Tạp chí Sông Hương -
'Lính cứu hỏa' kịch bản sân khấu
08:44 | 17/11/2009
"Người ta gọi tôi là “lính cứu hỏa” bởi tôi hay giúp họ trong những trường hợp cấp bách về kịch bản. Tác phẩm của tôi được các đoàn miền Bắc và miền Nam dàn dựng. Miền Bắc gọi tôi là tác giả kịch lịch sử, TP.HCM ví là cây viết hài" - Nhà viết kịch Phạm Văn Quý, tác giả hơn 100 vở kịch đã được dàn dựng trên sân khấu và truyền hình thổ lộ.
'Lính cứu hỏa' kịch bản sân khấu
Cảnh trong vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long của tác giả Phạm Văn Quý.

Viết kịch đã lâu song gần đây, sau khi được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội, Phạm Văn Quý‎‎ thường được truyền thông nhắc đến với bộ 10 tác phẩm kịch lấy cảm hứng từ Thăng Long, Hà Nội. Sự thật thì chủ đề này chiếm bao nhiêu phần trăm trong sự nghiệp viết kịch của ông?

- Tính đến nay tôi đã có khoảng hơn 100 tác phẩm sân khấu được dàn dựng, trong đó có khoảng 20 vở kịch lịch sử và 10 vở viết về Thăng Long. Nhiều người mới biết đến tôi với tư cách là một người Hà Nội viết kịch về chính mảnh đất mình đã lớn lên, chứ từ lâu TP.HCM đã gọi tôi là “nhà viết hài”, bởi tôi có khá nhiều hài kịch được dàn dựng tại vùng đất sôi động ấy.

Tác giả Phạm Văn Quý. Ảnh: T.H

Có thể kể đến Phương thuốc thần kỳ, từng đứng trên sân khấu 5B Võ Văn Tần hai năm, rồi Cưới chạy, Đồ dởm và rất nhiều chùm hài kịch ngắn trên sàn diễn cũng như trên truyền hình. Rồi tôi cộng tác mấy năm liền với Đài Truyền hình Việt Nam trong các chương trình Táo quân phát sóng ngày 23 tháng chạp, đã có người gọi tôi là “nhà viết Táo”. Tôi viết kịch tâm lý‎‎‎‎ cũng “bợm” lắm chứ, thế nhưng tên tuổi tôi vẫn chẳng mấy khi được nhắc tới, thậm chí người ta toàn gọi sai tên.

Vậy mối duyên nào đã xui khiến ông viết kịch về Thăng Long, phải chăng đây là món nợ mà một người Hà Nội gốc như ông phải trả trước khi Thủ đô tròn 1000 năm tuổi?

- Tôi là người gốc Hà Nội nên rất yêu nơi đây, thậm chí đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ chi tiết những con phố, ngôi nhà của Thủ đô từ 50 năm trước. Thế nhưng, cũng phải đợi đến khi có cuộc vận động sáng tác về Thăng Long thì tôi mới cầm bút thi tài và cũng không ngờ là mình thành công. Cũng nói thật là tôi thường sáng tác theo đơn đặt hàng. Ngày trước, cứ có cuộc thi kịch bản nào là bạn bè lại nhắn tôi dự thi để… nhận thưởng.

Hóa ra, ông viết kịch bản là do sự đòi hỏi về kinh tế chứ không xuất phát từ niềm đam mê?

- Không. Tôi là thằng rất nghiện sân khấu, từ nhỏ, dù mồ côi, nhà rất nghèo nhưng tôi không bao giờ bỏ lỡ một vở diễn nào. Trèo tường, chui rào trốn vé bị người ta đánh vỡ mặt mà vẫn không chừa. Thậm chí, mưa rét, vừa sợ chó vừa sợ ma vẫn một mình vượt bóng đêm đi đến các điểm diễn. Ngày ấy, tôi hâm mộ các diễn viên lắm, có khi buổi sáng còn mò đến đoàn hát xem “ngôi sao” của mình đánh răng rửa mặt, ăn uống thế nào.

