Chỉ tính riêng tiền thưởng của hai giải Văn chương Nam Phi, hai giải Booker, một giải Nobel, cùng với doanh thu gần một triệu đôla từ cuốn "Slowman" (Người chậm), ông đã nhập vào tài khoản của mình vài chục triệu đô la. Ấy là chưa kể đến thù lao ông nhận được từ việc tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu của Mỹ, Nam Phi, Anh, Australia... Sự giàu có của John Maxwell Coetzee đã góp phần phá vỡ một quan niệm truyền thống từng ngự trị hàng ngàn năm, rằng nghề văn luôn đồng hành với sự nghèo khó... Ông cũng là một trong số ít những ông thầy xuyên lục địa, thường đi dạy học bằng... máy bay...
Điều gì khiến cho J. Coetzee - một người từng bị Chính phủ Mỹ từ chối đơn xin nhập cư lại trở thành giáo viên thỉnh giảng của 5 trường đại học hàng đầu của Mỹ: Đại học Harvard, Đại học Stanford, Đại học Chicago, Đại học John Hopkins, Đại học Tiểu bang New York? Câu trả lời là vì: J. Coetzee rất giỏi ngoại ngữ, giỏi máy tính, là chuyên gia hàng đầu về văn chương Anh, nổi tiếng ngay từ tiểu thuyết đầu tay. Ông là chủ nhân của nhiều giải thưởng cao quý, nhiều cuốn sách đắt giá và bán chạy nhất tại thị trường Nam Phi và Mỹ.
J. Coetzee sinh ngày 9/2/1940, trong một gia đình gốc Đức tại miền Tây Nam Phi. Từ nhỏ cậu bé J. Coetzee đã giỏi cả tiếng Anh và tiếng Đức. J. Coetzee được cha mẹ chu cấp để học hành một cách bài bản. Ông lần lượt nhận bằng cử nhân Văn chương Anh và Toán học, bằng Tiến sĩ văn chương với bản luận văn "Việc dùng máy tính trong việc phân tích các tiểu thuyết của Samuel Beckett"…
Trong suốt bốn chục năm với vai trò của một nghệ sĩ ngôn từ, J. Coetzee đã viết cả thảy mười cuốn tiểu thuyết, chuyên về các vấn đề xã hội: "Duskland" (1974), "Trong trái tim đất nước" (1977), "Đợi bọn rợ" (1980), "Cuộc đời và thời đại của Michael K" (1983), "Kẻ thù" (1986), "Thời đại sắt" (1990), "Ông thầy ở Peterburg" ((1994), "Ô nhục" (1999)… Bối cảnh của tất cả các tiểu thuyết này là mảnh đất Nam Phi hoang tàn, với muôn vàn bất công và phi lý. Đó là nơi mà con người với con người, con người và lịch sử luôn ở trạng thái đối đầu và xóa bỏ lẫn nhau.
Chủ đề xuyên suốt trong tiểu thuyết của J. Coetzee là những tổn thương do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gây ra cho con người và xã hội. Những tổn thương đó khiến con người nhiều khi không còn hiểu nổi bản thân mình, gia đình mình, thời đại mình đang sống. Họ trở thành nạn nhân của chính mình và thời cuộc, thành kẻ vô tích sự, mất hết niềm tin và trách nhiệm công dân cùng ý thức về vai trò của mình trong cộng đồng.
Điều làm nên sự khác biệt giữa J. Coetzee với các nhà văn Nam Phi tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là ở chỗ, ông không dừng lại ở việc miêu tả sự tha hóa về mặt đạo đức của con người, mà muốn bàn đến sự tha hóa về mặt xã hội. Chính điều đó nâng J. Coetzee lên tầm cao hơn các nhà văn khác và khiến công chúng "mắc nghiện" tiểu thuyết của ông - những cuốn tiểu thuyết "thâm nhập sâu sắc vào những thân phận con người, chỉ ra sự tàn bạo cùng nỗi cô đơn của nó, và lên tiếng bênh vực cho kẻ yếu", để hướng tới mục đích tối cao là "lột mặt nạ của cái gọi là nền văn minh thuộc địa và phơi bày bộ dạng của cái ác"…
Trong "Ô nhục" - một trong hai cuốn tiểu thuyết được trao giải Booker, J. Coetzee đã sử dụng một lối viết giản dị, trung thực và đầy trí tuệ để phơi bày sự tha hóa đến tột cùng của David - một vị giáo sư khả kính. Trong cơn lốc xoáy của thời đại, từ một giáo sư dạy văn, ông bị biến thành một người dạy kỹ năng truyền thông, cuối cùng trở thành một kẻ yếm thế, vô liêm sỉ, hoàn toàn không làm chủ được bản thân. Cứ đến thứ năm hàng tuần, Giáo sư David lại đến nhà nghỉ để hưởng lạc với một người đàn bà mà ông ta không hề biết tên và địa chỉ. Người đàn bà đó phục vụ ông đơn giản là theo hợp đồng từ một hãng cung cấp dịch vụ. Nhưng rồi một cuộc chạm trán trên phố, David biết được người đàn bà mà ông đang chung đụng là một người có gia đình. Ông chủ động chấm dứt mối quan hệ với người đàn bà nọ, song lại rơi vào tình trạng hẫng hụt, đổ vỡ.
