Tạp chí Sông Hương -
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Hiểu cái gốc của quan họ để bảo tồn
09:09 | 17/11/2009
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đến với dân ca quan họ nhiều năm. Anh đã đưa ra nhiều nhận định, những cảnh báo, phản biện "mạnh bạo" về thực trạng dân ca quan họ thời gian gần đây.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Hiểu cái gốc của quan họ để bảo tồn
Hát quan họ, nhận tiền là điều dễ thấy ở các lễ hội có hát quan họ.

Đánh giá của anh đã nhận được một số ý kiến đồng tình, nhưng cũng không ít ý kiến phản đối. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về vấn đề này.

Anh nhận định thế nào về thực trạng dân ca quan họ hiện nay?

- Quan họ hay và đẹp, giá trị tiềm tàng, hoàn toàn xứng đáng là di sản đại diện của nhân loại. Nay có lẽ cái cần nêu ra là một số thực trạng đáng bàn và đáng lo lắng. Đó là thực trạng một môn nghệ thuật đang trở thành sản phẩm thương mại hoá và một bộ phận không nhỏ những người hát quan họ hiện nay (nhất là thanh niên) đã gần như xa rời các lề lối và kỹ thuật thanh nhạc cổ điển để lạm dụng nhạc đệm điện tử và các thiết bị loa đài... cũng như hình thức sân khấu hoá, dẫn tới việc những nét tinh tuý của quan họ đang biến dạng.

Điều này diễn ra song song với sự ra đi của các nghệ nhân kỳ cựu, vĩnh viễn mang theo những giá trị độc đáo mang dấu ấn đặc trưng của các địa phương trong vùng quan họ. Đặc biệt, điều mà tôi đã lên tiếng rất nhiều lần là lực lượng liền anh có chất giọng tốt đang thiếu trầm trọng...

Quan họ cổ truyền là một vùng dân ca tập trung với tập tục kết nghĩa theo nhóm xã hội, có bản chất như một thú chơi nghệ thuật thuần nhất phi thương mại, rất hiếm trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, sân khấu hóa và thương mại hóa không có gì sai và cần hoạch định đúng hướng, nhưng nếu để tuột mất những chân giá trị cổ điển mẫu mực của quan họ cổ, thì quá ư đau xót!

Anh có thể nói rõ hơn những hậu quả từ việc thiếu lực lượng, nhất là lực lượng liền anh?

- Thực trạng này khiến cho việc tổ chức, phục dựng, tái hiện các canh hát đối đáp theo mô hình cổ xưa khó đảm bảo chất lượng nghệ thuật và kể cả mặt hình thức. Xưa kia quan họ kết nghĩa có phân cặp hát từ anh hai đến anh sáu để ứng đối với các cặp liền chị từ chị hai đến chị sáu. Về mặt thế hệ, tuổi tác phải thuộc lứa đồng niên và đó là sự hợp lý tự nhiên trong sinh hoạt giao duyên.

Nay các liền anh cao tuổi chỉ còn vài người có thể hát được, thật khó coi khi các cặp liền chị cao tuổi lại hát đối bằng những lời yêu thương, nhớ nhung với một vài cặp liền anh chỉ bằng tuổi... em, con mình. Tôi cũng xin nói thêm là bây giờ nhiều khi chúng ta gọi là các "canh hát", chứ thực chất các canh hát theo đúng nghĩa xưa đã không còn. Đó là sự phân rã cấu trúc xã hội.

Giờ tiện đâu mời đó, kể cả cùng làng cùng xóm, miễn sao cho có người hát là được rồi. Việc xưng danh "anh hai, anh ba..., chị tư, chị năm..." bây giờ cũng chỉ mang tính ước lệ, không có ý nghĩa như xưa. Nhiều người đã gọi canh hát "giả cổ" là bởi vậy.

Tôi còn nhớ hồi đi điền dã quan họ năm 1991, cố học giả Hồng Thao cũng đã chia sẻ với tôi những lo lắng của ông về tình hình quan họ cả ở từng phần cho đến tổng thể. Đó là sự thật, nếu không dám đối mặt với nó, sẽ khó mà bảo vệ được các yếu tố căn cốt của hệ giá trị quan họ. Trong khoa học, phản ánh đúng thực trạng là nhiệm vụ của người điền dã.

Cảnh báo, phản biện là trách nhiệm của nhà khoa học, nhưng đi kèm đòi hỏi cả những đề xuất về giải pháp. Anh có thể đưa ra một số ý kiến, ý tưởng của mình?

- Chúng ta cần làm rất nhiều điều để khôi phục thú chơi quan họ cổ điển theo truyền thống. Tất nhiên, điều này trong bối cảnh hiện nay không phải là dễ, cần có những chính sách chuyên biệt để gieo lại "mầm giống" cổ điển. Bên cạnh đó, cần bảo tồn tập trung, giữ cho được vốn liếng, bài bản, dị bản phong phú của dân ca quan họ các địa phương, cùng với nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc việc trao truyền các kỹ thuật hát quan họ cổ điển cho thế hệ kế cận ở các làng quan họ.

Muốn vậy, việc đầu tư, bồi dưỡng thoả đáng và tranh thủ học tập các nghệ nhân phải đặt lên hàng đầu. Thứ nữa và rất quan trọng, là quan tâm bổ sung đội ngũ liền anh với những giọng ca thực sự có chất lượng. Đào tạo liền anh, liền chị quan họ và diễn viên quan họ là 2 hướng khác nhau hoàn toàn.

Đó là những cái gốc, cái nguyên bản cần giữ gìn, chứ không phải là những danh hiệu nặng về hình thức, những dự án hoành tráng, xây dựng tốn kém, nhưng hiệu quả không cao. Điều tôi mong ước hơn cả là đầu tư phục dựng và nuôi dưỡng được thú chơi quan họ cổ ở các địa bàn nổi danh một thời.

- Xin cảm ơn anh!

                                                                                                                      Theo LĐ





Các bài mới
Các bài đã đăng