Nhưng lạ là tôi không mơ thành diễn viên mà chỉ thích làm đạo diễn hoặc biên kịch. Năm 18 tuổi, tôi đã viết vở Từ nay hết khổ, được các chị công nhân ở công trường nuôi lợn diễn. Họ còn chạy tới tôi hỏi xem đóng thế có hay không, tôi chỉ bất ngờ: mình viết kịch cải lương nhưng các chị ấy diễn lại thành… ngâm Quảng (dân ca Quảng Nam). Từ bấy đến giờ, làm việc trong ngành quân đội nhưng tôi luôn coi cái nghiệp của mình là cầm bút, viết thơ, viết truyện, đặc biệt là kịch. Không đam mê vào tận máu thì làm sao sáng tác được.

Ông có nhiều vở kịch lịch sử gây sự quan tâm của mọi người. Theo ông, yếu tố nào cần thiết đối với một cây bút viết về đề tài này?

- Trước hết, phải yêu sử, yêu dân tộc, kính trọng những anh hùng trong lịch sử. Cái này tưởng đơn giản nhưng không dễ đâu nhé vì mấy ai thuộc sử như hát đâu. Và sau đó là phải có tay nghề, chuyên môn tốt. Cũng có không ít người “cày xới” lịch sử nhưng để đạt đến thành công rất khó, nhất là khi nó hầu như đã được "đóng đinh". Mình viết thế nào để không khô, vì thế thì người ta đọc sử hay hơn. Làm thế nào để tái hiện cuộc sống thật của những con người thuở xưa? Tất nhiên, mình phải bịa ra nhưng không được bóp méo lịch sử, hạ thấp nhân vật vốn được nhân dân kính trọng.

Từng có ý‎‎ kiến cho rằng, nhà văn cần tháo gỡ vinh hoa để nhân vật về với đời thường, thậm chí có người nói, chắc gì các cụ ta đã truyền lại đúng sự thật. Song tôi nghĩ cái gì nhân dân đã tôn thờ thì không thể sai. Người sáng tác văn học nghệ thuật không thể nghi ngờ, vì thế thì anh nghi ngờ chính dân tộc anh à? Viết lịch sử phải xác định rõ ràng, viết vì cái gì? và ít nhất cũng là viết vì dân tộc mình. Với những vị anh hùng, tình yêu đất nước phải lớn lao hơn tình yêu nam nữ chứ.

Tuy nhiên, để một vở kịch lịch sử ra đời cũng không phải chuyện dễ. Ví dụ, vở Tả quân Lê Văn Duyệt, một nhân vật còn có nhiều ý kiến đánh giá chưa xuôi chiều. Trong ba năm trời, các đạo diễn liên tục xin dàn dựng mà đều bị hủy. Khi được duyệt công diễn, cơ quan chức năng còn gửi văn bản về bảo tác giả phải xác định Lê Văn Duyệt không phải là anh hùng dân tộc. Tôi bảo, anh hùng hay không là do nhân dân chứ tôi làm sao quyết định được.

Đấy là chưa kể, trong lúc dàn dựng có nhiều chuyện làm mình đau đầu lắm. Như cái hồi làm vở về vua Lê gắn với truyền thuyết Hồ Gươm, mấy đứa trong đoàn cứ bảo: cháu cho thêm cái cầu Thê Húc vào bối cảnh nhé. Rồi thì trang phục, đi đứng có giống với thời xưa đâu, có khi xem xong còn chả nhận ra kịch của mình ấy chứ.

Nói thực lòng, viết kịch lịch sử, chính kịch, hài kịch…, đối với ông, cái nào “ngon ăn” hơn?

