Tạp chí Sông Hương -
Việt hóa kịch bản phim nước ngoài: Chê nhiều hơn khen
15:43 | 16/11/2009
Trước và sau “Ngôi nhà hạnh phúc” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, đã và sẽ có một danh sách dài dằng dặc các bộ phim được Việt hóa lần lượt nối nhau lên sóng truyền hình. Chưa kể đến lời lỗ về mặt doanh thu song có một thực tế là phần lớn trong số đó nhận về… chê nhiều hơn khen.
Việt hóa kịch bản phim nước ngoài: Chê nhiều hơn khen
Ẩu đả là một trong những tình tiết không có trong phim gốc…

Nhiều lý do “mất điểm”…

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh diễn xuất của hai diễn viên tay ngang Lương Mạnh Hải - Minh Hằng với cặp đôi thủ vai nhân vật chính trong bộ phim gốc “Ngôi nhà hạnh phúc” Bi Rain - Song Hye Ko. Song kể cả khi gạt hẳn yếu tố ấy sang một bên thì phim cũng còn nhiều điều khiến khán giả phải “lăn tăn” dù chỉ mới lên sóng vài tập đầu. Ngay như ở khâu phục trang cho nhân vật trong phim đã thể hiện sự vênh khá rõ. Như nhân vật Minh Minh, nghe đâu toàn bộ quần áo phục trang của cô đều được diễn viên Minh Hằng lặn lội sang tận Thái Lan và Hồng Kông mua về song chẳng hiểu sao vẫn lệch phom trông thấy so với bản gốc.

Cũng bởi thế mà thay vì nét trẻ trung song vẫn giữ được vẻ duyên dáng như diễn viên Song Hye Ko từng thể hiện, nom nhân vật chính của chúng ta vừa ngu ngơ vừa cục mịch. Ngược lại, nhân vật Vương Hoàng do Lương Mạnh Hải thủ vai lại ăn vận điệu đà và diêm dúa quá mức cần thiết nên trông có phần hơi… ẻo lả thiếu nam tính. Đến cả nhân vật phụ như “anh Hiều” trong “Bỗng dưng muốn khóc” - diễn viên Hiếu Hiền cũng khiến người xem sốt ruột vì vào vai ông bố tinh ranh và khôn lỏi mà suốt ngày đi dép tông, diện quần áo…yếm.

Bên cạnh đó còn một yếu tố nữa khiến đạo diễn Vũ Ngọc Đãng “mất điểm” ngay từ những tập đầu là việc đặt lời thoại cho nhân vật. Nếu như bản gốc “Ngôi nhà hạnh phúc” từng được khán giả Việt xếp chọn vào một trong những phim Hàn có lời thoại hay nhất vì vừa hài hước dí dỏm lại vừa ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, thì lời thoại trong phiên bản Việt của bộ phim này lại dài dòng và… nhạt như nước ốc, như kiểu: “cười gì mà cười, vô duyên”, “nhìn gì mà nhìn, bộ thấy tôi đẹp lắm hả?”… ấy là chưa kể đến việc vị đạo diễn tài ba này còn tranh thủ Việt hóa kịch bản đến mức cài luôn cả mấy bộ phim mình từng làm vào lời thoại của nhân vật Minh Minh: “Tuyết nhiệt đới nè, xạo”, “Bỗng dưng muốn khóc nè, xạo”, “Đẹp từng centimet nè, xạo”… Điều ấy khiến người xem có cảm giác, phiên bản Việt này dường như chỉ dành cho tuổi lứa tuổi “teen” trong khi bản gốc lại từng chinh phục được đối tượng người xem ở mọi lứa tuổi khác nhau!

“Ăn khách” hay “ăn xổi”?

Trước “Ngôi nhà hạnh phúc” cũng có một loạt các bộ phim truyền hình khác được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài như: Người mẹ nhí (Tây Ban Nha), Cô gái xấu xí (Colombia), Nguyệt quán (Italia)… trong đó chiếm số lượng áp đảo hơn cả vẫn là các phim được chuyển hóa từ kịch bản xứ Hàn: Mùi ngò gai, Vườn ảo thuật, Hoa dã quỳ, Lẵng hoa tình yêu… Song thực tế cho thấy ít có phim nào chạm vừa cái bóng của bản gốc chứ chưa nói gì đến chuyện vượt qua, có chăng là người xem chê ít hay chê nhiều mà thôi. Chẳng nói đâu xa, ngay như bộ phim “Có lẽ nào ta yêu nhau” vừa khép lại trên sóng VTV1 cách đây không lâu được chuyển thể từ kịch bản “Anh em sinh đôi” (Hàn Quốc) cũng vấp phải sự phản ứng của người xem vì khác xa so với bản gốc. Không những thế, mặc dù nhân vật nói tiếng Việt, đặt trong bối cảnh Việt nhưng nhiều tình huống và lời thoại lại xa rời với đời sống người Việt khiến người xem đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác.

Không hẳn vì dễ mà các nhà làm phim nhắm đến kịch bản nước ngoài để Việt hóa, nói như lời nhà biên kịch Thùy Linh (Hãng phim Truyền hình Việt Nam) thì việc Việt hóa kịch bản nước ngoài nhọc nhằn không kém gì tự mình viết kịch bản, mỗi phim mất cả năm trời. Đó là chưa kể đến việc mua bản quyền phim cũng không hề rẻ - ước tính không dưới 1.000 USD/tập. Vậy nhưng cách làm này vẫn được nhiều nhà sản xuất chuộng và lao vào rầm rầm mới lạ.

 Theo họ lý giải, việc làm phim nội bằng việc “xào” lại một bộ phim ngoại đã gây tiếng vang và có chỗ đứng trong lòng khán giả âu cũng là điều “tất lẽ dĩ ngẫu” trong điều kiện một năm nhà Đài cần tới cả hàng nghìn bộ phim Việt để phát sóng giờ Vàng trong khi đội ngũ biên kịch ở Việt Nam còn khan hiếm và chưa chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chính họ cũng không giấu giếm “tham vọng”… “câu khách” từ thương hiệu mà bộ phim gốc đã từng gây dựng được. Vả lại với cách làm sẵn kiểu này, bản thân nhà sản xuất có thể tạm yên tâm về chất lượng kịch bản vì ít ra mức độ “ăn khách” đã được kiểm chứng ở nước bản địa.

Dù thế, tiếc là dường như nhiều nhà làm phim mới chỉ nhìn đi mà chưa mấy ai nhìn lại, trên thực tế vẫn có rất nhiều bộ phim “made in Việt Nam” như: Lập trình trái tim, Gọi giấc mơ về, Đồng tiền xương máu… được khán giả nhà yêu thích và đón nhận nhiều hơn cả phim Việt hóa - nửa nội nửa ngoại như trên. Bản thân đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, bộ phim Việt hóa “Ngôi nhà hạnh phúc” mà anh làm lần này dù mới lên sóng vài tập đầu song có thể thấy trước là nó khó có thể vượt qua dấu ấn từ series phim 100% thuần Việt do anh tự viết kịch bản và dàn dựng trước đó là “Bỗng dưng muốn khóc”.

Đáng nói hơn, dù chưa thành công để nắm thế “thừa thắng xông lên” nhưng hướng đi này vẫn ngày càng rộ, sau “Ngôi nhà hạnh phúc” còn có hàng dài các bộ phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài khác đang xếp hàng chờ lên sóng: Đừng đùa với thiên thần, Dù gió có thổi, Dòng sông huynh đệ, Cô nàng tóc rối… 

                                                                                                          Theo ANTĐ





Các bài mới
Các bài đã đăng