Sau đó David lại yêu một cô nữ sinh của mình. Cuộc tình bất chính, đậm sắc dục kiểu "vòng tay học trò" đã nhanh chóng đẩy David thành nô lệ của tình yêu. Khi câu chuyện vỡ lở, tên tuổi của David chìm trong nỗi ô nhục. Ông phải đối mặt với những cuộc đối chất, phải trốn đến một trang trại hẻo lánh sống cùng cô con gái mắc chứng đồng tính luyến ái, trong vai một người giúp việc trong một bệnh viện dành cho động vật. Rồi ngày tận thế đã đến. Ba tên cướp da đen xông vào nhà hãm hiếp cô con gái ngay trước mắt ông. Thế nhưng cô con gái lại cam chịu, không chịu báo cảnh sát vì cô đã hiểu ra một điều đơn giản mà cha mình đã không thể nào hiểu được. Đó là, khi đã sống trên mảnh đất Nam Phi này, cô phải chấp nhận bạo lực và ô nhục và chỉ đơn giản phải gắng sống tiếp để học cách chấp nhận. Vị giáo sư dù không muốn vẫn phải học cách từ bỏ con gái, từ bỏ cả ý niệm về công bằng và công lý…
Hai năm sau khi nhận giải Nobel Văn học, J. Coetzee lại trình làng "Người chậm" (Slowman), cuốn sách đã mang lại cho ông số tiền trên 900.000 đôla. "Người chậm" bắt đầu bằng sự cố nhà nhiếp ảnh Paul Rayment bị mất một chân trong trong một tai nạn. Trong thời gian ở trại điều dưỡng, Paul đã đem lòng yêu Marijana, một nữ điều dưỡng viên người đang phải vất vả nuôi gia đình trên mảnh đất xa lạ. Với mối tình sau cuối này, Paul mới giật mình nhận ra rằng, trong suốt sáu chục năm qua, ông không có gì ngoài căn hộ đầy sách và đồ đạc.
Giống như hầu hết các tiểu thuyết ông viết trước đó, "Người chậm" đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng tác giả rất dè dặt khi đưa ra câu trả lời. Câu chuyện tình mơ mộng của Paul là một đáp số cho những mối băn khoăn chung của cộng đồng Nam Phi: Rốt cuộc thì trong cuộc đời của một con người, điều gì là quan trọng nhất? Được yêu thương hay được chăm nom có ý nghĩa hơn? Thế nào là một mái ấm gia đình đích thực… Bằng một giọng văn chắc chắn và kiên quyết, J. Coetzee đã "vật lộn" với các vấn đề này và dâng hiến cho độc giả một câu chuyện cảm động, sâu sắc về tình yêu và cái chết, khiến người đọc đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Đây đích thực là một cuốn sách hấp dẫn tới độ khiến ta bàng hoàng và bị mê hoặc. Với "Người chậm", J. Coetzee muốn gửi tới độc giả một thông điệp thâm thúy về những cách thức khiến chúng ta trở nên chín chắn hơn và sống có ý nghĩa hơn trong cuộc đời này.
Là người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Dostoiewsky, Kafka, Faulkner nên trong từng trang viết, J. Coetzee thường trực những câu hỏi đau đáu về phân phận con người trong mối tương quan với xã hội. Tất cả những bi kịch, những dằn vặt đó được viết bằng một văn phong tiết chế đến tối giản. Một số nhà phê bình văn học đã cho rằng: Văn chương của J. Coetzee không màu mè, trang trí, làm dáng, chúng giản dị đến mức làm chúng ta cảm thấy hình như J. Coetzee không cho phép độc giả mơ mộng. Không rào đón, không miêu tả vòng vèo, không né tránh, ông luôn đi thẳng vào cốt truyện tự nhiên như nó vốn diễn ra như thế. Nhiều người cho rằng, câu chữ của J. Coetzee khiến độc giả ngột ngạt. Tuy nhiên, khi đã làm quen với J. Coetzee, độc giả sẽ bị câu chuyện cuốn đi và bị dẫn dắt vào một thế giới trơ trụi đầy bạo liệt.
J. Coetzee là nhà văn giàu có, phong lưu - điều đó không cần phải bàn cãi. Song ông có hạnh phúc, có bằng lòng với những gì mình có hay không, chỉ mình ông biết. Cuộc đời ông từng trải qua hai cuộc hôn nhân, từng phải tận tay chôn cất con trai và người vợ đầu chết vì bệnh hiểm nghèo! Đó là một trong rất nhiều lý do để ông chọn một cuộc sống gần như ẩn dật. Ông không ăn thịt, không uống rượu và cũng không hút thuốc lá, chỉ say mê bóng bầu dục. Ông sống trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, được bảo vệ bằng những thiết bị điện tử hiện đại và từ năm 2000, ông sống lưu vong tại
Australia
cùng người vợ thứ hai. Ông hầu như không bao giờ xuất hiện trên báo chí, truyền hình, luôn từ chối các cuộc phỏng vấn. Ảnh của ông cũng chưa bao giờ xuất hiện trên trang bìa của bất cứ một cuốn tạp chí nào. Thậm chí Ủy ban Nobel đã phải mất hai ngày mới tìm ra nơi ở của J. Coetzee để điện thoại thông báo rằng ông đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn học trước khi loan tin trên các phương tiện truyền thông.
Thời điểm công bố giải Nobel năm 2003 bị hoãn lại chỉ vì người ta loay hoay tìm cách liên lạc với J. Coetzee. Ngay cả khi biết tin mình đã đoạt giải Nobel, J. Coetzee vẫn từ chối các cuộc phỏng vấn. Tất cả những bức ảnh của J. Coetzee đăng trên báo chí hiện đều là ảnh cũ
Theo VNCA
|