- Đứng về giá trị tác phẩm: chính kịch, bi kịch, hài kịch nếu viết tốt thì giá trị như nhau, không cái nào sang trọng hơn cái nào, cũng có khi những yếu tố này chi phối nhau trong một tác phẩm. Cũng không có căn cứ nào để nói viết lịch sử khó hơn chính kịch hay hài kịch. Thường khi tôi viết, đề cương đã ở trong đầu, các lớp lang cũng hiện hữu rõ nét. Có vở tôi viết rất nhanh do tác động tại từng thời điểm. Ví như khi viết hài kịch dài Phương thuốc thần kỳ để dự thi, vì thời gian gấp nên một ngày tôi chỉ ngủ mấy tiếng còn lại dành cho sáng tác. Cũng có vở ấp ủ cả năm trời nhưng viết xong chẳng thấy hài lòng gì cả.

Nhưng ông làm giàu nhờ viết kịch bản, dù nghề chính của ông là giảng dạy trong một trường quân đội?

- Cái nghề ấy tôi không yêu, do nhiệm vụ được phân công thì làm thôi. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận việc viết kịch bản giúp cuộc sống của tôi khá lên rất nhiều. Cách đây hơn 5 năm, đoàn cải lương Đồng Tháp tìm đến cậu anh tôi với một tập tài liệu và yêu cầu viết vở kịch về cụ Nguyễn Sinh Sắc, anh ấy trông thấy mà… phát hoảng nên dẫn đến tôi. Ngày ấy họ đặt hàng tôi với giá 20 triệu.

Khi tôi được giải cao nhất trong cuộc thi kịch bản hài tại TP.HCM, có người còn bảo tôi lập nhóm chuyên viết thể loại này với số lượng không hạn chế, tôi bảo rằng, chẳng có ai viết được theo yêu cầu ấy đâu, chỉ có tôi thôi, bởi vì khi ấy tôi cần tiền nên mới viết khỏe thế. Thậm chí, người ta còn gọi tôi là “lính cứu hỏa” bởi tôi hay giúp họ trong những trường hợp cấp bách về kịch bản. Những năm gần đây, các đoàn đến đặt hàng tôi ngày càng nhiều.

Xem ra, đời sống biên kịch không đến nỗi ảm đạm như… tình hình hoạt động sân khấu. Trong mùa liên hoan năm nay, ông có đến 5 vở dự thi, con số này góp một phần không nhỏ vào những cơn mưa huy chương đổ xuống các nghệ sĩ. Điều này làm ông vui hay buồn?

- Thực ra chuyện sân khấu vắng khán giả là điều khó tránh khỏi bởi càng ngày, khán giả càng có nhiều lựa chọn. Chỉ tính riêng bóng đá, các chương trình giải trí trên truyền hình đã chiếm bao nhiêu thị phần người xem rồi.

Người ta cứ hay so sánh với cái thời hoàng kim của sân khấu những năm 70, 80 nhưng ngày ấy đời sống tinh thần đâu có gì. Còn nhớ, lúc ấy, một bộ phim bình thường mà tôi phải xem đến 7 lần vì chả còn gì hơn nữa. Ngày nay, mọi thứ ồ ạt tràn vào nước ta theo cánh cửa mở của kinh tế thị trường và chúng đánh bật sân khấu truyền thống ra khỏi thành thị, trở về với nông thôn, với chính nơi nó được sinh ra.

Các nghệ sĩ biểu diễn ở nông thôn nhiều chứ, đoàn nhỏ ít nhất một năm cũng biểu diễn 100 buổi. Đạo diễn, diễn viên đều được đào tạo bài bản nhưng sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, buổi chiều ăn vội ăn vàng bát cơm rồi lên xe về quê biểu diễn trong những điều kiện hết sức khó khăn, nào mưa gió, rét mướt. Không có họ thì những bộ môn đại diện cho văn hóa dân tộc như cải lương, tuồng, chèo sẽ chết. 5 năm trời họ chịu đựng vất vả, hy sinh liệu một tấm huy chương đã xứng đáng chưa?

                                                                                                       Theo VietNamNet




Các bài mới
Các bài đã đăng