xúc của "Người Hà Nội", trong cả khẩu hình lại làm mất điểm trong mắt người xem.

Lê Thị Huyền Trang với "Người mẹ niềm Nam hay tay không bắt giặc" thì khiến cho các khách mời “khó hiểu” bởi cách hát đổi giọng liên tục, chưa kể nhiều lỗi kỹ thuật như bị đuối ở những âm vực cao, cột hơi không chặt… Theo nhạc sỹ Ngọc Châu thì phần thể hiện của Huyền Thanh sẽ khiến cho khán giả nghi ngờ: “hát thính phòng là thế này ư?”

Tuy nhiên, với chỉ 3 thí sinh lọt vào chung kết, dù không ổn nhưng giám khảo vẫn phải chọn lấy 2 đại diện vào vòng chung kết toàn quốc. Đào Nguyễn Tấn Phát và Nguyễn Trung Nhật đã giành được chiếc vé vào vòng trong.

Dân gian – không có đối thủ!

Bởi cả hai người tranh tài với nhau ở dòng nhạc này là Nguyễn Thị Bích Hội và Phạm Thuý Hằng đều được quyền đi tiếp.

Dù không thực sự nổi bật song cả hai thí sinh đều để lại những ấn tượng tốt. Phạm Thuý Hằng mộc mạc chân chất từ cách trả lời phỏng vấn đến cách xử lý ca khúc. “Mình ơi” của Minh Vy không phải là một ca khúc đủ khó để phô diễn kỹ thuật song nhờ thế mà “vừa phải” với Phạm Thuý Hằng.

Nguyễn Thị Bích Hội chọn một ca khúc khó hát và hơi quá tầm so với lứa tuổi của cô. Chưa nắm bắt được cảm xúc của ca khúc, lối thể hiện thuần nhạc nhẹ chứ không theo phong cách dân gian, tuy nhiên Bích Hội lại có chất giọng khoẻ, trường hơi rộng, thần thái biểu diễn tốt. Nhiều người xem thầm tiếc Bích Hội hợp với dòng nhạc nhẹ và có cơ hội ở dòng nhạc đó hơn là dân gian.

Nhạc nhẹ - những nhân tố có “lửa”

Thông thường, nhạc nhẹ luôn áp đảo trên sân khấu Sao Mai phía trong tất cả các kỳ, song cũng là phần thi dễ gây thất vọng nhất. Tuy nhiên với Sao Mai 2009, các thí sinh phía Nam đã khiến người xem phải trầm trồ bởi chất giọng đẹp đều, phong cách tự tin và 8 phần trình diễn đi đến rất gần sự chuyên nghiệp.

Lương Viết Quang – gương mặt từng tạo được ấn tượng ở Sao Mai 2007 – làm nên ngạc nhiên với “Con cò” của Lưu Hà An. Chọn cách hát nhẹ nhàng thảnh thơi so với sự đắm đuối, day dứt của Tùng Dương, dù đôi chỗ nhả chữ, thả cảm xúc còn na ná với Giải nhất Sao Mai điểm hẹn 2004, Lương Viết Quang vẫn giành được nhiều lời khen ngợi từ NSND Trung Kiên cũng như cảm tình của khán giả để giành Giải thí sinh được yêu thích nhất.

Một nhân tố có lửa khác là Lâm Ngọc Đức với chất giọng rất đẹp và sang trọng. Tuy nhiên, Lâm Ngọc Đức đã khiến người xem tiếc nuối khi chọn một ca khúc quá dễ hát và mang tính phong trào nhiều hơn là nghệ thuật (“Niềm vui trên biển” – Hoàng Bửu). Âm vực rộng, kỹ thuật nhả chữ, buộc hơi rất tốt của Ngọc Đức đã không có cơ hội để khoe ra vì sai lầm trong việc chọn bài. Tuy nhiên, với tố chất đầy lửa của mình, cùng sự dày dạn sân khấu (từ cách ăn mặc đến trình diễn) đã đưa Ngọc Đức vào vòng trong.

Đồng hành cùng Lương Viết Quang và Lâm Ngọc Đức là Trần Phi Long. “Cánh diều” của Ngọc Đại qua sự thể hiện của Phi Long được coi là “sạch” nhưng “nhạt”. Cách trả bài tròn trịa khoe được chất giọng đẹp, tròn vành rõ chữ, xúc cảm kiềm chế, không “diễn”, nhưng cũng chính sự tiết chế và thiếu sáng tạo khiến Trần Phi Long không tạo được ấn tượng cho người xem và mờ nhạt so với hai người bạn cùng đi tiếp chặng đường. Lỗi chọn bài của Trần Phi Long cũng là lỗi của rất nhiều thí sinh Sao Mai khác, khiến NSND Trung Kiên phải nhấn đi nhấn lại: “Các thí sinh cần phải chú ý đặc biệt đến việc chọn ca khúc phù hợp, phù hợp ở đây không phải chỉ có phù hợp chất giọng, mà còn cả cách biểu diễn, môi trường biểu diễn và phù hợp với cảm xúc, lứa tuổi…”.

Có cớ để tin rằng, nếu 3 thí sinh phía Nam năm nay được tư vấn tốt về cách chọn bài và thể hiện được hết khả năng của mình trong Vòng chung kết toàn quốc, thì họ sẽ là những đối thủ đáng gờm của các thí sinh dòng nhạc nhẹ phía Bắc – vốn từ trước đến nay luôn ở thế “thượng phong”.

                                                                                                                    Theo Toquoc






Các bài mới
Các bài đã đăng